Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Người dân cần tháo chuông khỏi cổ trâu, bò mùa mưa bão

PV - 16:36, 22/08/2018

Những năm qua, vào mùa mưa lũ trên địa bàn các tỉnh miền núi phía Bắc thường xảy ra khá nhiều vụ sét đánh làm chết trâu, bò. Một trong những nguyên nhân chính là do thói quen của người dân buộc chuông sắt vào cổ trâu, bò dẫn đến thu hút sét.

Tập quán thả rông, không đưa trâu về chuồng là một trong những nguyên nhân khiến trâu dễ bị sét đánh chết trên rừng. Vân Tập quán thả rông, không đưa trâu về chuồng là một trong những nguyên nhân khiến trâu dễ bị sét đánh chết trên rừng.

Mới đây nhất, ngày 5/8, tại thôn Thanh Bình, thị trấn Việt Quang, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang đã xảy ra vụ sét đánh khiến 8 con trâu của 3 hộ dân bị chết trên rừng, thiệt hại ước 200 triệu đồng…

Trước đó, nhiều vụ trâu, bò bị sét đánh ở khu vực miền núi phía Bắc gây thiệt hại lớn cho người dân. Có thể kể đến những sự việc điển hình như: Tháng 7/2015, tại xã Bạch Ngọc, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, xảy ra vụ sét đánh khiến đàn trâu 19 con của 8 hộ dân nơi đây bị chết, thiệt hại ước 600 triệu đồng. Tháng 5/2017, tại xã Tiến Sơn, Lương Sơn, Hòa Bình xảy ra vụ sét đánh vào đàn trâu 14 con, khiến 6 con trâu bị chết, ước thiệt hại trên 140 triệu đồng. Ngoài những vụ trên, còn không ít vụ sét đánh gây thiệt hại về người và gia súc ở một số địa bàn miền núi phía Bắc như ở các tỉnh Điện Biên, Lào Cai, Sơn La, Lạng Sơn, Yên Bái, Lai Châu...

Một trong những nguyên nhân của tình trạng sét đánh chết trâu là do việc quản lí của người dân đối với đàn trâu chưa tốt. Người dân vẫn có thói quen treo chuông sắt vào cổ trâu khi thả trên đồi rừng. Khi trâu tập trung cả đàn trên đồi, với nhiều chuông kim loại cùng treo trên cổ chính là tác nhân thu hút sét. Đồng thời, khi đàn trâu cùng lúc tập trung tại một nơi có thể dễ gây hấp dẫn, hút sét. Đặc biệt khi mưa giông, trâu nằm trên nền đất ướt nên nếu bị sét đánh dễ truyền điện, làm cho cả đàn trâu bị thiệt hại. Qua các vụ việc sét đánh cũng cho thấy, thiệt hại chủ yếu là trên đàn trâu. Điều này có thể lí giải được là do trâu dễ quản lí khi thả rông hơn bò nên thường được các hộ thả trên rừng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng phòng Quản lí khoa học cơ sở, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Giang, lý giải: Ở địa hình miền núi, trong mùa mưa bão, các đám mây dễ tập trung hay bị cản lại ở các eo núi, các đỉnh núi, những nơi có địa hình chia cắt, các ngọn cây cao, vì thế ở những nơi này thường có nhiều sét đánh. Chính vì thế, khi trâu, bò chăn thả rông trên đồi cao và bản thân con vật dễ hấp thu điện nên dễ bị dính sét.

Theo khuyến cáo của các cơ quan chức năng, để tránh thiệt hại cho đàn gia súc do sét đánh, người dân cần thay đổi tập quán chăn thả rông, một tập quán vẫn còn duy trì ở không ít địa bàn miền núi phía Bắc. Các hộ dân cần phải lùa trâu về chuồng vào cuối ngày, đặc biệt là trước thời điểm mưa giông. Lúc mưa giông, không để trâu nằm trên đồi cao, nơi trống trải, không để trâu nằm dưới gốc cây cao, tháo chuông sắt khi trời mưa bão… Nền chuồng trâu, bò cần phải được làm cao, ráo để phòng và giảm chuyền dẫn điện khi bị sét đánh.

HUY TOÁN