Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Người Mạ vẽ tranh tường, dệt thổ cẩm gắn với du lịch cộng đồng

PV - 15:19, 23/08/2022

Gần 2 năm nay, người dân bon N'Jiêng, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) được hướng dẫn làm du lịch cộng đồng. Mô hình lạ lẫm này được kỳ vọng sẽ tạo thêm sinh kế cho đồng bào các dân tộc bản địa tại Đắk Nông.

Bức tranh tường vẽ thác nước Liêng Nung của bon N'Jiêng
Bức tranh tường vẽ thác nước Liêng Nung của bon N'Jiêng

Đồng bào làm du lịch cộng đồng

Những ngày gần đây, tại khu vực cổng chào bon (cách gọi khác của buôn) N'Jiêng xuất hiện một bức tranh tường lớn vẽ khung cảnh thiên nhiên thác Liêng Nung của xã Đắk Nia, TP Gia Nghĩa.

Nhóm họa sĩ của tỉnh Đắk Nông đang tích cực hoàn thành bức bích họa, sớm đưa vào sử dụng để mọi người có thêm cảm nhận mới mẻ khi tới bon N'Jiêng.

Họa sĩ Đặng Thọ, một trong số những người đang thực hiện bức tranh chia sẻ nhóm đã thảo luận và thống nhất chọn thác Liêng Nung, phong cảnh sinh hoạt của người dân để vẽ tranh lên tường.

Thác Liêng Nung không chỉ là dòng thác gắn với lịch sử lập đất, lập bon của đồng bào Mạ ở Đắk Nông mà phục vụ cho việc nghiên cứu địa chất, địa mạo trong quần thể hang động núi lửa của vùng đất này.

Bức bích họa cũng là điểm nhấn đầu tiên khi du khách đến với bon N'Jiêng - bon du lịch cộng đồng kiểu mẫu. Đây là một nội dung được triển khai trong đề tài khoa học "Nghiên cứu xây dựng mô hình phát triển du lịch cộng đồng gắn với giá trị đặc trưng của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO tỉnh Đắk Nông", do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là cơ quan chủ trì.

Ngoài vẽ tranh và sơn sửa lại cổng bon để tạo điểm nhấn cho không gian buôn sóc, đề tài còn triển khai nhiều lớp tập huấn nâng cao nhận thức cho người dân bon N'Jiêng kỹ năng quản lý về du lịch, kiến thức về giao tiếp, bảo vệ môi trường trong kinh doanh du lịch…

Người dân đã được hỗ trợ đầu tư chỉnh trang nhà cửa, không gian sân vườn
Người dân đã được hỗ trợ đầu tư chỉnh trang nhà cửa, không gian sân vườn

Đặc biệt, người dân đã được hỗ trợ đầu tư chỉnh trang nhà cửa, không gian sân vườn, nơi trưng bày sản phẩm dệt thổ cẩm, xây dựng các đường hoa, cải tạo không gian nhà trưng bày cồng chiêng và đường xuống thác, bảo đảm môi trường sạch sẽ, an toàn cho du khách.

Anh Lê Văn Tuấn, Bí thư Đoàn xã Đắk Nia, thành phố Gia Nghĩa cho biết: "Những ngày cuối tuần, chúng tôi huy động đoàn viên thanh niên vệ sinh đường đi, phát quang bụi rậm và dọn dẹp sạch sẽ Khu làng nghề văn hóa truyền thống Liêng Nung. Hy vọng không chỉ bon N'Jiêng, xã Đắk Nia mà nhiều địa phương khác sẽ có diện mạo mới, từ đó phát triển được du lịch gắn với văn hóa cộng đồng".

Hiện nay các nghệ nhân ở bon N'Jiêng đang được hỗ trợ kinh phí để đan gùi đựng rác bằng tre nứa thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, một số mẫu sản phẩm dệt thủ công cũng được cung cấp để các nghệ nhân dệt thổ cẩm tạo ra những sản phẩm độc đáo, chất lượng phục vụ du khách.

Nghệ nhân H'Bình (bên trái) hy vọng mô hình du lịch cộng đồng sẽ mang lại đời sống ấm no cho bà con đồng bào Mạ
Nghệ nhân H'Bình (bên trái) hy vọng mô hình du lịch cộng đồng sẽ mang lại đời sống ấm no cho bà con đồng bào Mạ

Chị H'Bình, nghệ nhân dệt thổ cẩm ở bon N'Jiêng, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa), cho biết từ ngày triển khai thực hiện đề tài, những nghệ nhân dệt như chị có thêm việc làm, sản phẩm làm ra cũng có thị trường rộng mở hơn.

