Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Người thầy nặng lòng với tiếng Khmer

PV - 18:26, 29/01/2018

Dù chưa đến tuổi nghỉ nhưng thầy giáo Danh Dửng, quê tại huyện Gò Quao ( Kiên Giang) vẫn xin nghỉ hưu để về quê vợ ở Hậu Giang để thực hiện ước mơ dạy miễn phí cho con em đồng bào dân tộc Khmer.

Về quê vợ ở xã Hỏa Lựu, TP.Vị Thanh (Hậu Giang) sinh sống, thầy Danh Dửng, sinh năm 1965 đã xin Ban quản trị chùa Ôchumwoongsa cho mở lớp dạy tiếng Khmer miễn phí vào các buổi tối tại chùa, để có thể dạy học cho bất cứ ai muốn học. Hiện tại, thầy Danh Dửng kiêm luôn chức Giáo lý viên Phật giáo của chùa.

Thầy Danh Dững (thứ 2 từ phải sang) cùng ban quản trị chùa Ôchumwoongsa. Thầy Danh Dững (thứ 2 từ phải sang) cùng ban quản trị chùa Ôchumwoongsa.

 

Thầy Danh Dửng chia sẻ, sở dĩ thầy tình nguyện dạy miễn phí chữ Khmer cho các em vì thầy sợ, chữ viết của dân tộc sẽ mất đi, sợ thế hệ trẻ quên đi những giá trị văn hóa, những bài hát, tuồng tích của dân tộc.

Hơn 10 năm trôi qua, thầy đã dạy cho biết bao thế hệ con, em đồng bào nơi đây biết viết, biết đọc chữ của dân tộc mình. Người dân nơi đây hay nói với nhau rằng, chỉ cần ba tháng học với thầy Danh Dửng, là có thể biết đọc, biết viết bằng tiếng Khmer. Điều trân trọng ở thầy là chẳng cần lương, chẳng cần bằng khen, chẳng cần ai công nhận, thầy dạy chỉ vì lòng yêu nghề, yêu đồng bào mình, yêu những giá trị truyền thống mà ông cha đã tạo nên. Thầy Danh Dửng thường nói, “bây giờ lớn tuổi rồi, phải tranh thủ truyền đạt những gì mình có được cho thế hệ trẻ. Chùa mình nghèo lắm, quê mình cũng còn nghèo thầy không muốn vì thế mà các em bỏ học, rồi không biết chữ. Đặc biệt, dân tộc mình là phải biết chữ mình”.

Là một trong những lớp học trò ban đầu của thầy, anh Châu Nha nay là cán bộ của Ban Dân tộc tỉnh Hậu Giang tâm sự: “Ngày xưa nhà tôi nghèo lắm, một buổi đi học, một buổi về chăn trâu, cũng may nhờ có thầy mà tôi có điều kiện học chữ Khmer, đó cũng là nền tảng để tôi cảm nhận hơn, trân trọng hơn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình, từ đó tôi quyết tâm làm một cán bộ làm công tác dân tộc tốt để phục vụ lại cho quê hương, cho đồng bào”.

Cứ thế, đã bao nhiêu năm trôi qua, cứ độ hè về, dưới ngôi chùa phủ bụi thời gian lại rộn rã tiếng nô đùa, tiếng học bài của những đứa trẻ. Nơi có một người thầy không quản tháng ngày miệt mài truyền dạy chữ viết Khmer cho những đứa trẻ Khmer nghèo với nỗ lực bảo tồn tinh hoa của dân tộc.

Và tiếng “thầy” được đàn học trò nhỏ trìu mến dành gọi cho thầy Danh Dững dưới những mái hiên chùa, một thứ âm thanh dịu ngọt cũng đã đủ làm mọi người tin tưởng hơn vào cuộc sống.

Ý VY