Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Nhà máy nước Long Mỹ ngừng hoạt động do ô nhiễm nguồn nước: Cuộc sống của hơn 6.000 hộ dân bị đảo lộn

PV - 10:28, 08/05/2019

Nhà máy nước TX. Long Mỹ (Hậu Giang) phải ngưng cung cấp nước do nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng. Hiện tượng này, kéo dài hơn 01 tháng qua, tuy nhiên, trong khi người dân mòn mỏi chờ xử lý, chính quyền vẫn loay hoay tìm nguyên nhân.

Theo phản ánh của người dân, thời gian vừa qua 2 con sông chính là sông Cái, sông Nước Đục cung cấp nước cho nhà máy bị ô nhiễm nghiêm trọng. Đỉnh điểm từ ngày 20-24/4, dòng sông chuyển màu đen ngòm buộc nhà máy nước phải ngừng hoạt động. Tình trạng này khiến trên 6.000 hộ dân thuộc địa bàn xã Vĩnh Thuận Đông, Thuận Hưng, Xà Phiên (huyện Long Mỹ) và phường Thuận An, (TX. Long Mỹ) không có nước sinh hoạt, cuộc sống bị đảo lộn.

Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Lê Tiến Châu (Người mặc áo đen đang đứng) thông tin với báo chí về tình trạng ô nhiễm sau chuyến khảo sát ngày 6/5. Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Lê Tiến Châu (Người mặc áo đen đang đứng) thông tin với báo chí về tình trạng ô nhiễm sau chuyến khảo sát ngày 6/5.

Không những vậy, nước sông chuyển màu đen còn ảnh hưởng lớn tới sản xuất của người dân. Ông Phạm Văn An, xã Thuận Hưng, huyện Long Mỹ cho biết: “Hơn 01 tháng nay, nước trên dòng sông chuyển màu và có mùi hôi không thể sử dụng được, ao cá nhà tôi chết hết. Nhà không có nước sạch sinh hoạt hằng ngày để giặt, rửa, thậm chí tưới cây cũng không dám vì không biết trong nước đen đó chứa loại chất gì”.

Trước sự phản ánh của người dân, các cơ quan chức năng đã vào cuộc nhưng chưa thống nhất được nguyên nhân. Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) UBND huyện Long Mỹ, từ ngày 24/3 đến 25/4 đơn vị này đã kiểm tra 14 đợt, lấy 44 mẫu tại các xã Vĩnh Thuận Đông, Thuận Hưng, Thuận Hoà và lấy 7 mẫu ở Công ty TNHH Mía đường Cồn Long Mỹ Phát. Qua đó, phát hiện, công ty này thường xuyên gây ô nhiễm. Thời gian, Công ty xả thải thường vào thứ Bảy, Chủ nhật, thậm chí vào thứ Sáu. Phòng cũng đã báo cáo lên Chi cục Bảo vệ môi trường nhưng đến nay, đã qua 30 ngày vẫn chưa có kết quả.

Còn ông Hồ Văn Phú, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Hậu Giang cho biết, ngay sau khi vụ việc xảy ra các đơn vị chức năng của sở đã phối hợp với các đơn vị, chính quyền địa phương đến hiện trường ghi nhận tình trạng ô nhiễm nguồn nước trên tuyến sông Cái và sông Nước Đục.

Dòng sông gần khu vực nhà máy đường Cồn Long Mỹ Phát hiện tại nước vẫn đen và bốc mùi hôi thối. Dòng sông gần khu vực nhà máy đường Cồn Long Mỹ Phát hiện tại nước vẫn đen và bốc mùi hôi thối.

“Hiện nay, chúng tôi đang chỉ đạo đơn vị chức năng đẩy nhanh tiến độ phân tích mẫu và dự kiến sẽ có kết quả trong thời gian tới. Trên cơ sở xác định nguyên nhân gây ô nhiễm, Sở TN&MT sẽ tham mưu các cấp thẩm quyền ra quyết xử lý trách nhiệm cơ sở gây ô nhiễm”, ông Hồ Văn Phú cho biết thêm.

Ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết: “Sau khi có báo cáo của cơ quan chức năng, trước mắt chúng tôi đã huy động tổng lực các xe chở nước ngọt từ tỉnh Sóc Trăng khu vực giáp ranh và TP. Vị Thanh để cung cấp nước sạch cho người dân thị xã Long Mỹ. Trong đó, sẽ đảm bảo nước ngọt cho các trường học và bệnh viện…”.

Ông Lê Tiến Châu cho biết thêm, bản thân ông đã tới kiểm tra, giám sát khu vực ô nhiễm nguồn nước làm ảnh hưởng đến 6.000 hộ dân. Bước đầu, đoàn khảo sát đã đến khu vực Nhà máy Công ty TNHH Mía đường Cồn Long Mỹ Phát, nơi nghi ngờ gây ra tình trạng ô nhiễm nguồn nước. Hiện nay, tỉnh Hậu Giang đã yêu cầu nhà máy tạm dừng hoạt động, chờ cơ quan chức năng xác định nguyên nhân và đối tượng gây ra ô nhiễm...

Tuy nhiên, trong khi cơ quan chức năng đang tìm nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm nguồn nước trên mặt sông Cái nước Đục, thì hàng ngàn hộ dân không có nước sạch để sử dụng, nhiều bè cá nuôi sông của người dân thuộc địa bàn liên tục bị chết hàng loạt. Vì vậy, người dân đề nghị tỉnh Hậu Giang tích cực hơn trong việc điều tra làm rõ nguyên nhân gây ô nhiễm đồng thời đưa ra hướng xử lý triệt để, đảm bảo cho đời sống sinh hoạt, sản xuất.

N.TÂM