Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Nghệ nhân đa tài Néang Kunh Thia

Lương Định - 11:19, 18/10/2019

Từng bước lên sân khấu biểu diễn từ năm 14 tuổi, đến nay, Néang Kunh Thia (dân tộc Khmer) được đánh giá là một nữ nghệ nhân đa tài, vừa biên đạo, dàn dựng, vừa biểu diễn nhiều loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian truyền thống đặc sắc của dân tộc Khmer - Nam bộ.

Múa dì kê, một loại hình nghệ thuật độc đáo của người Khmer.Ảnh TL
Múa dì kê, một loại hình nghệ thuật độc đáo của người Khmer.Ảnh TL

Sinh ra trong một gia đình có cha là nghệ nhân Chau Men Sa Rây và mẹ là Nghệ nhân Ưu tú Néang OK nổi tiếng nhất vùng Bảy Núi, xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn, tỉnh (An Giang), ngay từ nhỏ, Néang Kunh Thia đã bộc lộ tư chất năng khiếu nghệ thuật.

Thấy con gái đam mê múa hát từ khi mới lên 7 tuổi, lại có chất giọng ngọt ngào trời phú nên ông Chau Men Sa Rây và bà Néang OK đều dành hết tâm huyết, thời gian để truyền dạy cho Néang Kunh Thia tất cả những điệu múa, bài hát dân gian, nhạc cụ truyền thống của Khmer - Nam bộ. Trong đó nổi bật, tiêu biểu là hai loại hình nghệ thuật biểu diễn sân khấu đặc sắc như: Dì kê và chằm riêng chà pây.

Nhờ được cha, mẹ truyền dạy một cách bài bản, chuyên sâu nên ngay từ năm lên 14 tuổi, Néang Kunh Thia đã tự tin bước lên sân khấu biểu diễn tốt các loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc mình. 

Đặc biệt, khi mới bước vào tuổi trưởng thành, ngoài khả năng biểu diễn tốt loại hình sân khấu dì kê, Néang Kunh Thia còn biểu diễn thật ngẫu hứng thật cảm xúc và xuất thần về nghệ thuật chằm riêng cha pây. 

Chằm riêng cha pây là loại hình nghệ thuật đòi hỏi người biểu diễn phải vừa hát, vừa đàn và vừa ứng khẩu sáng tác ca từ (như thơ) ngay tại trên sân khấu. Đây là loại hình nghệ thuật đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2013. 

 Từ năm 2010 tới nay, Néang Kunh Thia đã tham gia nhiều hội thi, hội diễn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và toàn quốc, gặt hái nhiều thành công. Trong đó, có giải Vàng với vai diễn Néang Tiêu, trong vở “Chuyện tình Tum Tiêu” tại Liên hoan Nghệ thuật sân khấu dì kê Khmer - Nam bộ lần thứ Nhất, năm 2013 tại Sóc Trăng; đoạt giải A tại Hội diễn Ngày hội Văn hóa Thể thao Du lịch đồng bào Khmer An Giang, năm 2017.

Hiện, Néang Kunh Thia đang công tác tại Trung tâm Văn hóa huyện Tri Tôn (An Giang) và trở thành hạt nhân nòng cốt của phong trào văn nghệ quần chúng tại địa phương.

Nghệ nhân Néang Kunh Thia hóa thân vào vũ nữ Áp sa ra.
Nghệ nhân Néang Kunh Thia hóa thân vào vũ nữ Áp sa ra.

Ngoài biểu diễn dì kê, chằm riêng chà pây, nghệ nhân Néang Kunh Thia còn tham gia biên đạo, dàn dựng các chương trình văn nghệ quần chúng phục vụ cộng đồng trong và ngoài tỉnh. 

Vốn rất yêu và đam mê nghệ thuật truyền thống của dân tộc mình, nghệ nhân Néang Kunh hiện đang rất quan tâm đến việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy nghệ thuật chằm riêng chà pây - một loại hình nghệ thuật đang có nguy cơ mai một.

Để làm được điều tâm huyết này, ngoài tích cực tham gia biểu diễn, quảng bá về nghệ thuật chằm riêng chà pây, nghệ nhân Néang Kunh Thia còn dành thời gian để truyền dạy cho mọi người, nhất là lớp thanh thiếu niên trong cộng đồng Khmer yêu thích loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc này.