Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Nhà hát online: Xu thế phát triển tất yếu của nghệ thuật biểu diễn

PV - 15:55, 29/07/2021

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các hoạt động nghệ thuật biểu diễn bị ngưng trệ, vừa khiến đời sống của nghệ sỹ và các đơn vị nghệ thuật gặp khó, vừa khiến khán giả thiếu hụt những món ăn tinh thần ý nghĩa.

Nghệ sĩ nhân dân Thái Bảo sẽ tham gia biểu diễn trong chương trình nghệ thuật trực tuyến ''Tổ quốc trong tim''. Ảnh: hanoimoi.com.vn
Nghệ sĩ nhân dân Thái Bảo sẽ tham gia biểu diễn trong chương trình nghệ thuật trực tuyến ''Tổ quốc trong tim''. Ảnh: hanoimoi.com.vn

Trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch COVID-19, giải pháp đưa nghệ thuật chuyên nghiệp phục vụ nhân dân thông qua nhà hát online, sân khấu online là cách thức phù hợp nhất để đưa nghệ thuật đến với khán giả.

Biểu diễn trực tuyến phục vụ khán giả

Tối 28/7, chương trình nghệ thuật trực tuyến “Tổ quốc trong tim” do Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam thực hiện đã diễn ra tại 5 điểm cầu: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Nghệ An, Bình Thuận và Paris (Pháp). Với sự tham gia của các gương mặt nghệ sỹ tiêu biểu ba miền Bắc - Trung - Nam, chương trình đã thu hút sự chú ý của nhiều khán giả.

Trước đó, tối 27/7, chương trình nghệ thuật đặc biệt "Những ngôi sao bất tử" do các nghệ sỹ Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc (Thái Nguyên) thực hiện, Nhân dịp Kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2021) đã được tường thuật trên kênh VTV2 Đài Truyền hình Việt Nam. Chương trình tái hiện lại bức tranh về sự hy sinh của những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các liệt sỹ và thương binh trong kháng chiến cứu nước đã để lại ấn tượng sâu sắc cho công chúng cả nước. Tới đây, vở diễn “Trung thần” của Nhà hát Tuồng Việt Nam cũng sẽ lên sóng truyền hình để phục vụ khán giả cả nước…

Đó là những chương trình nghệ thuật đầu tiên do Cục nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) chỉ đạo các nhà hát xây dựng và biểu diễn phục vụ khán giả. Việc thực hiện hình thức phát trực tuyến các chương trình nghệ thuật trong điều kiện dịch bệnh là nỗ lực để tạo cơ hội cho người làm nghệ thuật nói riêng, khán giả khắp mọi miền đất nước dù không đến rạp vẫn có thể thưởng thức những tác phẩm, những chương trình nghệ thuật đặc sắc trong dịp này.

Ông Trần Hướng Dương, Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết, đây mới chỉ là giai đoạn đầu tiên, thực hiện trong các đơn vị nghệ thuật thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tiếp theo, hoạt động này sẽ được nhân rộng ra các đoàn nghệ thuật trong cả nước sau khi tổng kết, rút kinh nghiệm.

Thực tế, thời gian gần đây, nhiều chương trình nghệ thuật được các nghệ sỹ thực hiện theo hình thức không có khán giả trực tiếp, chỉ phát trên các nền tảng kỹ thuật số, từ YouTube, Fanpage đến truyền hình. Bên cạnh một số chương trình biểu diễn trực tuyến do các ca sỹ Mỹ Linh, Thanh Lam, Cẩm Vân, Đức Tuấn… thực hiện, chuỗi chương trình Music Home xuất hiện khá đều đặn cũng mang tới cho khán giả theo dõi truyền hình, mạng xã hội những “bữa tiệc” giải trí âm nhạc thú vị ngay trong ngôi nhà của mình.

Có thể nói, qua gần hai năm chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, các nhà hát, các sân khấu đóng cửa, các đơn vị nghệ thuật trên cả nước không thế tổ chức biểu diễn, do đó các chương văn hóa nghệ thuật có quy mô, có chất lượng cao trên sân khấu, trên truyền hình hầu như không còn, đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân cũng bị ảnh hưởng lớn. Nhằm tháo gỡ những khó khăn của các đơn vị và bảo đảm an toàn do ảnh hưởng của dịch bệnh, ngay từ giữa năm 2020, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã xây dựng kênh Nghệ thuật biểu diễn Việt Nam trên YouTube và Facebook để phát trực tuyến các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc, các chương trình biểu diễn nghệ thuật.

