Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Người gieo cảm hứng

Uông Thái Biểu - 09:48, 04/03/2020

Vùng đồng bào DTTS huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) xưa chỉ có đói nghèo, nay đã có rất nhiều kỹ sư, bác sĩ, nhà giáo, doanh nhân. Đặc biệt, nơi này vinh dự là quê hương của vị Tiến sĩ đầu tiên của dân tộc Cơ-ho, anh Cil Duin, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) huyện Lạc Dương.

Tiến sĩ Cil Duin đến tận các gia đình đồng bào vận động con em đến trường
Tiến sĩ Cil Duin đến tận các gia đình đồng bào vận động con em đến trường

Đến bây giờ, cả người cha Cil Krè và người mẹ Cil Jè đều đã mất. Nhưng chính người cha ít chữ ấy đã gieo vào hồn đứa con trai bé nhỏ của ông niềm tin vào sự học. “Nếu không học thì cuộc đời con cũng sẽ giống như cuộc đời cha”, câu nói giản dị của cha như một lời nhắc nhở suốt tuổi ấu thơ của cậu bé Cil Duin. 

Bon Dơng ngày ấy (nay là tổ dân phố Bơn Đơn, thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương) không nhiều người chăm lo sự học. Người lớn hầu hết chỉ nghĩ đến chuyện kiếm cho ra cái ăn. Lũ trẻ trong buôn thích vào rừng săn bắn, hái quả, thả trâu hơn là đến trường. Hầu hết con trẻ đều trốn sách vở, bảng đen theo mẹ cha vào rừng lên rẫy. Đầu năm học mới nào các thầy cô cũng phải lội rừng nọ núi kia “bắt” trò về trường. 

 Cái đoạn đầu sự học của Duin cũng vậy, lên 9 tuổi cậu mới cầm đến những cuốn sách lớp 1. Vào Tiểu học, cửa ải gian nan nhất là sự cách biệt ngôn ngữ, mò mẫm mãi Duin mới tích lũy được ít ỏi chút vốn tiếng phổ thông. Cuối cấp Tiểu học mà cậu cũng chỉ mới viết được những đoạn văn ngắn. Ngao ngán, vị tiến sĩ tương lai đã suýt bỏ học hồi giữa lớp 5. Khi cha cậu biết, ông không la mắng, chỉ dắt tay cậu đến lớp, gửi lại cô giáo. “Những lời dạy ân cần của cha đã làm cho suy nghĩ của tôi thay đổi. Kể từ lần đó, tôi quyết tâm theo con đường học hành”, Duin kể.

Những tháng ngày học phổ thông trung học ở Trường Dân tộc nội trú Lâm Đồng là quãng đời Duin nỗ lực hết mình và kết quả học tập tiến bộ rất nhanh. Niềm say mê tri thức, khao khát một chân trời mới đã dần hình thành trong tâm hồn cậu học trò Cơ-ho. 

Hết cấp phổ thông, anh theo học Khoa Lịch sử tại Trường Đại học Sư phạm Huế và tốt nghiệp vào năm 2002. Chàng cử nhân trở về Lạc Dương quê nhà, làm giáo viên Trường THPT Lang Bian, chính thức bắt đầu hành trình gieo chữ trên quê hương còn nhiều gian khó. 

Tiến sĩ Cil Duin và vợ anh - cô giáo Krăjăn Bril
Tiến sĩ Cil Duin và vợ anh - cô giáo Krăjăn Bril

Ba năm sau, khi anh cầm về nhà tờ giấy báo trúng tuyển cao học ngành Lịch sử (Đại học Đà Lạt), người cha già của anh vốn rất mơ hồ về con đường học vấn, hỏi con: “Học cao học là học tới đâu vậy con? Học thế đã hết chưa? Ở buôn mình, cha đã thấy ai học lâu vậy đâu?” Điều này thì ông Cil Krè cũng không hề biết, không chỉ Bon Dơng mà vào thời đó, cả huyện nghèo Lạc Dương chỉ duy nhất Cil Duin lên tới cao học. 

Nhận bằng thạc sĩ, Duin được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lang Bian. Nhưng trong Duin, niềm khát khao tri thức như không dừng lại. Thêm một lần anh quyết định chinh phục bậc học cao hơn. 

Năm 2012, khi giấy báo về cử anh ra nước ngoài làm nghiên cứu sinh, người cha lại thêm một lần ngạc nhiên, bởi ông cứ tưởng học đến cao học nghĩa là “hết chữ”. Hóa ra, cái chữ vẫn “còn” và ông chỉ biết động viên con trai vượt qua gian khó. Rồi thành quả mà cậu con trai mang về cũng không kịp làm cha vui, khi ông đã qua đời trước đó vì căn bệnh ung thư.

 Năm 2015, sau 3 năm nghiên cứu thành công chuyên ngành Quản lý kinh tế giáo dục, Cil Duin là người Cơ-ho đầu tiên nhận học vị Tiến sĩ Quản lý học, tại Trường Đại học Sư phạm Bắc Kinh (Trung Quốc). Trở về, anh tiếp tục sự nghiệp “trồng người”, được tín nhiệm giao trọng trách Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lạc Dương quê nhà. 

“Khi học lên cao, Cil Duin đã có tầm nhìn bước ra khỏi tư duy buôn làng, không phải chỉ học để đạt những tấm bằng mà học vì tương lai của chính mình, vì góp phần thay đổi nhận thức của cả cộng đồng”, cô Nguyễn Thị Hiền, từng là giáo viên thời phổ thông của Duin, nguyên Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lạc Dương đã có lời nhận xét về cậu học trò cũ của mình đầy trân trọng như thế…


Tin cùng chuyên mục
Tiếng nước mình...

Tiếng nước mình...

Buổi tối ở Lao Chải, gió bấc hun hút thổi. Trời đã chuyển lạnh tê tái. Sương đêm ập xuống, vây kín khắp các đỉnh núi, vạt nương. Bản làng cũng chìm trong biển sương mù. Sương trôi chầm chậm trên mặt đất, len lỏi những lối đi rồi tràn cả vào trong nhà làm ánh lửa bên các bếp thêm đượm...