"Khách đến đây rất thích thú khi được trực tiếp tham gia dệt thổ cẩm hoặc mua những sản phẩm thổ cẩm được dệt thủ công 100%. Trong thời gian tới, nếu thổ cẩm được xây dựng thành sản phẩm đặc trưng của bon N'Jiêng cùng với những chính sách sự hỗ trợ của Nhà nước, chúng tôi có niềm tin rằng, đời sống của nghệ nhân dệt nói riêng, đời sống của bà con bon N'Jiêng sẽ được nâng cao", chị H'Bình nói.

Sinh kế tại chỗ

Không dừng lại đó, để du lịch cộng đồng trở thành "cần câu" cho các gia đình người Mạ ở bon N'Jiêng, một số hộ gia đình trong bon còn được dựng không gian trưng bày sản phẩm dệt thổ cẩm, sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP (sản phẩm thế mạnh của địa phương).

Bà H'Jiêng cho biết: "Ki- ốt bán hàng của bà được tạo thành bằng những vật liệu tự nhiên sẵn có như tranh, tre và dây mây. Từ khi đưa vào sử dụng, ki- ốt bán hàng đã tạo được ấn tượng với một số du khách khi tới thăm bon N'Jiêng, đặc biệt là tạo được sự gần gũi, thân thuộc cho người dân địa phương".

Người dân được hướng dẫn cách làm du lịch gắn với những "đặc sản" trong văn hóa Mạ
Người dân được hướng dẫn cách làm du lịch gắn với những "đặc sản" trong văn hóa Mạ

Đề tài "Xây dựng mô hình phát triển du lịch cộng đồng gắn với giá trị đặc trưng của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO tỉnh Đắk Nông" triển khai từ năm 2021, hiện nay đã gần đi đến kết quả cuối cùng.

PGS.TS Lê Thị Bích Thủy - Chủ nhiệm đề tài, chia sẻ Đắk Nông có nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa đa dạng phong phú, độc đáo, hấp dẫn, thuận lợi cho việc phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng.

Đối với xã Đắk Nia, đây còn là địa phương nằm trong Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, có đồng bào người Mạ sinh sống và lưu giữ nhiều tri thức bản địa về sinh hoạt văn hóa - xã hội.

Sau hơn 1 năm thực hiện đề tài, bà Thủy cho biết việc phát triển du lịch dựa vào cộng đồng gắn với các giá trị văn hóa đặc trưng đang trở thành xu hướng phát triển tất yếu trong lĩnh vực du lịch.

Chính vì thế, so với những ngày đầu, hiện nay người dân bon N'Jiêng đã có ý thức rõ rệt về loại hình du lịch này và hiểu rằng phát triển du lịch mang lại rất nhiều lợi ích.

"Phát triển du lịch cộng đồng trước tiên sẽ mang lại những lợi ích về kinh tế - xã hội, tạo ra nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm, nâng cao đời sống cho người dân thông qua các dịch vụ du lịch. Cũng từ đây, người dân có điều kiện bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử. Khách du lịch thụ hưởng trải nghiệm các giá trị đặc trưng của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông mà trước đó họ chưa biết tới" - bà Thủy cho biết thêm.

Không chỉ gìn giữ được văn hóa, du lịch cộng đồng sẽ tạo công việc cho người dân bản địa
Không chỉ gìn giữ được văn hóa, du lịch cộng đồng sẽ tạo công việc cho người dân bản địa

Tuy nhiên chủ nhiệm đề tài cho rằng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức cho việc phát triển du lịch cộng đồng tại Đắk Nông. Bởi hiện nay, mô hình du lịch cộng đồng vẫn còn mới mẻ đối với người dân; nhiều nét văn hóa truyền thống đã mai một hoặc không được người dân duy trì thường xuyên.

Nhận diện những khó khăn, thách thức để có biện pháp khắc phục là việc làm cần thiết, cấp bách để du lịch cộng đồng phát triển xứng tầm với tiềm năng, thế mạnh. Làm được điều này, sẽ góp phần đưa Đắk Nia trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn; phát huy được lợi thế và tối đa hóa lợi ích từ Công viên địa chất toàn cầu UNESCO tỉnh Đắk Nông.