Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Người có uy tín tham gia đấu tranh, phòng ngừa tội phạm: Vận động Nhân dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ (Bài 1)

Mỹ Dung - 05:33, 02/12/2023

Thời gian qua, Công an tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều biện pháp, cách làm trong việc tuyên truyền, vận động người dân khắp các thôn, bản trên địa bàn, đặc biệt vùng DTTS tự nguyện đến giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (VK, VLN, CCHT); trong đó đặc biệt chú trọng đến việc phát huy vai trò của Người có uy tín trong tuyên truyền, vận động. Qua đó, ý thức của người dân ngày một nâng cao. Người dân tin tưởng, nghe theo Người có uy tín, không những tình nguyện giao nộp vũ khí mà còn thể hiện trách nhiệm cùng lực lượng Công an, Người có uy tín chung tay giữ gìn, đảm bảo an ninh trật tự nơi thôn, bản

Cách làm hay trong vận động thu hồi vũ khí

Một trong những dấu ấn hoạt động nổi bật của Người có uy tín ở Quảng Ninh, là việc Người có uy tín đã thể hiện rất rõ vai trò quan trọng trong đấu tranh, phòng ngừa các loại tội phạm. Điển hình như thời gian gần đây, Người có uy tín tích cực, đi đầu trong công tác vận động Nhân dân giao nộp, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (VK, VLN, CCHT).

Người dân tự nguyện đến giao công an xã nộp vũ khí
Người dân tự nguyện đến công an xã nộp vũ khí

Theo Trung tá Ngô Hải Nam, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn Cứu hộ, Công an tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh: Trong những năm qua, việc tuyên truyền thu hồi vũ khí vật liệu nổ đã được Công an tỉnh Quảng Ninh triển khai rất tích cực. Đặc biệt, từ năm 2023, khi người dân tự nguyện đến giao nộp VK, VLN, CCHT cho lực lượng công an có thể được đổi số lượng bình chữa cháy tương ứng để đem về nhà sử dụng. Điều này nhận được sự ủng hộ, đồng tình của đông đảo người dân, đặc biệt là bà con vùng DTTS, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh.

Tại xã Nam Sơn (huyện Ba Chẽ), thời gian trước, hầu như nhà nào cũng có một vài vũ khí thô sơ, như dao, súng. Thế nhưng, từ nhiều năm nay, sau khi được tuyên truyền vận động, nhận thức được sự nguy hiểm của các loại vũ khí tự chế, người dân nơi đây đã giao nộp cho các cơ quan chức năng.

Ông Lý Quang Cường, thôn Nam Hả Trong, xã Nam Sơn cho biết: “Tôi đến đây nộp khẩu súng mà trước đây tôi dùng để bắn thú rừng. Mặc dù lâu nay không dùng đến, nhưng sau khi được các chú công an, Người có uy tín ở xã đến tuyên truyền về sự nguy hiểm tiềm ẩn từ việc để vũ khí như vậy trong nhà, đồng thời còn vận động, giải thích những quy định của Nhà nước nên tôi tự giác đem lên xã đi nộp ”.

Chia sẻ về điều này, ông Vi Văn Chè, dân tộc Tày, Người có uy tín thôn Nà Áng, xã Đồng Tâm (huyện Bình Liêu) phấn khởi nói: “Trước chúng tôi vận động bà con giao nộp vũ khí, nhiều người nộp nhưng không hào hứng cho lắm. Nay được đổi lấy bình chữa cháy nên hào hứng, tự nguyện và nhiệt tình hơn nhiều lắm”.

Đầm Hà là huyện miền núi phía Đông tỉnh Quảng Ninh, với 12 thành phần dân tộc, trong đó 30,1% là đồng bào DTTS. Từ trình độ nhận thức còn thấp kém, đến nay người dân đã dần nâng cao ý thức của mình về sự nguy hiểm của vũ khí, vật liệu nổ, đặc biệt là sự cần thiết của bình chữa cháy trong gia đình.

