Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Người phụ nữ “giữ hồn” văn hóa dân tộc Ba Na

Ngọc Thu - 10:10, 02/11/2022

Chị Hồ Thị Viên (32 tuổi, làng Pơ Nang, xã Tú An, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) được dân làng Pơ Nang nhìn nhận, là người “giữ hồn” văn hóa dân tộc, bởi tình yêu, sự đóng góp của chị trong việc gìn giữ và trao truyền di sản văn hóa của dân tộc Ba Na cho thế hệ trẻ.


Chị Hồ Thị Viên cùng nghệ nhân lớn tuổi trong làng hoàn thành sản phẩm thổ cẩm độc đáo
Chị Hồ Thị Viên cùng nghệ nhân lớn tuổi trong làng hoàn thành sản phẩm thổ cẩm độc đáo

Đam mê nghề truyền thống

Sinh ra từ vùng đất Tây Nguyên bao la, hùng vĩ, ngay từ nhỏ, chị Hồ Thị Viên (làng Pơ Nang, xã Tú An, thị xã An Khê) đã gắn bó với khung cửi dệt và tiếng cồng chiêng rộn rã. Được ngồi cùng bà, cùng mẹ để học từng mũi kim, đường dệt và nghe kể về văn hóa, lịch sử buôn làng, Viên càng thêm đam mê và tự hào về văn hóa dân tộc mình. 

Từ niềm đam mê ấy, cùng đôi bàn tay khéo léo, tỉ mỉ, chị Viên đã tạo ra những tấm thổ cẩm đầy màu sắc và tinh tế. Hình ảnh dãy núi chập chùng, dòng sông uốn lượn, con chim, con cá, mặt trời… đều được Viên khéo léo thể hiện sinh động qua từng tấm vải.

Chị Viên chia sẻ: “Mỗi lần dệt, thêu hoa thổ cẩm là mình quên hết mọi việc xung quanh. Mỗi tấm thổ cẩm có hoa văn đơn giản nhưng lại có vẻ đẹp, ý nghĩa riêng thể hiện tâm tư, tình cảm của mình về cuộc sống. Đối với mình, dệt thổ cẩm không chỉ là đam mê mà còn là sự truyền nối của thế hệ bà, mẹ cho mình và con cháu”.

Hiện nay, trước cuộc sống hiện đại, nghề truyền thống cũng dần mai một. Với mong muốn gìn giữ, phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Ba Na, chị Viên đã thành lập Tổ dệt truyền thống xã Tú An do chị làm Tổ trưởng. Tổ dệt tập trung những người có tay nghề dệt thành thạo và tiếp tục truyền dạy cho các lớp trẻ. 

Tuy nhiên, vấn đề nan giải là việc tìm đầu ra cho sản phẩm, bởi dệt thủ công nên giá sản phẩm cao hơn nhiều so với các loại vải công nghiệp. Vì vậy, chị Viên đã chuyển hướng sang làm các sản phẩm thông dụng, từ chính các tấm thổ cẩm có hoa văn truyền thống đặc sắc của dân tộc mình như: dây cột đầu, vòng cổ, vòng tay, túi đựng điện thoại, móc khóa, khăn trải bàn, khăn quàng cổ, túi đựng laptop, điện thoại… Sáng kiến này, đã được đông đảo các thành viên trong tổ dệt ủng hộ và quyết tâm làm theo. Từ đó, những sản phẩm đẹp mắt, vừa có tính ứng dụng cao, lại đậm đà bản sắc được nhiều du khách yêu thích và tìm mua.

