Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Người giữ lửa cho Pồn Pôông xứ Mường

PV - 09:22, 12/03/2018

Đối với đồng bào Mường ở huyện miền núi Ngọc Lặc của tỉnh Thanh Hóa, Pồn Pôông được xem là loại hình văn hóa đặc sắc rất riêng, chứa ẩn nhiều điều thú vị và gắn liền với cuộc sống bao đời của đồng bào nơi đây.

Nghệ nhân Phạm Thị Tắng. Nghệ nhân Phạm Thị Tắng.

Để lưu giữ và trao truyền loại hình văn hóa này, nghệ nhân Phạm Thị Tắng ở xã Cao Ngọc, huyện Ngọc Lặc đã dành nhiều tâm huyết để bảo tồn, phát huy văn hóa Pồn Pôông.

Cứ đến tháng 3 âm lịch, mùa hoa bông trắng nở, báo hiệu mùa lễ hội Pồn Pôông trở về trên các bản vùng cao tỉnh Thanh Hóa. Trong tiếng Mường, “Pồn” có nghĩa là chơi, vờn, nhảy múa; “Pôông” có nghĩa là bông, hoa. “Pồn Pôông” tức là lễ thưởng hoa, chơi hoa xung quanh cây bông để cầu cho bản Mường no ấm, ngô lúa đầy bồ, con người hạnh phúc. Pồn Pôông là loại dân ca nghi lễ, thần linh vừa mang tính chất giao duyên trai gái, vừa cầu phúc... Hoa bông trắng tượng trưng cho tình yêu lứa đôi, vì thế đây còn là lễ hội giao duyên gắn với nhiều câu chuyện tình lãng mạn.

Mặc dù đã hơn 70 tuổi, nhưng đối với nghệ nhân Phạm Thị Tắng vẫn nhớ đầy đủ các chi tiết của loại hình nghệ thuật này. Thời nhỏ bà đã nghe ông bà, cha mẹ mình hát, múa, diễn trò Pồn Pôông, rồi bà học thuộc làu. Mỗi lần ru em ngủ, đi chơi, đi lên rẫy, đi làm đồng hay đi lễ hội..., bà đều có thể hát, nhảy múa. Tổng cộng bà có thể thuộc tới hàng chục điệu, vừa hát vừa nhảy múa, như: hát xường, hát đang, hát đúm, hát bộ mẹng... Những lời ca, tiếng hát, điệu múa, diễn trò cứ thế thấm đẫm vào trong tâm hồn của bà tự lúc nào không biết.

“Ngày xưa, nghe ông bà tôi hát, múa thì mê lắm. Chỗ nào chưa thuộc, chưa hiểu thì hỏi ông bà dạy cho. Quan trọng nhất là phải nhập tâm mới làm được. Đến nỗi, ban đêm nằm ngủ còn mơ... hát. Không hát là thua các bạn, nên mình càng phải cố gắng để hát cho hay, múa cho đẹp”, bà Tắng nhớ lại.

Người Mường đã gọi các nhân vật chính trong lễ hội Pồn Pôông là các Ậu Máy là người chủ lễ, người tổ chức, chủ trì cuộc Pồn Pôông. Đặc biệt, Ậu Máy trong Pồn Pôông vẫn tồn tại với tư cách là “bảo tàng sống”, là di sản văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc Mường. Nghệ nhân Phạm Thị Tắng được quý trọng bởi những tài năng đặc biệt (Ậu Máy hay còn gọi là bà Máy-PV).

Theo lời bà Tắng, để trở thành trụ cột của một lễ hội, trò diễn Pồn Pôông phải có trên 6 người cùng nhau diễn, múa hát bên cây bông. Nhưng nhân vật chính thì chỉ có một. Chủ của hội Pồn Pôông gọi là Ậu Máy. Nhân vật này được mặc định phải là một người có uy tín trong làng, được truyền nghề từ một Ậu Máy đi trước.

Lễ hội Pồn Pôông Lễ hội Pồn Pôông

Lễ hội Pồn Pôông đặc biệt hấp dẫn người xem ở sự khéo léo của người Mường khi làm ra cây bông đủ màu sắc với các chùm hoa gỗ, nông cụ sản xuất, bầy muông thú…tượng trưng cho vũ trụ bao la; ở mâm cỗ mang đậm hương vị núi rừng, nhâm nhi rượu cần, say với điệu múa xường của các chàng trai, cô gái vùng cao.

Để chuẩn bị trò diễn Pồn Pôông, bà Tắng phải chuẩn bị làm cây bông trước lễ hội cả tháng. Có hai thứ hoa dùng trong cây bông, đó là hoa được đẽo từ cây chạng bạng và hoa giấy. “Muốn nhanh thì phải mượn người đẽo, phải trả công và nấu cơm cho người ta ăn, ở để cùng làm”, bà Tắng vừa tếu táo, vừa nói.

Nói về việc trao truyền cho con cháu về văn hóa Pồn Pôông, bà Tắng tâm sự: Trong thời đại hiện nay khi sự xâm nhập mạnh mẽ của các loại hình văn hóa nghệ thuật khác vào đời sống văn hóa của người dân thì việc bảo tồn và phát huy Pồn Pôông, gặp nhiều khó khăn. Hằng ngày, tôi vẫn dạy miễn phí các điệu múa hát, diễn trò Pồn Pôông cho con cháu trong và ngoài xã, trẻ có, già có.

Anh Vi (xã Vân Am, Ngọc Lặc), một trong những người đang học múa Pồn Pôông từ bà Tắng, chia sẻ: “Bà Tắng diễn hay lắm. Lễ hội nào không có bà là không vui đâu. Ngày nào bà diễn, chúng tôi đều đến xem để cổ vũ!”. Tôi đang cho con gái theo học bà Tắng, không hy vọng sau này trở thành người giỏi như bà nhưng nó sẽ diễn được các điệu Pồn Pôông cho dân bản xem, để giữ lại nét văn hóa truyền thống của tổ tiên.

Bao đời nay, Pồn Pông là nét văn hóa đặc sắc của người Mường. Làng nào có cộng đồng người Mường sinh sống thì ở đó có cây bông, có dàn cồng chiêng và có Pồn Pôông. Lễ hội và các trò diễn Pồn Pôông trở nên có sức sống mãnh liệt ăn sâu vào trong tiềm thức, đời sống văn hóa đồng bào Mường ở Ngọc Lặc từ xưa đến nay.

Phó Chủ tịch UBND xã Cao Ngọc, huyện Ngọc Lặc-ông Phạm Văn Quyền cho biết: Để lưu giữ và phát huy, trao truyền Pồn Pôông là vấn đề không đơn giản. Tuy nhiên rất may là có những người như bà Tắng đã tự nguyện hướng dẫn cho lớp trẻ cách diễn Pồn Pôông. Việc làm của bà đã khơi dậy và làm sống lại Pồn Pôông của xứ Mường. Những nỗ lực của bà Tắng đã làm cho đời sống văn hóa người Mường thêm phần phong phú và sinh động.

MINH THỨ