Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Người lan tỏa hát Then đàn tính trên đất Tây Nguyên

Thúy Hồng - 03:05, 17/11/2023

Dù bận rộn với việc xã, việc làng nơi vùng đất định cư mới ở Tây Nguyên, nhưng nhiều thập kỷ qua, trong lòng ông Nông Văn Hưu, thôn 09, xã Nam Dong, huyện Cư Jút, tỉnh Đăk Nông vẫn luôn nhớ về làn điệu hát Then và chiếc đàn tính của quê nhà Cao Bằng. Do vậy, ông vẫn luôn dành thời gian miệt mài với việc tìm hiểu, lưu giữ, sáng các bài hát Then và lan tỏa phong trào hát Then, đàn tính trong cộng đồng các dân tộc Tày, Nùng ở Nam Dong.

Nghệ nhân Ưu tú Nông Văn Hưu được tặng Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tại Lễ Tuyên dương Người có uy tín, Nhân sĩ, Trí thức năm 2017
Nghệ nhân Ưu tú Nông Văn Hưu được tặng Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tại Lễ Tuyên dương Người có uy tín, Nhân sĩ, Trí thức năm 2017

Là người con dân tộc Tày, sinh ra và lớn lên tại quê hương Cao Bằng – nơi mà cây Tính tẩu, làn điệu Then đã trở thành “hồn cốt” trong văn hóa của các dân tộc Tày, Nùng nên dù di cư vào sinh sống ở nơi vùng đất mới, ông Nông Văn Hưu luôn say mê với làn điệu dân ca của dân tộc mình. Mặc dù năm nay đã ở  tuổi 73, nhưng nghệ nhân Nông Văn Hưu vẫn luôn đau đáu việc giữ gìn, truyền dạy bộ môn này cho cộng đồng dân cư nơi ông sinh sống.

Chia sẻ với chúng tôi về hành trình theo đuổi đam mê với hát Then, đàn tính, Nghệ nhân Nông Văn Hưu tâm sự, trước khi đưa gia đình vào Đắk Nông sinh sống, ông là sỹ quan quân đội về hưu với quân hàm Thiếu tá. Năm 1991, ông đưa vợ con vào Đăk Nông lập nghiệp, tích cực tham gia công tác xã hội. Ông được lãnh đạo địa phương tín nhiệm, đảng viên và Nhân dân tin tưởng bầu Bí thư Chi bộ thôn, rồi Bí thư Đảng ủy xã Nam Dong.

Ở quê hương mới Đắk Nông có rất đông đồng bào Tày, Nùng, Thái, Kinh… từ các tỉnh phía Bắc vào sinh sống, lập nghiệp. Khi đang là Bí thư Đảng ủy xã, ông được tham gia nhiều đoàn công tác đi thực tế tại nhiều địa phương, học tập được nhiều mô hình hay trong vùng đồng bào DTTS, trong đó có các mô hình bảo tồn các làn điệu dân ca cổ truyền như Tuồng, Chèo, dân ca quan họ…Qua đó, ông đã nảy sinh ra ý tưởng, tại sao mình không bảo tồn chính làn điệu hát Then của mình trên mảnh đất Tây Nguyên này. Ông tự đặt câu hỏi, tại sao người ta có “chiếu chèo” mà mình không có “chiếu hát Then”? Đó chính là động lực đã thôi thúc ông quyết tâm vực dậy nghệ thuật hát Then của đồng bào Tày trên quê hương Đắk Nông.

Từ năm 2006, ông chính thức nghỉ hưu và chuyên tâm cho niềm đam mê hát Then, đàn tính. Năm 2007, ông cùng nhiều nghệ nhân khác đã thành lập Câu lạc bộ hát Then xã Nam Dong, với hơn 20 thành viên với tên gọi "Hoa bằng lăng tím". Mỗi khi địa phương có hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ, sự kiện chính trị lớn, Câu lạc bộ hát Then do ông làm Chủ nhiệm đều có những tiết mục đặc sắc, tạo ra một sân chơi bổ ích trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân. Hiện nay, Câu lạc bộ còn tổ chức các lớp dạy học đàn tính, hát Then cho nhiều bạn  trẻ….

