Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Người thầy tâm huyết bảo tồn, truyền dạy chữ Thái

Đình Tuân - Ngọc Ánh - 10:43, 23/10/2022

Thực hiện Thông tư 32/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn Nghị định 82/2010/NĐ-CP về việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của DTTS trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên, tại huyện Tương Dương (Nghệ An), nhiều nghệ nhân dân tộc Thái đã tham gia vào công tác soạn thảo tài liệu và truyền dạy chữ Thái tại địa phương. Thầy giáo Vi Khăn Mun ở bản Xiêng Líp, xã Yên Hòa là một điển hình như vậy.

Thầy giáo Vi Khăn Mun đang truyền dạy chữ Thái Lai Pao cho các em học sinh
Thầy giáo Vi Khăn Mun đang truyền dạy chữ Thái cho các em học sinh

Trăn trở bảo tồn chữ viết dân tộc

Tốt nghiệp ngành Sư phạm, thầy giáo Vi Khăn Mun đã có hơn 30 năm làm nghề giáo dạy chữ cho con em đồng bào Thái, Kinh, Mông, Khơ Mú tại quê hương Tương Dương. Trong quá trình công tác, thầy Mun nhận thấy vốn quý chữ Thái cổ Lai Pao của dân tộc mình đang có nguy cơ mai một. Nhiều cán bộ người dân tộc Thái, các giáo viên và học sinh là con em đồng bào đều không biết, không quan tâm đến chữ viết dân tộc. Thầy Mun rất trăn trở…

Năm 2013, Huyện ủy - UBND huyện Tương Dương chỉ đạo Phòng Văn hóa Thông tin huyện mở 1 lớp truyền dạy chữ Thái Lai Pao 5 ngày cho cán bộ, giáo viên và các nghệ nhân dân gian trên địa bàn huyện. Thầy Vi Khăn Mun lúc đó vừa mới nghỉ hưu đã được cán bộ Phòng Văn hóa huyện mời ra tham dự lớp học.

“Có lẽ, tôi được trời phú cho chút ít năng khiếu về ngôn ngữ nên tiếp cận rất nhanh. Chỉ mấy ngày tham gia lớp học chữ Thái, tôi đã tiếp thu tốt và có thể hướng dẫn, dạy lại cho các học viên cùng lớp học”, thầy Vi Khăn Mun nhớ lại.

Thầy giáo Vi Khăn Mun đã kỳ công soạn ra những bài giảng sinh động để giúp học viên dễ nhớ
Thầy giáo Vi Khăn Mun đã kỳ công soạn ra những bài giảng sinh động để giúp học viên dễ nhớ

Thời gian sau đó, được sự gợi ý và hỗ trợ của Ban Dân tộc tỉnh cùng Phòng Văn hóa Thông tin huyện, thầy Vi Khăn Mun bắt tay vào nghiên cứu, soạn thảo bộ chữ Lai Pao đầu tiên để phục vụ cho công tác truyền dạy chữ Thái theo chủ trương của Đảng và Nhà nước về bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của các DTTS. “Sau hơn 2 tháng miệt mài soạn thảo, tôi đã hoàn thiện bộ tài liệu dạy chữ Thái Lai Pao đầu tiên tại huyện Tương Dương. Bộ tài liệu được Phòng Văn hóa Thông tin huyện sử dụng làm tài liệu phục vụ công tác truyền dạy chữ Lai Pao cho cán bộ, học sinh và người dân tộc Thái trên địa bàn huyện Tương Dương. Tôi cũng được huyện gửi cho 6 triệu đồng thù lao kinh phí hỗ trợ soạn thảo giáo án dạy chữ dân tộc”, thầy Mun chia sẻ.

Để dạy cho các học viên biết đọc, biết viết và hiểu ý nghĩa của từng từ, từng câu là một quá trình không hề đơn giản. Thầy Mun đã dày công soạn ra những bài giảng có nội dung gần gũi, thiết thực gắn với đời sống sinh hoạt hàng ngày, nhằm giúp học viên dễ dàng tiếp nhận chữ Thái Lai Pao.