Chị Lỷ Thị Múi, một người dân bản Lý Khoái, xã Quảng Lâm, chia sẻ: “Giặc lửa thì ngay cạnh, xảy ra hỏa hoạn, lực lượng cứu hỏa ở xa, có đến được với bà con thì cũng không thể nhanh nên khi chủ trương được đổi vũ khí lấy bình chữa cháy, gia đình thấy phấn khởi, yên tâm lắm vì mình được rất nhiều lợi ích"

Công an xã Nam Sơn (Ba Chẽ) làm thủ tục đến đổi vũ khí lấy bình chữa cháy cho gia đình
Công an xã Nam Sơn (Ba Chẽ) làm thủ tục đổi vũ khí lấy bình chữa cháy cho người dân

Người có uy tín thể hiện vai trò dân vận 

Với phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, đôi ngũ Người có uy tín đã cùng  với lực lượng Công an trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với chính quyền các xã biên giới và trong các thôn, làng, đến từng nhà để tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về quản lý VK, VLN, CCHT. Tổ chức điểm “Đổi bình chữa cháy lấy VK, VLN, CCHT”, qua đó, góp phần làm thay đổi thói quen trong sử dụng vũ khí tự chế để săn bắn, bảo vệ mùa màng của đồng bào DTTS.

Theo chia sẻ của ông Triệu Sinh Tuyền, thôn Nà Làng, xã Quảng Lâm, huyện Đầm Hà cho biết, gia đình trước kia có 2 khẩu súng và đạn để bắn chim, kiếm thêm thức ăn hoặc bán. Vừa qua, Công an huyện, Công an xã tổ chức vận động, ông hiểu sử dụng súng không những nguy hiểm cho bản thân, xã hội mà còn vi phạm pháp luật nên đã liên hệ với Công an xã tự nguyện giao nộp 2 khẩu súng này.

“Ngoài các chú Công an, thì cán bộ thôn, Người uy tín trên địa bàn thường xuyên đến thăm hỏi, động viên, khuyên bảo và vận động người dân chăm chỉ làm ăn, phát triển kinh tế, không nghe theo lời xúi giục của kẻ xấu. Đặc biệt việc Công an còn đổi bình chữa cháy để trong nhà nên cũng thấy vui lắm”, ông Tuyền chia sẻ thêm.

Công tác dân vận là cốt lõi trong tuyên truyền, vận động, đem lại hiệu quả cao nhằm thực hiện các nội dung, mục tiêu theo định hướng đã đề ra. Thượng tá Tiêu Văn Tiến, Phó trưởng Công an huyện Đầm Hà nhấn mạnh: Để bà con tin tưởng, tự nguyện giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, đơn vị chủ động phối hợp với chính quyền địa phương thành lập các Tổ công tác vận động, thu hồi VK, VLN, CCHT; đặc biệt, khéo léo linh hoạt phát huy vai trò Người có uy tín trong cộng đồng để vận động người dân thực hiện một cách tự nguyện.

Qua tuyên truyền, vận động, người dân đã tự giác giao nộp vũ khí tự chế để đổi lấy bình chữa cháy
Qua tuyên truyền, vận động, người dân đã tự giác giao nộp vũ khí tự chế để đổi lấy bình chữa cháy

Trung tá Ngô Hải Nam, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn Cứu hộ cho biết: Với cách làm thiết thực, gần gũi, Công an tỉnh Quảng Ninh không những thu hồi được nhiều VK, VLN, CCHT trong cộng đồng, mà còn tạo niềm tin hơn nữa đối với Nhân dân trên địa bàn. Theo đó cho đến nay, Công an toàn tỉnh Quảng Ninh đã vận động, thu hồi được 25 súng tự chế và 71 vũ khí thô sơ các loại. Kết quả này, không thể thiếu vai trò của Người có uy tín trên địa bàn.

Ngoài ra, đã huy động xã hội hóa hỗ trợ bình chữa cháy cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Chương trình sẽ tiếp tục được triển khai thực hiện cho đến hết 15/12/2023 nhằm thu hồi triệt để vũ khí, vật liệu nổ còn trôi nổi trong cộng đồng. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả phong trào toàn dân tham gia phong trào phòng cháy chữa cháy, đảm bảo tốt an ninh trật tự trên địa bàn.

"Việc tuyên truyền, vận động người dân giao nộp VK, VLN, CCHT cũng là góp phần thực hiện các mục tiêu được đặt ra tại nội dung số 2, Tiểu dự án 1, Dự án 10 (Phổ biến giáo dục pháp luật và tuyên truyền vận động đồng bào DTTS) trong Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030", Trung tá Ngô Hải Nam chia sẻ thêm.