Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Người nuôi cá lồng ở Na Hang : Khắc phục sản xuất sau lũ

PV - 14:02, 11/07/2018

Vừa qua, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp, trên địa bàn huyện Na Hang (Tuyên Quang) đã xảy ra mưa to làm nước lũ đổ về đột ngột khiến cho 19 hộ nuôi cá lồng ở các xã Đà Vị, Yên Hoa, Khâu Tinh bị mất trắng, thiệt hại ước tính trên 12 tỷ đồng. Trước thực tế này, các hộ nuôi cá lồng bị thiệt hại đã chủ động triển khai nhiều giải pháp khắc phục khó khăn tái sản xuất.

Gia đình anh Lương Văn Tần, thôn Xá Thị, xã Đà Vị, huyện Na Hang (Tuyên Quang) bắt đầu nuôi cá lồng từ năm 2016. Sau khi gia đình anh vay vốn theo Nghị quyết 12/2014/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang 200 triệu đồng, anh đã đầu tư xây dựng 10 lồng để nuôi cá loại cá đặc sản như bống, lăng, chiên, nheo… Mỗi năm, gia đình anh cung cấp ra thị trường gần 20 tấn cá, trừ chi phí cũng cho thu nhập trên 100 triệu đồng.

cá lồng Các hộ nuôi cá lồng tại thôn Xá Thị, xã Đà Vị (Na Hang) dọn dẹp, sửa soạn lồng bè để chuẩn bị thả cá giống mới.

Tuy nhiên, giống như các hộ chăn nuôi cá lồng tại xã Đà Vị, gia đình anh Tần cũng bị thiệt hại nặng nề sau đợt lũ đổ về đột ngột vừa qua. Toàn bộ 10 lồng cá hầu như mất trắng, thiệt hại kinh tế trên 600 triệu đồng. Với mục tiêu nhanh chóng ổn định lại nghề và thu nhập của gia đình, anh Tần đã huy động mọi nguồn lực, dọn dẹp, chỉnh sửa lại lồng bè, khử trùng, tiêu độc và chuẩn bị thả giống cá mới.

Bàng hoàng, xót xa và lo lắng là tâm trạng chung của các hộ dân bị thiệt hại nuôi cá lồng vừa qua. Anh Dương Văn Luân, thôn Bản Chợ, xã Yên Hoa cho biết, đợt mưa lũ vừa qua, gia đình anh có 18 lồng cá bị chết do ngạt khí, ước lượng trên 28 tấn, thiệt hại trên 2,2 tỷ đồng. Ngay sau khi sự việc xảy ra, gia đình anh đã tập trung xử lý, chôn lấp cá chết, không vớt cá chết vứt ra vùng nước gây ô nhiễm phát sinh dịch bệnh cho người và cá nuôi còn sống trong lồng; dùng vôi, hóa chất khử trùng để xử lý, vệ sinh môi trường nước xung quanh khu vực lồng nuôi. “Sau khi môi trường nước ổn định, gia đình tôi sẽ tổ chức mua cá giống thả đợt mới”, anh Luân cho hay.

Để người dân nhanh chóng quay lại với nghề chăn nuôi cá lồng, Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Na Hang và Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Na Hang cũng đang rà soát, đánh giá mức độ thiệt hại của các hộ dân vay vốn, cơ cấu lại thời hạn trả nợ để phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng; xem xét cho vay mới để giúp các hộ dân khôi phục sản xuất kinh doanh.

Ông Hà Văn Hoàn, Phó Chủ tịch UBND xã Đà Vị, cho biết, địa phương luôn xác định nghề nuôi cá lồng trên hồ sinh thái Na Hang là mô hình có hiệu quả kinh tế cao. Vì vậy, chúng tôi mong muốn các cấp, các ngành quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí cho người dân khôi phục sản xuất, nhất là triển khai các gói vay ưu đãi nhằm chia sẻ gánh nặng với người dân.

Tại thời điểm này, mùa mưa lũ đang xảy ra, huyện Na Hang cũng khuyến cáo, người dân tổ chức thu hoạch khi cá đạt cỡ thương phẩm, không nên nuôi lưu giữ cá cỡ lớn trên 3kg để tránh rủi ro; di chuyển lồng bè ra khỏi khu vực có nguy cơ lũ quét, đưa lồng bè đến vùng nước sâu, diện tích mặt thoáng rộng, không neo lồng bè trên dòng chảy chính để tránh tác động tiêu cực trực tiếp.

Đồng thời, có kiến nghị với các sở, ngành có biện pháp hỗ trợ sớm, kịp thời cho các hộ nuôi cá lồng bị thiệt hại nặng vừa qua, theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 9/1/2017 về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh..

QUỐC VIỆT