Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Người Bru-Vân Kiều ở Ho Rum làm “công nghiệp không khói"

Phạm Tiến - 07:15, 12/11/2023

Ngược đường 10 lối rẽ vào đường mòn Hồ Chí Minh nhánh Tây để lên bản biên giới Ho Rum (xã Kim Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình) vào một ngày đầu thu. Vừa tới bản, bà chủ Homestay người Bru-Vân Kiều Hồ Thị Son hồ hởi: “Dưới xuôi có nhà máy may, nhà máy gỗ…. bản em giờ cũng phải làm công nghiệp chứ, nhưng là "công nghiệp không khói” anh ạ.

(Bài kế hoạch ngày 17/9)Người Bru-Vân Kiều Làm “công nghiệp” không khói ở Ho Rum
Chị Hồ Thị Son- Chủ Homestay Son hướng dẫn du khách nướng gà theo truyền thống của người Bru-Vân Kiều ở Ho Rum

Ho Rum - Một ngôi làng đặc biệt

Cách khoe dí dỏm và hài hước về ngành “công nghiệp” không khói ở bản Ho Rum của chị Hồ Thị Son làm tan biến mỏi mệt trong tôi sau hơn 2 giờ chạy xe. Xuất phát từ sáng sớm nên khi đến Ho Rum, con gà rừng lạc giờ vẫn gáy te te trong rừng già. Đang mùa thu, những cánh rừng phía sau Ho Rum biêng biếc xanh. Đảo mắt một lượt, Ho Rum đúng là một bức tranh sơn thủy mà thiên nhiên đã ban tặng cho người Bru-Vân Kiều.

Bản Ho Rum thuộc xã Kim Thủy, Lệ Thủy (Quảng Bình). Toàn bản nằm tựa lưng vào những cánh rừng già trên dãy Trường Sơn hùng Vĩ. Trước mặt Ho Rum là thượng nguồn dòng sông Long Đại trong xanh hiền hòa chảy. Khuất sau những cánh rừng già bạt ngàn là thắng cảnh khe nước trong; là thác dương cầm. 

Để đến được những danh thắng này, là một hành trình trải nghiệm thú vị. Theo thông tin từ Ban quản lý rừng phòng hộ Động Châu thì, khe nước trong nằm trong khu vực rừng thường xanh trên núi đất thấp, khu vực này có hệ động thực vật đa dạng phong phú, tỷ lệ che phủ của rừng lên đến 99%.

(Bài kế hoạch ngày 17/9)Người Bru-Vân Kiều Làm “công nghiệp” không khói ở Ho Rum 1
Thác Dương Cầm, điểm nhấn trong làng du lịch cộng đồng Ho Rum

Khác với khe nước trong, thác dương cầm lại là một trải nghiệm có phần mạo hiểm. Nằm ở độ cao gần 700m so với mực nước biển, để đến được với thác dương cầm, bạn cần trải qua nhiều thác nhỏ trong khu vực rừng phòng hộ Động Châu bao la. Tất nhiên, vẫn đề an toàn cho bản thân phải đặt lên hàng đầu, vấn đề này đã có công ty dẫn tour chuyên nghiệp hỗ trợ.

Cùng với cảnh sắc, con người với nét văn hóa và ẩm thực đặc trưng ở Ho Rum cũng là điều thú vị. Ho Rum có 109 hộ dân, thì cả 109 hộ đều là người đồng bào Bru-Vân Kiều. Trước đây, để vào được Ho Rum phải mất 7h đồng hồ đi bộ. 

Hôm nay, dù đường ô tô đã bon bon về tận bản. Sự thuận lợi về giao thông đi cùng với sự giao lưu, tiếp biến văn hóa. Tuy nhiên đồng bào cũng ý thức rất cao trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống. Vẫn mâm cơm xa la, vẫn bánh a dơ rồi gà nướng, cá nướng….truyền thống của người Bru-Vân Kiều nếu một lần bạn đến với Ho Rum.

(Bài kế hoạch ngày 17/9)Người Bru-Vân Kiều Làm “công nghiệp” không khói ở Ho Rum 2
Lên với Ho Rum, du khách được trải nghiệm nhiều món ăn đậm đà bản sắc của người Bru-Vân Kiều

Cảnh sắc và văn hóa đậm đà bản sắc đã tạo nên một Ho Rum độc đáo, không thể trộn lẫn với bản làng nào khác. Trong đó, thiên nhiên, núi rừng Trường Sơn đã tạo ra một bức tranh sơn thủy hữu tình, con người ở Ho Rum hiền hòa. Ho Rum hội tụ đầy đủ để phát triển ngành "công nghiệp không khói" để dân bản có cơ hội làm giàu. 