Năm 2015, nghệ nhân Nông Văn Hưu vinh dự được Nhà nước phong tặng Nghệ nhân Ưu tú vì có nhiều thành tích trong công tác bảo tồn đàn Tính, hát Then. Năm 2017, ông được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tặng Bằng khen tại Lễ Tuyên dương Người có uy tín, Nhân sĩ, Trí thức tiêu biểu toàn quốc lần thứ Nhất vì có nhiều thành tích trong công tác bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.

Sau nhiều năm miệt mài với hát Then, đàn tính, Nghệ nhân ưu tú Nông Văn Hưu đã có một kho tàng đồ sộ các bài Then, với hơn 300 bài, trong đó có nhiều bài viết lời mới (dạng dân ca dân gian), chế tác hơn 500 cây đàn tính.

Nhiều bài Then hay, ý nghĩa do ông sáng tác như: Khúc tâm tình Đắk Nông, Pắc Pó mùa thu (ca ngợi Bác Hồ), Lời Then dâng Bác, Lời chào xứ Lạng, Đắk Nông kính chào quý khách… do chính Câu lạc bộ hát Then xã Nam Dong dàn dựng và biểu diễn đã nhận được nhiều giải thưởng cao trong các liên hoan đàn Tính, hát Then của tỉnh, khu vực và toàn quốc.

Bài Then “Khúc tâm tình Đắk Nông” đã được Câu lạc bộ hát Then xã Nam Dong, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông, dàn dựng, biểu diễn và giành giải B tại Liên hoan đàn Tính toàn quốc lần 2 tổ chức tại Cao Bằng năm 2007.

Không chỉ tích cực sáng tác, đặt lời cho các làn điệu Then mới, nghệ nhân Nông Văn Hưu còn chế tác hơn 500 cây đàn tính phục vụ các Hội diễn văn nghệ quần chúng dân ca dân gian.

Nghệ nhân Nông Văn Hưu bên những cây đàn tính do ông chế tác
Nghệ nhân Nông Văn Hưu bên những cây đàn tính do ông chế tác

Giờ đây, dù đã ở cái tuổi “thất thập”, nhưng Nghệ nhân Nông Văn Hưu vẫn luôn trăn trở về công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, nghề truyền thống của các DTTS, trong đó có đàn tính, hát Then. Nghệ nhân hy vọng, các cấp chính quyền của Đăk Nông tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện cho những nghệ nhân chưa được phong tặng danh hiệu tham dự các hội thi, liên hoan. “Càng có nhiều nghệ nhân thì công tác bảo tồn, lưu giữ và truyền dạy văn hóa cũng như nghề truyền thống càng được thực hiện tốt” nghệ nhân Nông Văn Hưu chia sẻ.

Không chỉ có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc của địa phương, Nghệ nhân ưu tú Nông Văn Hưu còn là Người có uy tín luôn gương mẫu, đi đầu, tuyên truyền vận động Nhân dân chấp hành tốt các chủ trương của Đảng chính sách pháp luật của Nhà nước; đoàn kết cùng nhau phát triển kinh tế, xây dựng đời sống mới.

Nói về những đóng góp của Nghệ nhân Nông Văn Hưu, ông Trương Văn Tú, Chủ tịch UBND xã Nam Dong cho biết: Bác Nông Văn Hưu, nguyên là Bí thư Đảng ủy xã là một đảng viên tận tụy trách nhiệm với công việc,  có nhiều đóng góp cho sự phát triển của địa phương, nhất là việc duy trì khối đại đoàn kết và công tác bảo tồn văn hóa dân tộc, đặc biệt là trong việc bảo tồn, phát huy giá trị làn điệu Then của đồng bào Tày, Nùng trên địa bàn.

"Địa phương cũng đã lựa chọn Nghệ nhân ưu tú Nông Văn Hưu, là một trong 500 đại biểu vinh dự được biểu dương, vinh danh tại Lễ Tuyên dương Người có uy tín tiêu biểu toàn quốc trong đồng bào DTTS do Ủy ban Dân tộc tổ chức, vào giữa tháng 12 năm 2023 tới đây", ông Trương Văn Tú, Chủ tịch UBND xã Nam Dong cho hay.