Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Nghề đan lát truyền thống của Người Ma Coong: Cần giữ gìn và phát triển

Quỳnh Chi - 22:09, 03/07/2020

Gắn bó với núi rừng bao đời nay, dù cuộc sống đã có nhiều đổi thay, hiện đại hơn, nhưng đồng bào Ma Coong (dân tộc Chứt) ở xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) vẫn luôn giữ gìn và phát triển nghề đan lát truyền thống của đồng bào.

Người Ma Coong xã Thượng Trạch đang hoàn tất chiếc Cù tôộc để bàn giao cho khách hàng. (Ảnh Văn Minh)
Người Ma Coong xã Thượng Trạch đang hoàn tất chiếc Cù tôộc để bàn giao cho khách hàng. (Ảnh Văn Minh)

Để phục vụ các bà, các mẹ lên nương, lên rẫy, người Ma Coong đã đan những chiếc tập, a dằng, khoong, xao xang (là những chiếc gùi với đủ kích cỡ khác nhau), được dùng để lấy củi, hái măng, đựng lúa, ngô nương…; và những vật dụng trong gia đình như mâm, rổ rá…

Già làng Đinh Xon, bản Cồn Roàng 2, xã Thượng Trạch là người có đôi bàn tay khéo léo. Từ thời trai trẻ, già đã học cách đan lát từng cái cù pổ, a rê (rổ, nơm tre). Già làng chia sẻ: “Nghề đan lát là linh hồn của người Ma Coong, là nghề mà tổ tiên đã truyền lại từ bao đời. Mọi người Ma Coong trưởng thành đều biết đan lát một vài vật dụng thiết yếu để phục vụ cho sinh hoạt, lao động sản xuất. Tuy nhiên, để trở thành những người thợ đan lát giỏi, được người Ma Coong ví như những nghệ nhân của bản làng, thì phải biết đan những đồ dùng cần tới kỹ thuật cao, như: Cù tôộc, tập, a dằng, hoong, xao xang, chi poạc, ư poang”.

Theo ông Quách Tẩm, Người có uy tín ở bản 51, xã Thượng Trạch, nhờ việc đan lát, người dân không phải tốn tiền để mua các vật dụng là sản phẩm công nghiệp. Hầu hết bà con ở đây đều sử dụng tre, nứa để làm nhà cửa hay vật dụng trong nhà, có thể tự phục vụ cuộc sống của mình.

Tuy nhiên, những lớp người già như già làng Đinh Xon hay ông Quách Tẩm đều tỏ ra buồn vì, lớp trẻ mới lớn đã không còn mặn mà với nghề truyền thống của cha ông, do hiệu quả kinh tế thấp. Những nghệ nhân đan giỏi ở Thượng Trạch hiện giờ không còn nhiều nữa, chỉ còn lại một số ít người đan lát giỏi, như: Đinh Khinh (bản Nồng), Đinh Xuân (bản Bụt), Đinh Kíp (bản Cồn Roàng), Đinh Tôốc (bản 51), Đinh Đì (bản Cờ Đỏ)...

Anh Đinh Tôốc, Bí thư Chi bộ bản 51, xã Thượng Trạch là một người trẻ ngoại lệ. Anh tìm đến với nghề đan lát với mong muốn thỏa lòng đam mê và cũng muốn có một nghề mưu sinh. Nhờ chăm chỉ và có đôi bàn tay khéo léo, Đinh Tôốc đã trở thành một trong những người đan giỏi nhất xã. Những sản phẩm của anh làm ra đều được dân bản yêu thích và tìm đến mua. Nhờ đó, giúp anh có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống gia đình.

Anh chia sẻ, từ thuở nhỏ, anh đã yêu thích nghề đan lát, dành nhiều thời gian ngồi bên các thợ giỏi để theo học hỏi từng cách chọn tre, đến cách đan từng loại vật dụng. “Để đan được một vật dụng có độ bền cao và có tính thẩm mỹ, trước hết, người thợ phải biết các mẹo như: Lựa chọn cây mây, tre, nứa có độ tuổi phù hợp; căn thời gian phơi nắng, ngâm bùn phù hợp để khi chẻ nhỏ, uốn cong không bị giòn gãy; tạo màu sắc, đường nét, hoa văn cho sản phẩm bằng việc để vỏ, cạo vỏ, đặt sấp ngửa, ngâm tẩm tre nứa với củ nâu rừng, than củi, hong khói”, anh Đinh Tôốc giảng giải.

Nghề đan lát là linh hồn của người Ma Coong, là nghề mà tổ tiên đã truyền lại từ bao đời. Mọi người Ma Coong trưởng thành đều biết đan lát một vài vật dụng thiết yếu để phục vụ cho quá trình sinh hoạt, lao động sản xuất”.

Già làng Đinh Xon, bản Cồn Roàng 2, xã Thượng Trạch.