Hành trình gieo chữ Lai Pao

Từ năm 2013 đến nay, được sự quan tâm của Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An cùng Huyện ủy, UBND huyện và Phòng Văn hóa Thông tin; Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tương Dương, thầy Mun đã được mời tham gia truyền dạy chữ Thái Lai Pao cho hơn 20 lớp học với hàng ngàn học viên theo học. Ngoài các lớp dạy chữ Thái cho cán bộ, giáo viên tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Tương Dương, thầy Mun còn đứng lớp dạy chữ Lai Pao cho cán bộ, giáo viên và người dân tại các xã có đông đông bào Thái sinh sống như Tam Thái, Tam Đình, Yên Hòa…

Được đứng trên bục giảng để truyền dạy chữ Thái Lai Pao là một niềm vui lớn đối với thầy giáo Vi Khăn Mun
Được đứng trên bục giảng để truyền dạy chữ Thái Lai Pao là một niềm vui lớn đối với thầy giáo Vi Khăn Mun

“Tôi còn được Ban Dân tộc tỉnh mời sang dạy chữ Thái cho cán bộ, giáo viên và người dân tại các huyện Con Cuông, Thanh Chương, Kỳ Sơn... Có nhiều lớp thu hút cả trăm học viên theo học. Già có, trẻ có, cán bộ có, dân thường có và cả nhiều cháu học sinh cũng theo học. Nhận thấy nhiều bà con người Thái vẫn rất yêu quý ngôn ngữ, chữ viết của cha ông mình, tôi cũng thấy vui lắm!”, thầy Mun bộc bạch.

Hỏi về kinh phí hỗ trợ khi tham gia truyền dạy chữ Thái, thầy Mun cởi mở: “Mỗi lớp học tôi tham gia truyền dạy khoảng 2-3 tháng, được Ban Dân tộc tỉnh hỗ trợ chi trả thủ lao khoảng 7 - 8 triệu đồng. Nguồn thù lao này rất quý đối với tôi. Không chỉ hỗ trợ về vật chất mà còn có ý nghĩa động viên về mặt tinh thần để bản thân tôi và những nghệ nhân tâm huyết tiếp tục dành tâm sức đóng góp cho công tác bảo tồn văn hóa Thái.

Bên cạnh việc truyền dạy chữ Thái Lai Pao, thầy giáo Vi Khăn Mun còn đi đến các bản làng có đông đồng bào Thái để sưu tầm, tìm hiểu, biên dịch những câu tục ngữ, thành ngữ, truyện cổ, các câu chuyện cười tiếu lâm, tác phẩm văn nghệ dân gian hay các trò chơi dân gian của đồng bào dân tộc Thái.

Thầy Vi Khăn Mun chia sẻ: “Hiện nay, tôi đã sưu tầm được gần 2.000 câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ dân tộc Thái và đang tiếp tục tiếp cận các già làng, các nghệ nhân trong các bản làng để sưu tầm tư liệu. Bản thân tôi mong muốn trong thời gian tới, ngành Giáo dục và Đào tạo Nghệ An sẽ đưa ngôn ngữ (tiếng nói, chữ viết) dân tộc thiểu số vào giảng dạy trong trường phổ thông. Đặc biệt là chữ Thái Lai Pao nhằm bảo tồn và phát huy giá trị tốt đẹp của cha ông ta không bị mai một đó là động lực thúc đẩy tôi phấn đấu trong công việc bảo tồn và phát huy chữ Thái Lai Pao”

Ghi nhận những đóng góp to lớn của thầy Vi Khăn Mun trong công tác bản tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Thái, các cấp, các ngành đã tặng cho ông nhiều Bằng khen, giấy khen. Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã tặng nghệ nhân Vi Khăn Mun hàng chục giải thưởng.

Đặc biệt, năm 2015, thầy giáo Vi Khăn Mun vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Thầy cũng được tuyên dương là điển hình trong thực hiện Chỉ thị 05/CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.