Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Người giữ nghề dệt ở Piềng Lán

PV - 15:09, 22/10/2018

Với tình yêu nghề dệt thổ cẩm, cùng mong muốn lưu giữ những nét đẹp truyền thống của dân tộc Thái, hơn 40 năm qua, bà Lò Thị Khiện, bản Piềng Lán, xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu (tỉnh Sơn La) vẫn miệt mài dệt nên những tấm vải thổ cẩm đa dạng màu sắc, được người tiêu dùng ưa chuộng. Không chỉ giữ gìn nghề truyền thống, bà còn dạy nghề cho chị em phụ nữ trong bản để giúp chị em kiếm thêm thu nhập.

Piềng Lán Bà Lò Thị Khiện, bản Piềng Lán, xã Chiềng Hắc (Mộc Châu, sơn La) khéo léo, thoăn thoắt bên khung dệt.

 

Năm nay đã ngoài 60 tuổi, nhưng bà Khiện vẫn khéo léo, thoăn thoắt đưa những nhịp thoi, đường chỉ, tạo ra những tấm vải có hoa văn họa tiết độc đáo. Sinh ra trong gia đình có cả mẹ và bà ngoại đều thuần thục với công việc dệt vải nên phần nào bà Khiện được thừa hưởng từ sự khéo léo ấy.

Để làm được một tấm vải thổ cẩm, bà Khiện phải mất nhiều công đoạn như: quay sợi, mắc khung, tạo hoa văn, dệt, nhuộm... Công đoạn đòi hỏi tính sáng tạo và đôi tay khéo léo là việc tạo hình các hoa văn lên sản phẩm sao cho hài hòa, cân đối.

“Có được những đường nét, hoa văn đẹp trên vải, phải ngồi nhặt từng sợi vải dệt. Để dệt một tấm vải đủ may thành váy, phải làm hơn một tuần. Với những tấm vải rộng để làm chăn, có khi phải mất cả tháng mới dệt xong, đòi hỏi người làm phải kiên trì và cẩn thận, nếu không sẽ phải gỡ ra làm lại. Sự khéo léo, sáng tạo của người phụ nữ Thái được thể hiện ở chính tấm vải mà họ tạo ra”, bà Khiện chia sẻ.

Những sản phẩm được bà Khiện làm ra như: chăn, đệm, vải thường đa dạng mẫu mã, hình thức đẹp, chất lượng tốt, sử dụng được lâu dài, giá thành hợp lý nên bà con trong vùng rất ưa chuộng. Không chỉ vậy, các cửa hàng lớn chuyên buôn bán các mặt hàng thổ cẩm tại các huyện như Yên Châu, Mộc Châu... cũng thường xuyên lui tới nhà bà để đặt hàng. Nhờ vậy, bà Khiện có thu nhập ổn định trên 4 triệu đồng/tháng.

Theo bà Lò Thị Khiện, sản phẩm thổ cẩm của dân tộc Thái có gần 40 các loại hoa văn, họa tiết, thể hiện quan niệm về sự hòa hợp trường tồn của cuộc sống, triết lý âm dương. Những hình ảnh thể hiện sự sinh sôi, nảy nở giống loài, trời đất cùng vạn vật hòa hợp, cùng những hình thoi, quả trám chạy viền, hoa ban cách điệu, chùm hoa buông dài, lá đơn, lá kép, búp cây, hoa leo... luôn trở thành những câu chuyện được cách điệu, đưa vào sản phẩm thổ cẩm từ đôi bàn tay khéo léo của người dệt. Tính cách và tuổi tác cũng được thể hiện rất rõ trên những sản phẩm thổ cẩm của phụ nữ Thái. Vì thế không chỉ biết dệt, người thợ còn phải có kiến thức về văn hóa của dân tộc mình.

Không chỉ lưu giữ nghề dệt từ mẹ, bà Khiện còn truyền dạy cho hơn 10 người là con, cháu trong gia đình và chị em trong Chi hội Phụ nữ bản để không bị mất nghề. Đều đặn hàng ngày, sau khi kết thúc việc đồng áng, chị em học nghề lại tập trung tại nhà bà Khiện để được bà hướng dẫn những kỹ thuật thêu, dệt, những công thức để nhuộm được một tấm vải có màu sắc đẹp và bền. Vừa học vừa làm, đến nay nhiều chị em đã có tay nghề, có thể tự sản xuất và bán những sản phẩm từ vải thổ cẩm, tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Là người đã theo học nghề dệt vải thổ cẩm, chị Lường Thị Chung, bản Piềng Lán, xã Chiềng Hắc, cho biết, chị theo học nghề dệt của bà Khiện, được bà hướng dẫn tỉ mỉ từng công đoạn để dệt thành 1 tấm vải. Đến nay, tay nghề của chị đã vững, có thể làm ra những sản phẩm thổ cẩm để bán cho khách du lịch và bỏ mối cho một số cửa hàng lưu niệm tại Mộc Châu và Hà Nội. Nghề dệt thổ cẩm đang đem lại thu nhập cho chị hơn 3 triệu đồng/tháng.

HỒNG MINH