Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Nguồn vốn vay ưu đãi thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội ở Trường Xuân

Mai Hương - 07:25, 07/12/2023

Những năm qua, thông qua hoạt động nhận ủy thác của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) huyện Đắk Song (Đắk Nông), Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Trường Xuân đã tạo điều kiện cho nhiều hội viên được vay nguồn vốn ưu đãi. Từ đó, chị em có thêm điều kiện, cơ hội để đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Nhờ nguồn vốn vay từ NHCSXH, gia đình anh Y MBlem dân tộc M'Nông ở bon Jâng Play 3, xã Trường Xuân, huyện Đắk Song cơ hội vươn lên thoát nghèo
Nhờ nguồn vốn vay từ NHCSXH, gia đình anh Y MBlem dân tộc M'Nông ở bon Jâng Play 3, xã Trường Xuân, huyện Đắk Song cơ hội vươn lên thoát nghèo

Để thực hiện hiệu quả công tác nhận ủy thác, Hội LHPN xã Trường Xuân luôn làm tốt công tác tuyên truyền vận động bằng nhiều hình thức khác nhau. Hội LHPN xã Trường Xuân đã thường xuyên tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi và các chương trình tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đồng thời, Hội cũng đã tích cực vận động tổ viên chấp hành Quy ước hoạt động của Tổ, thực hành tiết kiệm; giúp đỡ nhau, cùng chia sẻ kinh nghiệm trong việc sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống, trả nợ, trả lãi đúng kỳ hạn đã cam kết với Ngân hàng.

Bà H. Buốt, Chủ tịch Hội LHPN xã Trường Xuân, huyện Đắk Song cho biết: hiện Hội có 1.815 hội viên sinh hoạt tại 14 chi hội. Do dân trí không đồng đều, dân di cư tự do khá đông, người dân sống rải rác, đời sống an sinh xã hội còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của chị em. Nhằm giúp hội viên phụ nữ có nguồn vốn mở rộng đầu tư sản xuất, Hội đã phối hợp với các ngành, đoàn thể khảo sát hộ nghèo, đặc biệt là hộ phụ nữ nghèo, trên cơ sở đó giới thiệu, bình xét cho chị em vay vốn ưu đãi. Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã trung bình 0,2%/năm.

Đến nay, Hội đã quản lý 10 Tổ tiết kiệm - vay vốn (TK&VV) với tổng dư nợ hơn 28 tỷ đồng, với 469 khách hàng, 100% tổ viên tham gia gửi tiết kiệm với số tiền gần 1,4 triệu đồng. Để đưa nguồn vốn vay đến đúng đối tượng và đạt hiệu quả, Hội đã tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp, thường xuyên củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ. Các tổ tiết kiệm-vay vốn thực hiện nghiêm túc, minh bạch công tác bình xét cho vay.

Hội thường xuyên kiểm tra, giám sát các hộ vay sử dụng vốn vay, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, sử dụng nguồn vốn một cách hiệu quả để mang lại thu nhập cao và hoàn trả vốn cho ngân hàng đúng hạn, không để nợ xấu phát sinh. Điều đáng ghi nhận là từ số tiền được vay, đa số các hội viên đều sử dụng đúng mục đích và phát huy tối đa hiệu quả. Phần lớn chị em đầu tư vào chăn nuôi gia súc, gia cầm, cải tạo vườn cây, tạo nguồn thu nhập hàng ngày cho gia đình và hoàn trả gốc, lãi đúng thời hạn, tạo việc làm ổn định, đời sống ngày càng được nâng lên rõ rệt.

Bà Doãn Nguyễn Tây Xuyên, Giám đốc NHCSXH huyện Đắk Song kiểm tra hộ vay vốn trên địa bàn huyện
Bà Doãn Nguyễn Tây Xuyên, Giám đốc NHCSXH huyện Đắk Song kiểm tra hộ vay vốn trên địa bàn huyện

Điển hình như gia đình anh Y MBlem dân tộc M'Nông ở bon Jâng Play 3, xã Trường Xuân, sau khi được vay 50 triệu đồng từ chương trình Hộ nghèo về đầu tư 1ha vườn cà phê, thêm phân bón, anh tìm hiểu thêm kỹ thuật chăm sóc vườn cà phê, nên năng suất cây trồng ngày một tăng. Nguồn vốn đầu tư đúng mục đích, hiệu quả nên đến năm 2021 gai đình anh đã vươn lên thoát nghèo. Sau đó anh mạnh dạn vay thêm NHCSXH 30 triệu đồng để đầu tư và mở rộng thêm diện tích cà phê, trồng xen canh tiêu, 200 cây sầu riêng, cây ăn trái trong vườn cà phê để tăng hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích đất. Nhờ biết cách chăm sóc, học hỏi kỹ thuật nên gia đình anh đã có của ăn của để. Thu nhập bình quân hằng năm gia đình anh đạt khoảng 200 triệu đồng, nhờ đó anh đã vuon lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Theo bà Doãn Nguyễn Tây Xuyên, Giám đốc NHCSXH huyện Đắk Song cho biết: Với phương châm”thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ” NHCSXh huyện đã xây dựng và triển khai tốt kế hoạch tín dụng hàng năm, nguồn vốn tín dụng chính sách đã được NHCSXH truyền tải đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác góp phần không nhỏ thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS, đảm bảo an sinh xã hội và ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện. Đến ngày 30/11/2023, tổng dư nợ đạt 562 tỷ đồng với 15 chương trình tín dụng chính sách được triển khai, tăng 57 tỷ đồng so với năm 2022 với 9.506 hộ còn dư nợ. Toàn huyện có 206 Tổ Tiết kiệm vay vốn trên 71 thôn/bon/bản/tổ dân phố, dư nợ ủy thác qua 4 tổ chức chính trị xã hội đạt 560 tỷ đồng, chiếm 99,9% dư nợ toàn huyện, trong đó 1941 hộ đồng bào DTTS vay vốn hộ chiếm 20% số hộ còn dư nợ.

Trong thời gian tới, để phát huy hơn nữa hiệu quả tín dụng chính sách trên đia bàn huyện, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn và giúp đỡ chị em nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, góp phần vào công tác giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.