Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Người giữ hồn nhạc lễ tháp Pô Rômê

Sơn Ngọc - Hoàng Minh - 12:19, 11/11/2023

Nghệ nhân Bá Khâm là người giữ hồn nhạc lễ tháp Pô Rômê thuộc địa bàn thôn Hậu Sanh, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Tiếng đàn kanhi (đàn nhị mai rùa) của ông là sự kết nối giữa dân làng với thần linh trong hoạt động tín ngưỡng của đồng bào các làng Chăm. Nghệ nhân Bá Khâm được cộng đồng người Chăm kính trọng bởi tâm đức của người cao niên nêu gương sáng trong việc thực hiện các nghi lễ truyền thống.

Nghệ nhân Bá Khâm đàn Kanhi tại tháp Pô Rômê.
Nghệ nhân Bá Khâm đàn Kanhi tại tháp Pô Rômê.

Chúng tôi gặp nghệ nhân Bá Khâm cùng các chức sắc Bàlamôn trong dịp đón Lễ hội Katê 2023 tại tháp Pô Rômê vừa qua. Đây là nghi lễ quan trọng hàng năm diễn ra đồng loạt tại các đền tháp của đồng bào Chăm nhằm tưởng nhớ công ơn của cha (Nam thần) diễn ra vào ngày 1 tháng 7 Chăm lịch. Tiếng đàn kanhi của nghệ nhân Bá Khâm réo rắt hòa nhịp với các bài thánh ca ngợi  công lao to lớn của ngài Pô Rômê trong việc đắp đập Ma Rên dẫn nước tưới cho đồng ruộng thôn Hậu Sanh.

Trong ngày chính thức diễn ra Lễ hội Katê, các vị chức sắc và thân tộc của ngài Pô Rômê thực hiện nghi thức tắm tượng và bày lễ vật cúng kính trong không khí đầm ấm, vui tươi. Dân làng vào tháp dâng trầu rượu nhờ ông Kà thành (thầy Kò ke giữ vai trò đàn ka nhi và hát ngợi ca công lao các vị thần linh) cầu xin thần linh phù hộ gia đình sức khỏe, hạnh phúc. Bà con ở các làng Chăm đến đây bày lễ vật cúng kính, cầu xin mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, mùa màng tốt tươi, xóm làng bình an, cuộc sống ấm no. Ngày 31 tháng 8 năm 1992, tháp Pô Rômê được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.

Nghệ nhân Bá Khâm cho biết, từ thời trai trẻ, ông được cha ruột là ông Bá Thành Mú truyền dạy chế tác, biểu diễn đàn ka nhi và dạy đọc thông viết thạo chữ Chăm, nghiên cứu các quy định của ông bà xưa về vai trò của ông Kà thành trong hoạt động nghi lễ truyền thống. Đồng thời thuộc nằm lòng các bài hát ca ngợi công lao của các vị thần đối với tín ngưỡng tâm linh người Chăm. Nghệ nhân Bá Khâm có trên nửa thế kỷ gắn bó với cây đàn Ka nhi “cha truyền con nối”. Bởi vậy, cây đàn của ông lên nước bóng loáng, trang trí các tua chỉ màu rất đẹp.

Nghệ nhân Bá Khâm cùng các học trò đàn Kanhi tại tháp Pô Rômê.
Nghệ nhân Bá Khâm cùng các học trò đàn Kanhi tại tháp Pô Rômê.

Nghệ nhân Bá Khâm giải thích, Ka nhi là loại đàn kéo hai dây tương tự như đàn nhị của người Kinh nên còn gọi là đàn nhị mai rùa. Thân đàn phát ra âm thanh được làm bằng mai rùa bịt kín bằng da trăn gắn với cần đàn bằng tre dài khoảng 70 - 80 cm. Cần kéo bằng tre uốn cong hình cánh cung, dây làm bằng lông đuôi ngựa hoặc sợi cước dài khoảng 65cm, được luồn vào giữa hai dây đàn. Khi biểu diễn, nghệ nhân kéo cần đàn cọ vô hai dây đàn, phát ra âm thanh “kò… kí” nên còn là đàn kò ke. Ông Kà thành giữ vai trò chủ lễ trong nghi thức tế lễ, hát ngợi ca công đức các vị thần linh ở đền tháp, làng xóm.

