Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Người dân cần làm gì để tránh mắc phải bẫy lừa đảo VNeID?

Minh Nhật - 10:57, 16/03/2024

Thời gian qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng và thông tin từ Công an các địa phương đã cảnh báo sự xuất hiện thủ đoạn giả danh Cơ quan Công an gọi điện thoại cho người dân hướng dẫn cài đặt ứng dụng VNeID giả mạo, kích hoạt tài khoản định danh điện tử.

Người dân lưu ý: Lực lượng Công an không hướng dẫn kích hoạt tài khoản định danh điện tử qua gọi điện thoại, Công an chỉ hỗ trợ kích hoạt định danh điện tử trực tiếp cho người dân
Người dân lưu ý: Lực lượng Công an không hướng dẫn kích hoạt tài khoản định danh điện tử qua gọi điện thoại, Công an chỉ hỗ trợ kích hoạt định danh điện tử trực tiếp cho người dân

Nhiều nạn nhân bị lừa với số tiền lớn

Tại 1 số địa phương đã ghi nhận trường hợp người dân bị lừa đảo. Theo đó, đối tượng đã tạo các phần mềm tài khoản VNeID giả mạo, sau đó giả danh Công an yêu cầu người dân cài đặt. Sau khi chiếm được quyền kiểm soát di động, bao gồm cả đọc dữ liệu cá nhân và đọc tin nhắn chứa mã OTP, đối tượng kiểm soát được ứng dụng tài khoản ngân hàng trên điện thoại của người dân và sau đó thực hiện lệnh chuyển tiền, thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Gần đây nhất, Công an tỉnh Lạng Sơn cũng thông tin, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra vụ việc chiếm đoạt tài sản với hình thức nói trên với số tiền thiệt hại gần 900 triệu đồng.

Tại Hà Nội, anh Nguyễn Phương Cung, trú phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội bất ngờ khi nhận được cuộc gọi từ số máy lạ, tự xưng là người ở Công an Quận Cầu Giấy, liên hệ hướng dẫn anh cập nhật, đồng bộ lại tài khoản định danh điện tử mức độ 2, do bị lỗi thông tin trên hệ thống dữ liệu.

“Họ gọi điện bảo tài khoản VNeID bị lỗi và yêu cầu lên công an quận. Tôi có bảo, mình sẽ sắp xếp thời gian và lên quận để sửa. Nhưng mà họ lại nói với động thái giục giã mình. Họ bảo tôi là: "Bây giờ anh có lên được luôn không, cần gấp,…nếu anh không lên được thì liên hệ qua hai số này để chúng tôi hỗ trợ”- anh Cung kể lại.

May mắn, anh Cung đã nhận ra đây là dạng thức lừa đảo của các đối tượng ngay sau khi đăng nhập kiểm tra tài khoản định danh điện tử của mình.

“Vào tài khoản VNeID tôi đã thấy tài khoản của mình đã được định danh thành công, đã được tích hợp rất nhiều giấy tờ và đã được xác thực. Chính vì vậy, không có lý do gì để mình phải lên công an. Bởi, mỗi khi đăng nhập vào tài khoản nó phải đăng nhập vào các dữ liệu dân cư để lấy thông tin ra”- anh Cung nói.

Anh Nguyễn Phương Cung, trú phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Anh Nguyễn Phương Cung, trú phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội trình bày sự việc với ngành chức năng

Tại TP.HCM, người phụ nữ ở quận 1 vừa bị mất gần 1,5 tỷ đồng trong tài khoản ngân hàng vì bị lừa cài đặt ứng dụng VNeID giả mạo để đăng ký định danh điện tử mức 2.

Ngày 12/3, Công an quận 1 (TP. HCM) vừa phát đi thông tin cảnh báo một số đối tượng mạo danh cán bộ Công an phường, gọi điện thoại hướng dẫn cài đặt, kích hoạt ứng dụng VNeID giả mạo để lừa đảo, chiếm đoạt tiền.

Qua các sự việc trên, Công an khẳng định không hướng dẫn người dân qua điện thoại, mạng xã hội để kích hoạt ứng dụng VNeID. Tất cả các cuộc gọi điện, liên lạc qua các ứng dụng mạng xã hội như: Facebook, Zalo… yêu cầu, hướng dẫn người dân kích hoạt VNeID đều là giả mạo với mục đích lừa đảo.


Chỉnh sửa, cập nhật thông tin phải do công dân yêu cầu

Trước diễn biến phức tạp của loại tội phạm này, Bộ Công an đã đưa ra khuyến cáo: Người dân chỉ cài đặt ứng dụng VNeID từ nguồn chính thống trên App Store (đối với hệ điều hành iOS) và CH Play (đối với hệ điều hành Android). Tuyệt đối không cài đặt ứng dụng VNeID từ nguồn ngoài trên các trang web, kho ứng dụng không chính thống, từ các đường link lạ. Và việc cập nhập sửa đổi thông tin công dân phải đến trực tiếp cơ quan công an.

Theo Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn- Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an thông tin, khi có yêu cầu chỉnh sửa, cập nhật vào cơ sở dữ liệu dân cư đầu tiên đều phải xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng của công dân. Không xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng của bất kỳ của tổ chức, cá nhân, đoàn thể nào.

"Thứ hai việc cập nhập, điều chỉnh, sửa đổi thông tin trong cơ sở dữ liệu dân cư hiện nay đang phân cấp, chỉ có cấp cơ sở, đó là công an cấp phường, xã, thị trấn, có thể cập nhật, chỉnh sửa. Khi đó người dân phải trực tiếp đến trụ sở công an cung cấp thông tin thay đổi của mình và phải có xác nhận của công an cơ sở"- Thượng tá Tuấn nói.

Bộ Công an cũng đã có chỉ đạo Công an các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến từng nhà, gặp từng người để chính người dân hiểu đúng, hiểu rõ về VNeID. Qua đó nâng cao ý thức cảnh giác, sớm nhận diện được các thủ đoạn lừa đảo giả danh cơ quan Công an cài đặt và kích hoạt định danh điện tử.

Cơ quan công an cũng khuyến cáo, trường hợp công dân chưa cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử VNeID có thể đến cơ quan Công an để được trực tiếp hướng dẫn. Tuyệt đối không cung cấp thông tin, cài đặt ứng dụng từ nguồn không xác định trên điện thoại.

Nếu nhận được những cuộc gọi nghi vấn phải liên hệ Cảnh sát khu vực hoặc Cơ quan Công an gần nhất để được hướng dẫn.

Trước diễn biến phức tạp của bẫy lừa đảo VNeID, Bộ Công an đã đưa ra khuyến cáo: Người dân chỉ cài đặt ứng dụng VNeID từ nguồn chính thống trên App Store (đối với hệ điều hành iOS) và CH Play (đối với hệ điều hành Android).