Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Nghệ thuật tranh khắc gỗ ở La Xuyên

PV - 15:26, 16/05/2018

Từ xưa, tranh điêu khắc gỗ là một trong những loại hình nghệ thuật độc đáo xuất hiện ở các làng nghề mộc mỹ nghệ truyền thống.

Nghệ thuật điêu khắc tranh gỗ có từ lâu và vẫn được gìn giữ bởi khối óc và bàn tay tài hoa của các thế hệ nghệ nhân làng nghề.

Làng La Xuyên, xã Yên Ninh, huyện Ý Yên (Nam Định) hiện vẫn còn một số nghệ nhân làm tranh điêu khắc gỗ theo phương pháp thủ công. Ông Phạm Văn Mùi (60 tuổi), xóm La Tiến, người đã có trên 40 năm trong nghề cho biết: Nghề mộc truyền thống ở La Xuyên có truyền thống gần nghìn năm tuổi, trong đó nghệ thuật tranh điêu khắc gỗ nhiều gia đình đã có 4-5 đời làm.

baodantoc_tranh-go

Tranh điêu khắc gỗ được đánh giá cao bởi kỹ thuật chế tác điêu luyện, bố cục chặt chẽ và nội dung chủ đề nổi bật. Quá trình làm tranh điêu khắc gỗ thường trải qua các bước: Chọn gỗ, nghiên cứu mẫu, tạo dáng, đục vỡ, đục hạ, đục chi tiết, gọt, nạo, đánh giấy ráp… Gỗ để khắc tranh là các loại gỗ gụ, gỗ hương bởi có độ bền cao lại không quá giòn nên dễ chạm khắc. Dụng cụ để các nghệ nhân điêu khắc là các loại đục. Thân đục làm bằng thép “chuẩn” bởi nếu nước thép già thì đục dễ gãy, nếu quá “non” đục lại cùn. Mỗi người thợ có khoảng 3-4 loại đục như: đục bằng, đục lòng máng, đục tách…; người làm tranh điêu khắc căn cứ vào chiều ngang của lưỡi đục để điều khiển cổ tay đục chính xác từng chi tiết. Với những mẫu tranh thông thường, ít chi tiết chỉ cần từ 5-10 ngày là hoàn thành, nhưng có mẫu cầu kỳ phải mất 15-20 ngày mới xong. Để tạo độ bóng đẹp tự nhiên cho sản phẩm, người thợ dùng lá chuối xé nhỏ, buộc lại thành túm để đánh lại lần cuối.

Những bức tranh chạm khắc gỗ có nội dung rất đa dạng, phong phú. Đó là những khuôn mẫu về tứ linh (long, lân, quy, phượng), tứ thời (tùng, cúc, trúc, mai) hoặc hình cỏ cây, hoa, muông thú, con người hay phong cảnh núi rừng qua các điển tích xưa như: “Văn Vương cầu Lã Vọng” (Văn Vương đến cầu tài với Lã Vọng), “Ngư ông đắc lợi”, “Vinh quy bái tổ”, Lục hạc quần tùng...”. Mỗi điển tích trên các bức chạm khắc gỗ đều có ý nghĩa về bài học đạo đức mà người xưa để lại. Bởi vậy, ngoài kỹ thuật điêu luyện, mỗi người thợ điêu khắc tranh gỗ phải có kiến thức lịch sử nhất định để thể hiện đúng ý nghĩa nội dung cốt truyện.

BTK