Nghệ nhân Bá Khâm cho biết, theo truyền thuyết Chăm, đàn Kanhi là biểu tượng cho 4 đứa con của thần mẹ xứ sở - Po Inư Nưgar có tên là: Jakak, jakan chuyên trông coi việc trên trời và jalo, jalai trông coi ở trần gian (dun ya). Do vậy đàn Kanhi người Chăm sử dụng trong hai trường hợp:

Kanhi dùng trong đám tang gọi là “Kanhi đam”. Người Chăm thường sử dụng 2 đàn Kanhi cho đám tang 2 thầy Paseh và sử dụng 4 cái cho đám tang 4 thầy Paseh. Kanhi trong nghi lễ này do nghệ nhân biểu diễn phục vụ cho công việc trần gian là nhằm để phụ họa với bài hát lễ tiễn đưa hồn người quá cố về thế giới bên kia.

Đàn Rabap cũng tương tự, cùng họ với đàn Kanhi trên, nhưng chỉ được sử dụng đơn chiếc. Rabap vừa là vật tổ môn phái của thầy Kadhar - một thầy tín ngưỡng dân gian Chăm thờ thần mặt trời (yang prong). Do đó Rabap chỉ được thầy Kadhar sử dụng để hoà âm với các bài thánh ca, ca ngợi các vị thần trên trời ở lễ hội như lễ hội đền tháp, lễ tế thần linh puis, payak, lễ tế trâu…

Cả hai loại Kanhi và Rabap đều có 2 âm chính: Kò và kí. Khi diễn tấu thầy Kadhar phải ngồi xếp bằng đặt tay lên đùi tay phải kéo cánh cung, tay trái điều khiển nốt nhạc. Khi khai lễ (Pachah yawa Rabap) thầy Kadhar phải kéo Rabap phát ra 3 tiếng khò và 3 tiếng khí để thức giấc mọi sinh linh và các thần thánh ở vũ trụ.

Tưng bừng Lễ hội đền tháp
Tưng bừng Lễ hội đền tháp

Nghệ nhân Bá Khâm vừa đàn ka nhi vừa hát ca ngợi công lao của các bậc tiền nhân trong công cuộc khẩn hoang lập ấp, dạy dân làng cày cấy, đắp đập dẫn thủy nhập điền, dệt vải, làm gốm, xây dựng đền tháp. Giọng nghệ nhân Bá Khâm trầm ấm, tha thiết hòa quyện cùng tiếng đàn Ka nhi phảng phất hương trầm, gợi cho người nghe cảm giác thiêng liêng, nhớ về công ơn tổ tiên đối với cuộc sống no ấm của con cháu ngày nay. Nghệ nhân Bá Khâm truyền nghề cho hai học trò là Châu Hắc ở xã Phước Nam và Thành Đen ở thị trấn Phước Dân kế nghiệp thầy thực hiện nghi lễ tín ngưỡng tâm linh của đồng bào Chăm.

Cả sư Hán Đô, Chủ tịch Hội đồng chức sắc Bàlamôn ghi nhận vai trò đóng góp của Nghệ nhân Bá Khâm trong việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào Chăm địa phương. Ông nuôi dạy con cái học hành trưởng thành công tác trong các ngành giáo dục, văn hóa tỉnh Ninh Thuận. Với vai trò người cao tuổi và chức sắc Chăm, ông góp phần cùng chính quyền địa phương vận động bà con tộc họ đoàn kết xây dựng bộ mặt nông thôn mới ở địa bàn dân cư vùng đồng bào Chăm ngày càng phát triển giàu đẹp.