Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Nghệ thuật điêu khắc gỗ: Tinh hoa của dân tộc Cơ-tu

PV - 10:55, 22/01/2019

Cùng với các loại hình văn hóa đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, nghệ thuật điêu khắc được xem là một nét độc đáo mang đậm bản sắc của đồng bào Cơ-tu tỉnh Quảng Nam. Bất cứ một ngôi làng nào của đồng bào Cơ-tu cũng có những nghệ nhân điêu khắc đa tài và những bức tượng phù điêu mang đậm hồn cốt văn hóa dân tộc.

Tại các bản làng miền núi, vùng cao của đồng bào Cơ-tu, dễ dàng nhận ra hình ảnh ngôi nhà Gươl truyền thống nổi bật giữa núi rừng xanh thẳm. Nhà Gươl là biểu tượng văn hóa, tín ngưỡng, cố kết cộng đồng và là nơi lưu giữ những nét đẹp tinh hoa của nghệ thuật điêu khắc của đồng bào Cơ-tu.

Đến thôn Kanoong 2, xã A Xan, huyện Tây Giang, chúng tôi may mắn chứng kiến việc dựng Gươl mới của bà con nơi đây. Từ sáng sớm, theo sự phân công của những Người có uy tín trong làng, phụ nữ và trẻ em đảm nhiệm việc cắt và vận chuyển tranh về lợp Gươl, còn nam thanh niên trong làng khẩn trương dựng những cây cột chính. Với sự giúp sức của Bộ đội Biên phòng A Xan, công việc dựng Gươl diễn ra trong không khí rộn ràng, thắm tình quân dân. Công đoạn quan trọng nhất là việc chạm trổ và điêu khắc lên cây cột chính ở Gươl, được giao cho nghệ nhân Ka Tíc (Cơ Tích). Ông là một trong những nghệ nhân tài hoa hiếm hoi còn lại giữa đại ngàn Trường Sơn, bởi ông có thể tạc tượng, vẽ tranh chỉ với con dao, chiếc rìu, cái rựa, vài cái đục và mấy hộp phẩm màu được ông chiết xuất từ những củ, quả rừng.

Đồng bào Cơ-tu trình diễn nghệ thuật điêu khắc gỗ. Đồng bào Cơ-tu trình diễn nghệ thuật điêu khắc gỗ.

Không chỉ Ka Tíc mà ở huyện Tây Giang còn có nhiều nghệ nhân điêu khắc tài hoa như già Clâu Blao ở xã Tr’Hy. Những tác phẩm điêu khắc, hội họa dưới bàn tay tài hoa của nghệ nhân Clâu BLao đã thật sự trở thành một bảo tàng về nghệ thuật dân gian Cơ-tu. Ở đó người xem bị cuốn hút bởi những bức phù điêu sống động miêu tả cảnh dân làng uống rượu cần, cảnh săn bắn, cuộc sống sinh hoạt hằng ngày như: phụ nữ ngồi dệt vải, giã gạo, gói bánh, làm gốm; hay khắc họa bức tranh lễ hội cộng đồng với điệu múa tung tung da dá truyền thống của trai gái Cơ-tu.

Đều đặn hằng tuần, nhiều thanh niên trong làng tìm đến nhà già Clâu Blao để học nghề điêu khắc gỗ. Dù tuổi cao, song già CLâu Blao vẫn tận tình truyền dạy từng kỹ thuật chọn gỗ, vẽ tranh, đục đẽo, chạm, trổ… trên từng pho tượng, làm sao mỗi một pho tượng đều mang một cái hồn riêng của núi rừng, sông suối Tây Giang. Chính sự nhiệt tình của ông đã khơi dậy và tiếp thêm ngọn lửa đam mê điêu khắc cho nhiều thanh niên ở xã Tr’Hy nói riêng và huyện Tây Giang nói chung.

Hay ông Briu Pố, 78 tuổi, ở thôn Arớh, xã Lăng, huyện Tây Giang cũng là một trong những “truyền nhân” của nghệ thuật điêu khắc truyền thống của dân tộc Cơ-tu. Ngoài 200 hình điêu khắc nổi trên mặt gỗ, trên các cây cột của nhà Gươl thôn Arớh, nghệ nhân Briu Pố còn có nhiều tượng gỗ thể hiện sinh động cuộc sống và sinh hoạt văn hóa của người Cơ-tu trên quê hương mình. Ông cũng đã chung tay với các nghệ nhân trên địa bàn huyện thực hiện nhiều công trình điêu khắc quan trọng tại Làng văn hóa truyền thống, nhà Gươl hay nhà mồ Cơ-tu và mang nghệ thuật điêu khắc Cơ-tu đến với nhiều vùng, miền trên cả nước.

“Nghề điêu khắc của người Cơ-tu có từ lâu đời. Ngày xưa các ông, các cụ làm nhà mồ, nhà Gươl không thể thiếu điêu khắc. Hai màu chủ đạo, người Cơ-tu rất hay sử dụng để tô lên những bức tranh, tượng điêu khắc là màu chàm đen- tượng trưng cho màu của đất và màu đỏ-là màu của mặt trời. Để có được màu đỏ, người Cơ-tu sử dụng củ nâu, màu chàm lấy từ cây tà râm, màu nâu từ củ ma rớt, để trang trí lên tượng gỗ và các bức phù điêu”, ông Briu Pố chia sẻ.

Mỗi tác phẩm tượng gỗ là một công trình sáng tạo nghệ thuật của đồng bào Cơ-tu Mỗi tác phẩm tượng gỗ là một công trình sáng tạo nghệ thuật của đồng bào Cơ-tu.

Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của nghệ thuật điêu khắc Cơ-tu, ngay tại các bản làng vùng cao có đông đồng bào Cơ-tu sinh sống, hình ảnh những nghệ nhân, già làng truyền dạy cho thế hệ trẻ về cách cầm dao, rìu, đục, cách chọn gỗ, phối màu trong từng thể loại hình ảnh điêu khắc đã trở nên quá quen thuộc. Không những mở lớp truyền dạy, mà hằng năm, trong các dịp lễ hội, hội thi văn hóa- thể thao các dân tộc ở các huyện Đông Giang, Nam Giang và Tây Giang thường tổ chức các cuộc thi điêu khắc gỗ. Từ những không gian sáng tạo như thế, cùng với sự kế thừa của một lớp điêu khắc trẻ, dân tộc Cơ-tu luôn hy vọng nghệ thuật điêu khắc, trang trí trên gỗ của đồng bào sẽ không bao giờ mất như hình ảnh ngôi nhà Gươl sừng sững, vững chãi nằm giữa cộng đồng làng và được ôm ấp bởi ngàn trùng xanh của non nước hữu tình.

Theo nhà điêu khắc Nguyễn Văn Hàm, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin Quảng Nam cho biết: Điều đáng chú ý hiện nay, có một số bức tượng bị lạm dụng màu sơn công nghiệp, do đó những bức tượng mất đi tính dân gian của nó. Nghệ thuật điêu khắc gỗ của mỗi dân tộc đều có những nét tinh hoa, độc đáo riêng, với đồng bào Cơ-tu ở Quảng Nam thì loại hình nghệ thuật độc đáo này vẫn còn được giữ gìn gần như nguyên bản.

Nếu nhà Gươl được coi là trái tim của mỗi bản làng Cơ-tu nơi đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ, thì điêu khắc gỗ với những bức tượng phù điêu đặc sắc được coi là mạch máu để nuôi sống trái tim ấy…

TẤN SỸ - THANH HUYỀN