Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Nhân lực giữ rừng- Chuyện dài chưa có hồi kết: Áp lực cho những người ở lại (Bài 2)

Thanh Hải – Khánh Ngân - 12:06, 23/04/2021

Việc thiếu hụt nhân lực đang khiến cho nhiệm vụ giữ rừng, bảo vệ rừng trở nên khó khăn; xa hơn là nguy cơ “mất rừng” trong bối cảnh tình hình vi phạm lâm luật diễn biến phức tạp. Áp lực trách nhiệm đảm bảo an toàn cho những cánh rừng đang đè nặng trên vai những người ở lại.

 Kiểm lâm Hà Tĩnh thường xuyên tuần tra, kiểm soát, bảo vệ rừng
Kiểm lâm Hà Tĩnh thường xuyên tuần tra, kiểm soát, bảo vệ rừng

Thiếu trước hụt sau

Báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình cho thấy, diện tích đất có rừng các loại của địa phương này là 585.207ha, phân bố tại địa bàn của 131 xã. Theo Nghị định 01/2019/NĐ-CP ngày 1/1/2019 của Chính phủ về Kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, mỗi địa bàn có rừng sẽ do một Kiểm lâm địa bàn, là lực lượng chuyên trách phụ trách, theo dõi tình hình, tham mưu cho ngành và chính quyền sở tại về công tác bảo vệ và phát triển rừng.

Trong khi đó, toàn tỉnh Quảng Bình mới chỉ có 112 kiểm lâm địa bàn. Nếu "ốp" theo quy định của Nghị định 01/2019/NĐ-CP, thì vẫn còn thiếu 19 chỉ tiêu. Cũng theo thông tin từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình, định biên của công chức, viên chức toàn ngành là 216 người, nhưng thực tế mới chỉ có 206 người.

Thiếu người quản lí, bảo vệ và giữ rừng, nhiều kiểm lâm địa bàn ở Quảng Bình đang phải làm việc gấp nhiều lần so với nhiệm vụ quy định. Cá biệt, có những kiểm lâm địa bàn phải “ôm” một lúc ba địa bàn rộng để khỏi “trống chỗ”.

Ông Lê Trung Hiền, Trưởng phòng Tổ chức tuyên truyền và Xây dựng lực lượng thuộc Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình cho hay: Lực lượng Kiểm lâm hiện có 17 người là viên chức, sắp tới UBND tỉnh sẽ điều chuyển sang các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), do đó càng thiếu hụt lực lượng. Chưa kể, tại các Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ và các công ty lâm nghiệp, do lao động trẻ thuộc diện hợp đồng bỏ việc nên lực lượng ngày càng mỏng.

Còn tại Hà Tĩnh, qua tìm hiểu của chúng tôi, Chi cục Kiểm lâm tỉnh này được giao 252 biên chế. Tuy nhiên thực tế hiện nay, mới chỉ có 189 định biên, còn thiếu 63 định biên so với quy định.Trong số 189 định biên, thì có 20 lao động hợp đồng theo Nghị định 68/200/NĐ-CP của Chính phủ. 

Trong khi đó, diện tích đất có rừng toàn tỉnh hơn 333.000ha với 175 xã có rừng, tương ứng với 175 kiểm lâm địa bàn. Thiếu người trầm trọng và trước sức ép công việc, Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Hà Tĩnh đã buộc phải làm văn bản đề nghị sang Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh xin ý kiến về việc, tăng thời gian làm việc từ 200 - 300 giờ/người/năm cho lực lượng kiểm lâm.

Một vụ phá rừng bị phát hiện ở khu vực rừng thuộc lâm trường Trường Sơn huyện Quảng Ninh tỉnh Quảng Bình.
Một vụ phá rừng bị phát hiện ở khu vực rừng thuộc lâm trường Trường Sơn huyện Quảng Ninh tỉnh Quảng Bình.

Ông Nguyễn Sĩ Lương, Trưởng phòng Tổ chức hành chính - Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh cho biết: Áp lực đang đè nặng lên vai những người ở lại, thời gian làm việc của anh em rất căng. Cũng bởi thiếu người, lãnh đạo các hạt kiểm lâm cũng đang phải kiêm nhiệm thêm nhiều việc để có thêm người bám địa bàn.

Mỗi tháng anh em chỉ được nghỉ 3 - 4 ngày; còn lại túc trực tại Trạm để tuần tra, bảo vệ rừng. Công việc quá căng thẳng và áp lực.

