Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Nhà có số, làng có bảng tên

PV - 09:50, 11/09/2018

Nhà có số, làng có tên là cách làm hay ở vùng đồng bào dân tộc Cơ-tu huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. Việc cắm bảng tên làng, đánh số nhà ở các bản làng định cư để thuận tiện trong công tác quản lý hành chính là cách làm rất riêng biệt và độc đáo ở Tây Giang.

nhà có số Làng đồng bào Cơ-tu giữa đại ngàn Tây Giang.

Trả lại tên cho làng

Đầu năm 2009, huyện Tây Giang (Quảng Nam) triển khai cắm bảng tên làng ở xã A Tiêng - trung tâm hành chính của huyện. Làng Achinr của xã A Tiêng là làng đầu tiên thực hiện cắm bảng tên làng, với 3 thứ tiếng, gồm tiếng Việt (tiếng phổ thông), tiếng Cơ-tu và tiếng Anh trên hình vẽ cách điệu ngôi nhà Gươl (nhà sinh hoạt cộng đồng) truyền thống của đồng bào Cơ-tu. Bà Bhríu Thị Hai, người dân trong thôn cho biết: “Từ khi có biển tên làng, người dân trong làng cảm thấy tự hào khi làng có bảng tên để mọi người khi đến thăm sẽ biết. Nhiều đoàn khách khi lên Tây Giang cũng thường ghé lại thăm làng, thăm mái Gươl, hỏi thăm bà con nên dân làng rất vui”.

Ông Bhríu Liếc, Bí thư Huyện ủy Tây Giang cho biết, từ thí điểm ở xã A Tiêng với sự đồng thuận cao của nhân dân các bảng làng Cơ-tu nên trong năm 2009, huyện cắm 39 bảng tên làng tại các xã vùng cao như xã Dang, Trhy, Axan, Chum, Gary... để hoàn thành việc cắm bảng tất cả 70 làng người dân tộc Cơ-tu trong toàn huyện. Tổng kinh phí cắm bảng tên làng thời điểm đó là 150 triệu đồng...

Theo Nhà báo Trương Điện Thắng, việc xóa bỏ, thay đổi vội vàng tên các làng cũ và thay vào đó là những con số (như thôn 1, thôn 2 chẳng hạn) sẽ làm nhạt phai lịch sử hoặc cắt đứt mối ràng buộc giữa các thế hệ cư dân tương lai và quá khứ; đồng thời làm cho những nỗ lực giáo dục truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương khó khăn hơn.

Vì vậy, việc cắm bảng ghi tên làng theo đúng tên “khai sinh” là việc làm rất có ý nghĩa. Du khách ghé thăm làng sẽ luôn nhớ những cái tên mộc mạc gắn với những con người chân chất, hồn hậu, hiếu khách và những đặc sản ba kích, những điệu nhảy tung tung, da dá… say đắm lòng người. Người dân Cơ-tu cũng thêm tự hào về tên làng, tên bản mình.

nhà có số Bảng tên làng Cơ-tu được ghi 3 thứ tiếng Việt, Cơ-tu, Anh.

Số nhà có tên chủ hộ

Các làng định cư bền vững ở xã Lăng và các xã A Tiêng và xã Dang cũng đã hoàn thành việc đánh số nhà, tên chủ hộ, thôn, xã và được gắn trang trọng ngay cổng chính của mỗi nhà. Trung úy Ông Văn Thức, Đội Cảnh sát Hành chính Công an huyện Tây Giang cho biết, hầu hết các ngôi nhà của đồng bào Cơ-tu đều có một kiểu thiết kế giống nhau từ mái tôn, khung nhà, các bức tường gỗ… , nếu không có bảng số nhà thì rất khó tìm những chủ hộ mình cần. Nay nhà đã đánh số kèm theo tên của chính chủ hộ phía dưới nên rất thuận lợi. “Chỉ cần căn cứ vào số nhà, thì chính quyền địa phương sẽ biết rõ thông tin chi tiết của từng gia đình ở từng bản làng khác nhau… Thông qua việc đánh số nhà, khi chúng tôi tiếp xúc với địa bàn sẽ rất dễ dàng tìm ra nhân khẩu mình cần”, Trung úy Thức cho biết.

Thời gian qua, huyện Tây Giang quy hoạch, sắp xếp lại các khu định cư của đồng bào Cơ-tu trên địa bàn huyện nên nhiều làng cũ phải di dời đến nơi tái định cư mới điều kiện thuận lợi hơn. Việc gắn bảng số nhà kèm theo những thông tin về số hộ, tên chủ hộ có tác dụng tích cực đến việc quản lý hành chính, quản lý địa bàn của các ngành chức năng và cả trong đời sống, giao tiếp của bà con.

Thông qua việc đánh số nhà, tên chủ hộ giúp chính quyền huyện Tây Giang quản lý tốt nhân khẩu, hộ khẩu, đối tượng hộ nghèo, hộ gia đình chính sách… từ đó việc chuyển tải các chủ trương, chính sách như giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, công tác bảo tồn văn hóa truyền thống cũng thuận tiện hơn rất nhiều…

Ông Bling Mia, Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, cho biết: “Cách làm này tạo được sự đồng thuận cao của bà con trong việc xây dựng nông thôn mới, cũng như giữ gìn những nét đẹp văn hóa của tộc người Cơ-tu. Trưởng thôn chỉ căn cứ số nhà sẽ biết nhà ai và cũng dễ nắm thông tin về các thành viên trong gia đình trong thôn. Kết quả đó thay đổi được cách tư duy nhìn nhận trong quản lý đô thị, quản lý môi trường, quản lý văn hóa ở vùng nông thôn miền núi. Cán bộ thôn chủ động, tiếp cận được cách làm mới gắn với nông thôn văn minh, giữ gìn bảo tồn giá trị văn hóa của đồng bào”.

LÊ PHƯỚC LAN NHI