Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Ngọt ngào vị mật của vùng cao núi đá

Hà Linh - 17:54, 09/05/2024

“Với 600 đàn ong hiện tại, sau mỗi vụ hoa bạc hà tôi thu được khoảng 3.000 lít mật. Gia đình tôi chủ yếu bán giá sỉ từ 350.000 đồng - 400.000 đồng/lít cho các đại lý có nhu cầu; thu nhập bình quân đạt hơn 1,1 tỷ đồng/vụ”, anh Bách, một người dân huyện vùng cao núi đá Mèo Vạc phấn khởi khoe.

Người dân thực hiện quay mật ong bạc hà
Người dân thực hiện quay mật ong bạc hà

Làm giàu từ ong

Gần đây, tại các huyện vùng cao Mèo Vạc, Ðồng Văn, Yên Minh, Quản Bạ, tỉnh Hà Giang, nghề nuôi ong lấy mật hoa bạc hà không chỉ giúp những hộ làm nghề thoát nghèo mà không ít hộ trở thành hộ giàu với thu nhập tiền tỷ.

Ông Ngô Mạnh Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc cho biết: “Thấy được lợi ích từ việc nuôi ong, người dân trong huyện rất đồng tình hưởng ứng với các chính sách huyện đưa ra. Bên cạnh hình thức nuôi quảng canh của người dân, chính quyền các địa phương đã tập trung khuyến khích người dân tăng đàn, tổ chức cho cán bộ khuyến nông tập huấn, phổ biến kỹ thuật nuôi ong, giúp người dân có thêm kỹ thuật và kinh nghiệm nuôi ong hiệu quả, từ đó đàn ong mật của huyện tăng nhanh về số lượng và chất lượng.

Song song với những cơ chế khuyến khích phát triển đàn ong địa phương, huyện cũng nghiêm cấm đưa các loại ong ngoại vào nuôi để đảm bảo nguyên chất sản lượng mật ong địa phương”.

Chúng tôi đến thăm mô hình nuôi ong lấy mật của gia đình anh Hoàng Xuân Bách, cư trú tổ 5, thị trấn Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc với kinh nghiệm hơn 20 năm nuôi ong lấy mật. Vụ hoa bạc hà năm nay, gia đình anh Bách có 600 đàn ong. Để đảm bảo chất lượng mật, anh thuê 5 nhân công là người dân địa phương với mức lương 6 triệu đồng/tháng để trông nom và khai thác mật.

Cùng với sự cần cù, nỗ lực của người dân và các chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện; nghề nuôi ong lấy mật hoa Bạc hà hiện nay không chỉ tạo việc làm cho người dân lúc nông nhàn, tăng thu nhập, mà còn giúp người dân làm giàu”.

Anh Bách cho biết: Với 600 đàn ong hiện tại, sau mỗi vụ hoa bạc hà tôi thu được khoảng 3.000 lít mật. Gia đình tôi chủ yếu là bán giá sỉ từ 350.000 đồng - 400.000 đồng/lít cho các đại lý có nhu cầu; thu nhập bình quân đạt hơn 1,1 tỷ đồng/vụ.

Gắn bó với việc nuôi ong của gia đình anh Bách hơn 10 năm nay, anh Lầu Mí Trung chia sẻ: Nhờ có công việc và thu nhập ổn định, tôi có thêm điều kiện chăm lo cho con cái và sửa sang được nhà cửa.

Cũng là một trong những hộ làm giàu từ nuôi ong lấy mật hoa bạc hà, anh Hoàng Ngọc Thanh, thôn Séo Xà Lủng, xã Pải Lủng có nghề nuôi ong gia truyền hơn 50 năm. Hiện nay, gia đình anh duy trì từ 300 - 400 đàn ong. Trong niên vụ hoa bạc hà năm 2023, anh quay được 7 vòng mật, mỗi vòng được khoảng 250 lít mật. Với giá bán 400.000 đồng/lít, gia đình anh Thanh hiện có thu nhập 700 triệu đồng/năm.

Hướng tới phát triển bền vững

Tại huyện Mèo Vạc, Hợp tác xã (HTX) Tuấn Dũng là cơ sở chính nuôi, thu mua mật ong bạc hà. Nhằm nâng cao thương hiệu và giữ vững chất lượng, HTX đã mở rộng số lượng và quy mô nuôi ong; cử người xuống hướng dẫn các hộ gia đình kỹ thuật nuôi, lấy mật, tạo đầu ra ổn định cho các hộ nuôi ong. Hiện nay, HTX có 3 sản phẩm mật ong bạc hà được cấp giấy chứng nhận OCOP 4 sao của tỉnh Hà Giang.

 Anh Hoàng Xuân Bách, tổ 5, thị trấn Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc đang kiểm tra đàn ong của gia đình
Anh Hoàng Xuân Bách, tổ 5, thị trấn Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc đang kiểm tra đàn ong của gia đình

Sản phẩm mật ong bạc hà của Hà Giang hiện được tiêu thụ chủ yếu cho khách du lịch tại các điểm du lịch của tỉnh, các gian hàng OCOP. Ngoài ra, mật ong bạc hà có mặt tại một số siêu thị như BigC, Vinmart…

Mật ong bạc hà là sản phẩm quý hiếm chỉ có duy nhất tại Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Là sản phẩm mật ong đầu tiên của Việt Nam được cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý, mật ong bạc hà ngày càng khẳng định được vị thế trong sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân.

Để việc sản xuất, kinh doanh mật ong được khai thác, quản lý thương hiệu có hiệu quả, năm 2015 UBND tỉnh Hà Giang đã ban hành quyết định thành lập “Hội sản xuất và kinh doanh mật ong Cao nguyên đá tỉnh Hà Giang” với 14 thành viên thuộc 4 huyện vùng cao: Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh và Quản Bạ. Đến nay Hội đã có 146 hội viên.

Cùng với sự cần cù, nỗ lực của người dân và các chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện, nghề nuôi ong lấy mật hoa bạc hà hiện nay không chỉ tạo việc làm cho người dân lúc nông nhàn, tăng thu nhập, mà còn giúp người dân làm giàu; đồng thời, nuôi ong lấy mật bạc hà còn góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội ở các huyện vùng cao núi đá của Hà Giang.

Tin cùng chuyên mục
Sóc Trăng: Người có uy tín góp sức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới

Sóc Trăng: Người có uy tín góp sức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới

Những năm qua, Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn khu vực biên giới biển của tỉnh Sóc Trăng luôn phát huy vai trò của mình trong các hoạt động tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới. Đồng thời, họ còn là những “cột mốc sống” mẫu mực chung tay xây dựng, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.