Hình thức phát trực tuyến này đã giúp các nhà hát tổ chức được các sự kiện nghệ thuật trong điều kiện dịch bệnh, tạo cơ hội cho khán giả trên khắp mọi miền đất nước có thể thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật sân khấu, cập nhật mọi thông tin về các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp góp phần giúp các nhà hát, các nghệ sỹ quảng bá rộng rãi nét hay, nét đẹp của các chương trình nghệ thuật mà không cần phải tới xem trực tiếp.

Ông Trần Hướng Dương nhấn mạnh, trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều nơi bị cách ly xã hội, bị phong tỏa, việc thực hiện các chương trình nghệ thuật trực tuyến là cách thức duy nhất để có thể mang các chương trình đến với khán giả. Đồng thời, đó cũng là một phong trào thể hiện sự kết nối của các nghệ sỹ khi muốn đưa nghệ thuật đồng hành với công chúng trong cuộc chiến chống COVID-19.

Không chỉ là giải pháp tình thế

Thực tế cho thấy, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến khó lường, việc xây dựng và tổ chức nhà hát truyền hình, nhà hát online trên các nên tảng công nghệ là rất cần thiết để đưa nghệ thuật chuyên nghiệp phục vụ nhân dân. Nhận thức rất rõ điều này, nên từ tháng 6/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp cùng các đơn vị nghệ thuật triển khai hình thức thu phát, ghi hình các chương trình nghệ thuật đặc sắc để phát online và trên các kênh truyền hình.

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Hướng Dương, Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết, Cục đã làm việc với các nhà hát trực thuộc Bộ lựa chọn những tác phẩm nghệ thuật chất lượng để ghi hình phát sóng trên các kênh truyền hình. Bên cạnh đó đã tổ chức các cuộc làm việc, đề nghị một số đài truyền hình, như: Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, một số đài phát thanh-truyền hình tỉnh, thành phố… phối hợp phát sóng các chương trình biểu diễn của các nhà hát và nhận được sự đồng tình ủng hộ từ các cơ quan này. Cục Nghệ thuật biểu diễn sẽ lựa chọn cung cấp những chương trình, tác phẩm nghệ thuật đảm bảo chất lượng, phía các đài truyền hình sẽ chịu trách nhiệm biên tập để phát sóng.

Ông Trần Hướng Dương cho biết, với thế mạnh của 12 nhà hát trực thuộc Bộ và lực lượng nghệ sỹ diễn viên tài năng nhất trong cả nước, các chương trình nghệ thuật này sẽ là những chương trình, vở diễn tiêu biểu với nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau từ kịch nói, nghệ thuật sân khấu truyền hống (tuồng, chèo, cải lương), múa rối, xiếc, cho đến các thể loại âm nhạc, múa đương đại, dân gian, dân tộc hay cổ điển châu Âu như giao hưởng, nhạc kịch, ballet... Các chương trình được ghi hình trong khán phòng không có khán giả - vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh, vừa có thời gian để chăm chút cho từng cảnh quay để đảm bảo mọi mặt về chất lượng nghệ thuật.

Ông Trần Hướng Dương cũng kỳ vọng, các hoạt động nghệ thuật này sẽ diễn ra thường xuyên, ngay cả khi các hoạt động biểu diễn trực tiếp được cho phép trở lại, việc tổ chức phát sóng chương trình trên truyền hình vẫn được duy trì. Các nhà hát sẽ làm chương trình song song cả online lẫn diễn trực tiếp.

“Việc xây dựng nhà hát trực tuyến trên mạng xã hội và truyền hình không chỉ là giải pháp tình thế khi sân khẩu trực tiếp đóng băng, mà là xu thế phát triển của nghệ thuật biểu diễn trong thời đại hiện nay. Bởi, trong thời đại của công nghệ số hiện nay, các nhà hát truyền hình, nhà hát online sẽ tạo điểm nhấn, tính chuyên nghiệp và sự lan tỏa cho chương trình, vở diễn, để nghệ thuật biểu diễn được quảng bá rộng rãi tới mọi đối tượng khán giả. Nhà hát truyền hình, nhà hát online sẽ không loại trừ nhà hát truyền thống. Hai hình thức này sẽ tồn tại song song, phục vụ đồng thời cả hai đối tượng: Khán giả trực tiếp đến sân khấu và khán giả qua các phương tiện thông tin truyền thông”, ông Trần Hướng Dương nhấn mạnh.

Có thể nói, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ở rất nhiều nơi bị cách ly xã hội, bị phong tỏa, việc phát triển nhà hát online, sân khấu online là cách thức phù hợp nhất để đưa nghệ thuật đến với khán giả. Tuy nhiên, để hình thức này thực sự thu hút khán giả, các vở diễn, chương trình nghệ thuật phải rất phong phú và hấp dẫn mới có thể kéo khán giả ngồi trước màn hình theo dõi các chương trình nghệ thuật online này./.