Bà Đinh Thị Ram, thành viên Tổ dệt truyền thống xã Tú An, phấn khởi nói: “Tôi dệt thổ cẩm được 60 năm nay, nhưng lúc nào cũng lo sợ con cháu không ai muốn dệt mà lại thích mua những bộ đồ hiện đại.  Giờ đây, thấy con cháu say mê với nghề truyền thống, tôi vui lắm. Mỗi lúc rảnh rỗi, tôi cùng con cháu lại tập trung tại nhà sàn để dệt. Mọi người nói cười rôm rả, chia sẻ các cách dệt đẹp để các sản phẩm dệt trở nên hoàn chỉnh, đa dạng. Chúng tôi cũng có thêm thu nhập khi bán được các sản phẩm thổ cẩm”.

Chị Hồ Thị Viên đã tập hợp thanh thiếu niên thành một nhóm cùng nhau bồi đắp, lan tỏa tình yêu với âm nhạc dân tộc
Chị Hồ Thị Viên đã tập hợp thanh thiếu niên thành một nhóm cùng nhau bồi đắp, lan tỏa tình yêu với âm nhạc dân tộc

Chim sơn ca của núi rừng

Không chỉ dệt giỏi, chị Viên còn hát rất hay. Chị thuộc làu những điệu dân ca Ba Na. Giữa lúc giới trẻ không mặn mà với lời ca điệu hát truyền thống, chị Viên đã tập hợp mọi người thành một nhóm, ngày ngày cùng nhau bồi đắp, lan tỏa tình yêu với giai điệu của dân tộc. Đồng thời, cùng chị em tập đánh cồng chiêng. Không chỉ đơn điệu với những nhịp múa xoang, chị em còn háo hức khi được tự mình tấu nên những nhịp chiêng trầm hùng, âm vang khắp núi rừng.

Chị Viên tâm sự: “Văn hóa cồng chiêng không thể thiếu đối với người đồng bào Ba Na. Các dịp lễ hội của làng, liên hoan hay là đám chết cũng phải dùng đến cồng chiêng. Ngoài mong muốn truyền nghề dệt thổ cẩm, tôi cũng cố gắng tập hợp được một chi đội công viên nữ khoảng 35 người có cùng tình yêu âm nhạc để bồi dưỡng, tham gia các chương trình hoạt động văn nghệ của làng, xã tổ chức và tham gia đi diễn cho địa phương”.

Em Hồ Văn Khang (13 tuổi, làng Pơ Nang, xã Tú An, thị xã An Khê) bộc bạch: Chị Viên hát hay, múa rất đẹp. Nhờ có chị Viên cổ vũ, hướng dẫn mà em đã mạnh dạn, tự tin để tham gia múa, hát, đánh chiêng trong các lễ hội làng, các hội thi, liên hoan… Em rất tự hào khi được trình diễn âm nhạc dân tộc mình cho đông đảo khán giả biết đến”.

Đối với người Tây Nguyên, văn hóa truyền thống dân tộc chính là điều quý báu nhất mà họ có được và muốn gìn giữ đến tận mai sau
Đối với người Tây Nguyên, văn hóa truyền thống dân tộc chính là điều quý báu nhất mà họ có được và muốn gìn giữ đến tận mai sau

Ông Trần Thanh Cảnh, Chủ tịch UBND xã Tú An, thị xã An Khê, cho biết:. Những năm qua, chính quyền địa phương luôn ưu tiên cho việc phát huy bản sắc văn hóa dân tộc như thành lập các câu lạc bộ cồng chiêng, tổ hợp tác dệt thổ cẩm đan lát. Trong đó, chị Hồ Thị Viên là một hạt nhân nòng cốt liên kết, hướng dẫn, truyền dạy cùng các thành viên. Xã cũng đã tạo mọi điều kiện để đội văn nghệ tham gia các ngày hội, liên hoan để trình diễn, phát huy âm nhạc dân tộc.

 "Tới đây, chúng tôi sẽ đưa dệt thổ cẩm xã Tú An thành sản phẩm OCOP để đẩy mạnh đầu ra cho các mặt hàng dệt truyền thống, tăng thêm thu nhập cho bà con. Đây cũng là động lực góp phần gìn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc nơi đây", Chủ tịch xã Trần Thanh Cảnh thông tin thêm.