Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Nhà Gươl, linh hồn của người Cơ-tu

PV - 13:30, 16/03/2018

Đồng bào dân tộc Cơ-tu tỉnh Quảng Nam hiện đang sinh sống chủ yếu ở 3 huyện Nam Giang, Đông Giang và Tây Giang. Các buôn làng của người Cơ-tu dù giàu hay nghèo đều có nhà Gươl.

Nhà Gươl là trung tâm sinh hoạt của cả buôn làng, là linh hồn của người Cơ-tu. Người ta coi làng nào không có nhà Gươl tức là không còn gốc truyền thống văn hoá.

Già làng Briu Pố, thôn Arớh, xã Lăng, Tây Giang cho hay: Người Cơ-tu khi lập làng, dựng nhà đều chọn đất để dựng nhà Gươl đầu tiên. Theo quan niệm của người Cơ-tu, nhà Gươl là chốn linh thiêng nơi cư ngụ của thần linh, ông bà, tổ tiên họ. Nhà Gươl được dựng chính giữa làng, người dân dựng nhà xung quanh tạo thành hình bầu dục. Nhà Gươl là nơi sinh hoạt truyền thống, nơi hội họp giải quyết công việc, nơi lưu giữ những báu vật của làng, nơi diễn ra lễ tục cúng bái, nơi cất giữ của cải chung và cũng là nơi tiến hành các lễ nghi của làng. Nhà Gươl càng to càng thể hiện làng đó giàu mạnh”.

Già làng Briu Pố chạm trổ đầu trâu lên bức vách của nhà Gươl. Già làng Briu Pố chạm trổ đầu trâu lên bức vách của nhà Gươl.

 

Việc chọn đất, chọn cây để xây dựng nhà Gươl luôn đòi hỏi theo một khuôn mẫu tương đối chung, đó là có trang trí hình vẽ, khắc họa theo lối cổ truyền văn hóa Cơ-tu. Nhà Gươl được thiết kế theo kiểu nhà sàn, mái nhà lợp bằng lá. Những tấm vách được chạm trổ điêu khắc hình ảnh các con vật không thể thiếu như đầu trâu, con trâu, con gà trống, tắc kè, con trăn… Các hình ảnh sinh hoạt đời thường như người đàn ông đánh trống, phụ nữ bồng con cũng được chạm trổ, thể hiện trình độ và sự khéo léo của các nghệ nhân. Trong nhà Gươl bao giờ cũng trưng bày nhiều loại nhạc cụ, công cụ truyền thống, nhiều đầu thú mà dân làng đã săn bắt hoặc đã giết thịt trong các lễ hội...

Nhà Gươl thiêng liêng nên những người được phép ngủ lại nhà Gươl chỉ là đàn ông và thanh niên còn son rỗi. Còn người thanh niên mới cưới vợ hay vợ đang có bầu hoặc người mang tang và đàn bà con gái kiêng cữ không được ngủ lại tại nhà Gươl của làng. Trong nhà Gươl, mọi người không được đánh cãi nhau mà luôn đoàn kết đùm bọc thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau.

Hiện nay hầu hết số thôn người Cơ-tu ở các huyện Đông Giang, Nam Giang tỉnh Quảng Nam cũng đã có nhà Gươl. Không chỉ làm nhà Gươl cho làng mình, người Cơ-tu ở 10 xã huyện Tây Giang còn tham gia đóng góp công sức để dựng nên làng văn hoá Cơ-tu ở xã Atiêng. Làng văn hoá gồm 12 nhà truyền thống với 10 nhà sàn, 1 nhà Gươl, 1 nhà dài. Mỗi ngôi nhà sàn đại diện cho một xã.

“Được Nhà nước quan tâm, nên nhà Gươl vẫn được duy trì ở khắp các bản làng người Cơ-tu. Người dân tự nguyện hiến đất, Nhà nước hỗ trợ một phần, còn lại dân làng tự bảo nhau góp của, góp sức để cùng nhau dựng nhà, bảo vệ bản sắc văn hoá của dân tộc mình”, già làng Briu Pố chia sẻ.

SAN NGUYỄN