Phát triển “công nghiệp không khói"

Tiền năng về phát triển du lịch ở Ho Rum thì đã có. Thế nhưng đôi chân của người Bru-Vân Kiều ở Ho Rum chỉ quen với lên rẫy. Đôi tay của đồng bào cũng chỉ quen với trỉa ngô, trồng sắn! Câu chuyện phát triển ngành “công nghiệp không khói" ở Ho Rum, nhất định cần một ngoại lực đủ mạnh.

(Bài kế hoạch ngày 17/9)Người Bru-Vân Kiều Làm “công nghiệp” không khói ở Ho Rum 3
Dịch vụ hướng dẫn du khách làm bánh a dơ cũng mang lại thu nhập cho đồng bào Bru-Vân Kiều ở Ho Rum cải thiện đời sống

 Dấu mốc đáng nhớ cho sự ra đời của ngành “công nghiệp không khói" ở Ho Rum là vào những tháng đầu năm 2022. Khi đó, Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ đã hỗ trợ người dân phát triển mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng tại đây. Theo đó, Tổ chức Helvetas Việt Nam – đơn vị phụ trách các hoạt động phát triển sinh kế của Dự án VFBC đã phối hợp cùng Công ty TNHH Netin Travel tổ chức một chuỗi các hoạt động tư vấn và tập huấn để giúp đồng bào nơi đây có đủ kiến thức và kỹ năng làm du lịch một cách bài bản.

Chia sẻ với Báo dân tộc và Phát triển, chị Hồ Thị Son - chủ Homestay cũng là thành viên tích cực trong làm du lịch ở Ho Rum cho biết: “Lần đầu tiên, dân bản Ho Rum được các chuyên gia hướng dẫn kỹ năng chế biến và trang trí món ăn, pha chế đồ uống… ngon miệng, đẹp mắt. Bên cạnh đó, những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình như trang phục, điệu múa lời hát cũng được khai thác để làm du lịch”.

(Bài kế hoạch ngày 17/9)Người Bru-Vân Kiều Làm “công nghiệp” không khói ở Ho Rum 4
Căn nhà của vợ chồng chị Hồ Thị Son giờ đây trở thành Homestay phục vụ du khách khi đến với Ho Rum

Ho Rum có 109 hộ thì cả 109 hộ là đồng bào Bru-Vân Kiều sinh sống. Đời sống đồng bào từ nhiều đời nay là làm rẫy và khai thác nhỏ lẻ lâm sản như lấy măng, hái rau……Thế nhưng từ ngày triển khai mô hình làm du lịch cộng đồng, ở bản đã có 30 hộ đồng bào tham gia vào ngành “công nghiệp” không khói. Đến nay ở Ho Rum đã có 2 Homestay với sức chứa khoảng 30 người lưu trú. Cùng với đó, hàng chục lao động là người đồng bào có việc làm ổn định thông qua các dịch vụ bổ trợ như dẫn đoàn, nấu ăn, hướng dẫn du khách làm bánh, dịch vụ ngâm chân. Trung bình mỗi lao động có thù lao khoảng 300 ngàn đồng/ngày làm việc.

Theo số liệu tổng kết 6 tháng đầu năm 2023, Ho Rum đã đón 150 khách, trong đó phần lớn là khách nước ngoài, lưu trú dài ngày. Còn cả năm 2022, dù là năm đầu triển khai nhưng Ho Rum đón gần 200 khách đến tham quan và nghỉ dưỡng. Còn lượng khách đến tham quan, sử dụng các dịch vụ như ngâm chân, ăn uống nhưng không lưu trú thì chưa tổng hợp. Điều đặc biệt là khách đến với Ho Rum thường là khách lưu trú dài ngày, trung bình 3 ngày/ lượt khách. Chính đặc thù về địa lý, văn hóa và cả ẩm thực đã đem đến cho du khách mong muốn trải nghiệm dài ngày.

Trao đổi với Báo Dân tộc và Phát triển, ông Hồ Văn Linh, Chủ tịch UBND xã Kim Thủy cho biết: “Từ khi làm du lịch, bà con Bru-Vân Kiều ở bản Ho Rum đã có nhiều thay đổi. Kinh tế, đời sống nhiều hộ gia đình đã trở nên khá hơn. Nổi bật nhất là hộ gia đình chị Hồ Thị Son, anh Hồ Văn Huynh; hộ gia đình anh Hồ Văn Triển, chị Hồ Thi Mỉm làm Homestay trở nên khá giả. Bên cạnh đó, nếp sống và tư tưởng vươn lên làm giàu, làm đẹp bản làng ngày càng rõ ràng”.

Còn rất sớm để nói lên một điều gì lớn lao, nhưng phải nhìn nhận rằng, triển khai xây dựng bản Ho Rum trở thành điểm du lịch cộng đồng là điều hợp lý. Mô hình đã tạo ra sinh kế bền vững giúp người Bru-Vân Kiều ở Ho Rum thay đổi tư duy, vươn lên thoát nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống.