Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Nghệ An: Hiệu quả từ hỗ trợ các giống cây trồng, vật nuôi địa phương

Thiên Đức - 09:35, 14/07/2020

Thực hiện hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế từ nguồn vốn Chương trình 135, Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An đã tham mưu cho các cơ quan chức năng triển khai nhiều chương trình hỗ trợ người dân, trong đó ưu tiên lựa chọn hỗ trợ các loại giống cây trồng, vật nuôi địa phương. Hướng đi này đang tạo ra những nông sản đặc trưng của miền Tây xứ Nghệ.

Giống bò địa phương phát triển tốt ở vùng miền núi Nghệ An
Giống bò địa phương phát triển tốt ở vùng miền núi Nghệ An

Phát huy thế mạnh giống địa phương

Đã từ lâu, vịt bầu Quỳ được biết đến là sản vật số 1 của miền Tây Nghệ An. Đây là giống thủy cầm có nguồn gốc tại vùng đất Quỳ Châu, Quế Phong. Ngoài giá trị dinh dưỡng, vịt bầu Quỳ còn có nguồn gen quý hiếm. Nhận thấy, đây là giống vật nuôi có giá trị kinh tế cao, năm 2016, Ban Dân tộc Nghệ An đã tham mưu cho các cơ quan chức năng cấp 3.600 con giống cho người dân để nâng cao quy mô sản xuất. 

Là một trong những người được hưởng lợi từ Chương trình, ông Vi Thanh Đoàn, dân tộc Thái, ở xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu cho biết, từ năm 2016, được sự hướng dẫn và động viên của chính quyền, gia đình ông được hỗ trợ giống, thức ăn để nhân rộng đàn vịt theo hướng sản xuất hàng hóa. Đến nay, gia đình ông đã phát triển gia trại vịt bầu Quỳ. Vịt nuôi đến đâu thương lái mua hết đến đó. Nhờ vậy, mà kinh tế gia đình ông đã vươn lên thoát nghèo và từng bước làm giàu. 

Không chỉ có giống vịt bầu Quỳ mà nhiều giống cây trồng, vật nuôi khác tại địa phương cũng góp phần tăng thế mạnh cạnh tranh trên thị trường. Như ở xã Nghĩa Lợi (huyện Nghĩa Đàn). Ông Nguyễn Huy Anh, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Lợi cho biết, Nghĩa Lợi là xã khó khăn thuộc diện đầu tư của Chương trình 135 nên thời gian qua, người dân trên địa bàn được hưởng nhiều lợi ích từ Chương trình. 

Riêng tháng 9/2019, người dân được nhận 35 con dê giống địa phương, 300kg thức ăn hỗn hợp. Với nguồn lợi sẵn có, đàn dê đang phát triển tốt, ít dịch bệnh và tạo ra thương hiệu riêng thu hút khách hàng. 

Tiền đề quan trọng

Theo thông tin từ Ban Dân tộc Nghệ An, giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã hỗ trợ gần 193 tỷ đồng thực hiện hợp phần hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo tại các địa bàn đặc biệt khó khăn (ĐBKK), xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản ĐBKK. Trong đó vốn Trung ương hỗ trợ 174,1 tỷ đồng, người dân đóng góp gần 19,5 tỷ đồng. 

Với nguồn lực này, Nghệ An đã tập trung hỗ trợ nhiều giống vật nuôi địa phương cho người DTTS trên địa bàn. Cụ thể, năm 2016, Nghệ An hỗ trợ 3.600 vịt bầu Quỳ cùng với thức ăn chăn nuôi cho hơn 7.000 hộ dân. Năm 2017, Nghệ An hỗ trợ hơn 2.000 con bê cái địa phương, 568 con lợn nái đen. Tiếp tục năm 2018, Nghệ An hỗ trợ 1.960 con bê cái địa phương; năm 2019, tỉnh hỗ trợ 449 con dê giống địa phương cho các hộ dân.

Ông Lương Thanh Hải, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An, cho biết, Ban Dân tộc luôn trăn trở tìm các loại hình sinh kế phù hợp với người DTTS ở các vùng khó khăn. Theo đó, việc hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi địa phương đã và đang tạo ra thế mạnh riêng giúp cho sản phẩm cạnh tranh tốt hơn, người dân có thu nhập cao hơn. Nhờ đó, tính đến tháng 12/2019, tỷ lệ hộ nghèo các xã, thôn thuộc diện đầu tư Chương trình 135 trên địa bàn chỉ còn 13,87%, bình quân giảm 1,8%/năm. Hiện nay, đã có 6 xã, 25 thôn hoàn thành Chương trình 135 giai đoạn 2016 - 2020. 

 “Đây là những tiền đề quan trọng để vùng miền núi Nghệ An phát huy hiệu quả, trước khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”, ông Hải khẳng định.