Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Người Mạ tạ ơn thần rừng

Lam Anh (t/h) - 15:42, 28/02/2022

Khi mùa mưa chớm đến, mạ non bắt đầu lún phún, đám rau đâm chồi mơn mởn, những đọt măng rừng thấp thoáng nhú lên. Và khi nước về đầy lòng con suối, muông thú về với đại ngàn, đó cũng là thời điểm người Mạ làm lễ tạ ơn thần rừng (ndăn să Yàng brê) để “xin rau” (ndăn biơêp/ đăn viếp).

Thầy cúng thực hiện nghi lễ cầu nguyện
Thầy cúng thực hiện nghi lễ cầu nguyện

Giống như các tộc người vùng Trường Sơn Tây Nguyên, người Mạ cũng gắn bó với đại ngàn, với quan niệm vạn vật hữu linh nên họ có tín ngưỡng đa thần. Lễ nghi quan trọng nhất trong năm của người Mạ là những nghi lễ nông nghiệp và lễ cúng thần rừng, không đơn thuần là một lễ thức tâm linh mà còn chứa đựng bản sắc văn hoá của tộc người Mạ. Lễ tạ ơn thần rừng của người Mạ ở huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng thường được diễn ra vào cuối tháng 3 âm lịch.

Vào lúc nửa đêm, người chủ nhà lấy một tố rượu cần nhỏ, một ít gạo và thức ăn đặt lên yàng (thần) ông, yàng bà để xin đi vào rừng lấy rau và săn thú. Đến quá trưa người đàn ông trở về nhà và mang theo con thú, người đàn bà trong nhà mang về những đọt mây tươi nhất, rau nhíp và những ngọn măng tươi. Một đống lửa to được đốt lên trước sân nhà, bếp lửa hồng trong căn nhà dài cũng được cháy lên. Người phụ nữ ngâm gạo cho vào ống lồ ô nướng cơm lam, họ giã bột gạo, thục lá nhíp với cá suối để nấu canh thục và nướng đọt mây. Đàn ông trong nhà làm thịt thú rừng thui trên đống lửa, chặt nhỏ cây lồ ô vót nhọn xiên thành từng xiên dài. Lễ vật gồm có 3 chiếc chén đất đựng cơm lam, tim gan con thú rừng và rượu cần được đặt lên cho yàng trước (giữa hai yàng).

Khi lễ vật được chuẩn bị người chủ cúng sẽ gọi con trai, con gái đứng xung quanh ngôi nhà dài và cúng: Ơi yàng rừng, yàng đất, yàng nước, yàng lửa, yàng chiêng cùng tất cả các yàng! Hôm nay nhà tôi làm lễ này tạ ơn các yàng đã cho chúng tôi được khỏe mạnh, được sống, cho chúng tôi cây rau con thú để ăn, cho chúng tôi nước để uống, cho chúng tôi lửa để đốt, cho cây lúa cây bắp được mọc trên rẫy, cho chúng tôi nhà để ở…

Sau khi cúng xong người chủ cúng dùng con vật hiến sinh đập mạnh vào tố rượu, cột nhà cho đến khi máu chảy ra (người Mạ không dùng dao vì yàng không muốn thấy dao). Người chủ cúng cầm đầu gà đang chảy máu bôi lên Yàng ông, yàng bà, cây nêu, bôi lên chiêng, cột nhà, choé rượu.

Máu của vật hiến sinh được bôi lên yàng ông, yàng bà, cột nhà và cây nêu…
Máu của vật hiến sinh được bôi lên Yàng ông, Yàng bà, cột nhà và cây nêu…

Sau khi hoàn thành nghi lễ, người chủ cúng đưa con gà để làm lễ cúng, trong khi đó châm nước vào choé rượu, mời Yàng uống rượu rồi đến già làng, người được tôn trọng nhất uống rượu cần. Trong khi tiến hành lễ cúng, ngoài đầu nhà tiếng giã gạo thì thụp vang lên, những chiếc gùi cũng được đồng bào Mạ đem ra đan lát, những bàn tay thoăn thoắt của người phụ nữ Mạ bên khung cửi di động tạo nên những hoa văn sặc sỡ. Người Mạ thực hành các nghi thức này để tưởng nhớ tới các vị thần đã dạy đồng bào cuộc sống mưu sinh.

Sau khi già làng cúng xong sẽ lấy chiêng treo trên giá phát cho các chàng trai, lúc này giai điệu bài chiêng đăn viếp vang lên tất cả đàn bà, con gái đứng dậy múa xoang mô phỏng những động tác đang hái rau, tỉa lúa… Trong khi các chàng trai và cô gái đang đánh chiêng và múa xoang, già làng sẽ mời mọi người tiến lại cây nêu và uống rượu.

Lễ tạ ơn thần rừng kết thúc trong tiếng cồng chiêng cùng với điệu múa xoang độc đáo của người Mạ.
Lễ tạ ơn thần rừng kết thúc trong tiếng cồng chiêng cùng với điệu múa xoang độc đáo của người Mạ.

Có thể nói, lễ cúng thần rừng là một nghi lễ truyền thống quan trọng và có ảnh hưởng lớn trong đời sống tâm linh của dân tộc Mạ. Nghi lễ chứa đựng những giá trị văn hoá, tinh thần, đặc biệt là văn hoá ứng xử của con người với môi trường thiên nhiên. Từ đó, đồng bào Mạ thêm biết ơn và trân trọng những gì thiên nhiên đã ban tặng.