Ông Lê Phùng ThiếuTrưởng BQL Rừng phòng hộ Thanh Chương - Nghệ An

Câu chuyện thiếu lực lượng trực tiếp giữ rừng cũng đang đè nặng lên các ban ngành và chính quyền các cấp ở nhiều tỉnh miền Trung. Dù đã triển khai nhiều biện pháp, giải pháp như thu hút, tuyển dụng, bố trí lãnh đạo kiêm nhiệm nhiều việc để nhân viên có thời gian bám nắm địa bàn… nhưng lao động giữ rừng ở các tỉnh miền Trung vẫn “thiếu trước hụt sau”.

Thậm chí, tại các BQL rừng phòng hộ, để “bám rừng”, nhiều tổ, chốt chỉ duy trì 1 người trực, còn tất cả quân số xuyên rừng, lội suối nhiều ngày để khép kín lịch tuần tra. 

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An Nguyễn Tiến Lâm từng nêu thực tế: Nguồn lực cho công tác bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh hiện vừa thiếu vừa phập phù. Nếu không khắc phục được thực trạng này, sẽ rất khó bảo vệ rừng bền vững. Kiểm lâm là lực lượng thực thi pháp luật còn lực lượng bảo vệ rừng của các BQL rừng phòng hộ, các công ty lâm nghiệp… đóng vai trò nòng cốt của các chủ rừng trong bảo vệ rừng. Vì vậy, cần phải có sự quyết liệt trong sửa đổi chính sách cho lực lượng bảo vệ rừng.

Sớm điều chỉnh chính sách

Thông tin từ Chi cục Kiểm lâm các tỉnh miền Trung, số lượng vụ việc vi phạm lâm luật đang giảm dần qua từng năm. Tại tỉnh Quảng Bình, nếu như năm 2016 toàn tỉnh xảy ra 1.138 vụ vi phạm lâm luật, thì năm 2020 chỉ xảy ra 452 vụ. 

Còn tại Hà Tĩnh, Trưởng phòng Tổ chức hành chính-Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh, ông Nguyễn Sĩ Lương xác nhận: Tình hình vi phạm lâm luật giảm đều qua mỗi năm về số lượng, quy mô nhưng tính chất đang có chiều hướng phức tạp hơn. Đó là hệ quả, hệ lụy một phần của việc thiếu hụt lao động quản lí, bảo vệ rừng. Việc thiếu hụt lao động đã dẫn đến hiệu quả quản lí và bảo vệ rừng không cao. 

Lực lượng chức năng Quảng Bình thu giữ số lượng gỗ khai thác trái phép
Lực lượng chức năng Quảng Bình thu giữ số lượng gỗ khai thác trái phép

Mặt khác, các chính sách, cơ chế về bảo vệ và phát triển rừng ở cơ sở còn nhiều hạn chế nên công tác bảo vệ rừng vẫn còn nhiều khó khăn. Thực tế thì, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng trực tiếp tại các BQL rừng phòng hộ không đủ thẩm quyền, chức năng nhiệm vụ xử lí khi có vi phạm lâm luật. Do đó, nhiều đối tượng xấu lợi dụng kẻ hở này để “nhờn luật”. 

Riêng với lực lượng Kiểm lâm, dù có đủ thẩm quyền, cơ chế hỗ trợ nhưng Kiểm lâm địa bàn nhiều nơi phải phụ trách địa bàn của 2 - 3 xã, nên khó quán xuyến hết công việc được giao. Trong khi đó, có một thực tế bất cập là nếu xảy ra tình trạng rừng bị phá, cháy rừng thì lực lượng kiểm lâm luôn bị quy trách nhiệm.

Ông Nguyễn Tiến Lâm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An bày tỏ: Thiếu nguồn lực nhân lực, thiếu kinh phí hoạt động và nếu không sớm điều chỉnh cơ chế, chính sách bảo vệ rừng hợp lý, thì lĩnh vực này thời gian tới sẽ còn gặp nhiều khó khăn.

Thực tế, công tác bảo vệ rừng không chỉ của lực lượng kiểm lâm, các BQL rừng phòng hộ mà là của toàn xã hội. Tuy nhiên, với vai trò là lực lượng nòng cốt, bài toán nguồn nhân lực cho ngành Kiểm lâm, các BQL rừng phòng hộ cũng cần sớm có lời giải. Ngoài việc nên thay đổi hình thức thi tuyển bằng xét tuyển công chức, cần có những chính sách, chế độ ưu đãi hợp lý đối với lực lượng chuyên trách làm công tác bảo vệ rừng. 

Nếu không kịp thời điều chỉnh cơ chế chính sách để phù hợp với nhu cầu thực tế thì vấn đề nhân lực giữ rừng vẫn là một câu chuyện dài chưa có hồi kết.