Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Người dân Tây Nguyên tấu bài chiêng buồn tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Minh Nhật (t/h) - 16:28, 25/07/2024

Sáng 25/7, ở nhiều địa phương trong khu vực Tây Nguyên, người dân trầm lặng theo dõi Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua sóng truyền hình. Tại nhiều nơi, bà con lập bàn thờ kính cẩn bái vọng, diễn tấu bài chiêng buồn tiễn biệt người lãnh đạo trọn đời vì nước, vì dân.

Bà con làng Kép, phường Đống Đa, Thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, tấu lên bài chiêng buồn dưới trời mưa, tiễn biệt người lãnh đạo của nhân dân
Bà con làng Kép, phường Đống Đa, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai, tấu lên bài chiêng buồn dưới trời mưa, tiễn biệt người lãnh đạo lỗi lạc của Nhân dân

Từ rất sớm, bà con Jrai ở làng Kép, phường Đống Đa, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai, tập trung tại hội trường thôn, kính cẩn làm lễ bái vọng tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Sau lễ viếng trang nghiêm, người dân tấu lên bài chiêng buồn tiễn biệt vị lãnh đạo cao nhất của Đảng.

Anh Bưn, thành viên Đội chiêng làng Kép, xúc động: “Nhịp chiêng buồn thể hiện sự xót xa. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, một người lãnh đạo vĩ đại của đất nước từ trần, dân làng không có gì hơn xin mượn lời cồng chiêng để chia buồn tiễn biệt”.

Lễ cầu siêu tại chùa Sắc Tứ Khải Đoan, ngôi chùa lớn nhất tỉnh Đắk Lắk
Lễ cầu siêu tại chùa Sắc Tứ Khải Đoan, ngôi chùa lớn nhất tỉnh Đắk Lắk

Còn tại chùa Sắc Tứ Khải Đoan, ngôi chùa lớn nhất tỉnh Đắk Lắk, đông đảo tăng ni, phật tử và người dân cũng tập trung từ sớm, thành tâm tổ chức lễ viếng vọng, cầu siêu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Ông Ngô Đức Biển, ở phường Thành Nhất, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, bày tỏ: “Bác ra đi để lại những thương tiếc cho người dân, thương tiếc vô vàn. Cảm kích về công lao, ân đức của bác đối với đất nước, đối với người dân. Chúng tôi - những Phật tử cũng chỉ biết nguyện cầu cho bác về cõi an lành, để Nhân dân lúc nào cũng được bình an, hoà bình”.

Bà con người Mnông, Êđê, người Lào và tăng ni phật tử chùa Long Thọ, xã Ea Nuôl, huyện biên giới Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk, lập ban thờ viếng Tổng Bí thư
Bà con người Mnông, Ê Đê, người Lào và tăng ni phật tử chùa Long Thọ, xã Ea Nuôl, huyện biên giới Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk, lập ban thờ viếng Tổng Bí thư

Tại vùng biên giới huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk, ông Ama Hoài, Trưởng buôn Niêng 3, xã Ea Nuôl, cùng với bà con người Mnông, Ê Đê, người Lào và tăng ni phật tử chùa Long Thọ lập ban thờ và thực hiện lễ cầu siêu người lãnh đạo của Nhân dân: “Tổng Bí thư giống như người bố, người ông của chúng tôi. Chúng tôi rất là thương tiếc khi ông về thế giới bên kia. Chúng tôi rất biết ơn ông Nguyễn Phú Trọng đã cho chúng tôi cuộc sống ấm no, tinh thần đoàn kết, đã có nhiều ưu ái cho bà con vùng khó khăn nơi đây”.

Với cộng đồng người Ê Đê ở buôn AkoDhong, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, bà con tập trung tại nhà Buôn trưởng Y Nuel Niê cùng theo dõi chương trình truyền hình trực tiếp Lễ viếng Tổng Bí thư.

Buôn trưởng Y Nuel Niê và người Êđê ở buôn AkoDhong, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, ai cũng thương tiếc vị lãnh đạo hết lòng vì nước, vì dân
Buôn trưởng Y Nuel Niê và người Ê Đê ở buôn AkoDhong, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, ai cũng thương tiếc vị lãnh đạo hết lòng vì nước, vì dân

Ông Y Nuel Niê tâm sự, bà con vô cùng thương tiếc vị lãnh đạo hết lòng vì nước, vì dân: “Mọi người đều quý trọng Tổng Bí thư, một trong những người định hướng giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Công lao của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì đồng bào dân tộc Tây Nguyên chúng tôi ghi nhớ và luôn luôn thắt chặt khối đại đoàn kết toàn dân tộc như mong muốn của Tổng Bí thư và Bác Hồ kính yêu”.