Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Nghệ An: Dân mất đất sản xuất vì dự án “treo”

Minh Thứ - 10:09, 13/12/2019

Theo quy hoạch, trên địa bàn các huyện miền núi của tỉnh Nghệ An sẽ có nhiều khu công nghiệp, khu kinh tế (KCN, KKT) vừa và nhỏ. Theo đó, một số địa phương đã thu hồi đất sản xuất của người dân để xây dựng KCN, KKT. Điều đáng nói là, không ít diện tích bị thu hồi rồi bỏ hoang, gây lãng phí nguồn tài nguyên, còn người dân thì thiếu đất sản xuất…

KCN xã Đồng Văn (huyện Tân Kỳ) được quy hoạch từ nhiều năm trước nhưng đến nay vẫn dở dang, chưa hạng mục nào được hoàn thiện
KCN xã Đồng Văn (huyện Tân Kỳ) được quy hoạch từ nhiều năm trước nhưng đến nay vẫn dở dang, chưa hạng mục nào được hoàn thiện

Huyện miền núi Tân Kỳ được xem là địa phương đi đầu trong việc quy hoạch phát triển các KKT và KCN vừa và nhỏ. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân khác nhau mà khu vực này bị bỏ giữa chừng.

Ông Hoàng Nghĩa Quý ở xóm Kẻ Chiềng, xã Đồng Văn (Tân Kỳ) bức xúc: Khi huyện có chủ trương xây dựng KCN tại xã, người dân phấn khởi lắm, ai cũng nghĩ, có KCN thì con em không phải đi xa quê làm thuê kiếm sống nữa. Vì vậy, khi huyện về công bố quy hoạch, người dân sẵn sàng hiến đất và đổi đất để có mặt bằng xây dựng KCN. Thế nhưng sau đó, đơn vị thi công chỉ cho mấy nhân công về làm một số hạng mục như san lấp xây mương thoát nước hai bên đường và chợ, rồi bỏ hoang từ đấy không xây dựng tiếp nữa. 

Qua thị sát thực tế, chúng tôi thấy KCN Đồng Văn hiện vẫn là công trình dở dang chưa có hạng mục nào được hoàn thiện. Bên cạnh đó, chợ của xã Đồng Văn được đầu tư, với tổng số vốn lên đến 1,6 tỷ đồng. Bao gồm, công trình chợ là 1,4 tỷ đồng và 200 triệu đồng cho chi phí xây dựng các công trình phụ trợ khác cũng bỏ phơi mưa phơi nắng, gây lãng phí lớn. 

 Ông Nguyễn Văn Hoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ cho biết: Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, huyện đã quy hoạch 4 KCN, KKT, trong đó, có KCN xã Đồng Văn. Việc quy hoạch này là dựa vào điều kiện kinh tế - xã hội và quy hoạch trong tương lai xa; còn trước mắt thì quy hoạch để tranh thủ sự đầu tư của tỉnh về cơ sở hạ tầng như, hệ thống điện, đường và các công trình phụ trợ khác… để thu hút các nhà đầu tư, các doanh nghiệp (DN). Bởi huyện không có khả năng tài chính để đầu tư xây dựng KCN hay KKT quy mô. 

“Những năm qua, chúng tôi cũng đã kêu gọi nhiều DN đầu tư vào đây như xây dựng các nhà máy chế biến nông sản, thế nhưng chưa có DN nào vào, bởi lý do hệ thống đường giao thông rất hạn chế…”, ông Nguyễn Văn Hoa thông tin thêm.

Điều đáng quan tâm, việc quy hoạch KCN, KKT đang có dấu hiệu trở thành phong trào tại các địa phương của tỉnh Nghệ An. Minh chứng, nằm bên cạnh huyện Tân Kỳ, huyện Yên Thành cũng vẽ ra nhiều quy hoạch KCN, KKT. Mới đây, UBND huyện Yên Thành đã phải “khai tử” KCN Tràng Kè thuộc xã Mỹ Thành. 

Ông Nguyễn Thanh Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho rằng, về điều kiện kinh tế - xã hội, quy hoạch và xây dựng KCN Tràng Kè ở xã Mỹ Thành là hợp lý, bởi nếu quy hoạch và xây dựng cơ sở hạ tầng xong sẽ thu hút các DN về đầu tư các nhà máy xí nghiệp ở đây, tạo việc làm tại chỗ, tăng thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, ông Hà cho biết, nhiều hộ dân sở tại không ủng hộ công tác giải phóng mặt bằng nên không thể thực hiện. 

Có thể nói, quy hoạch, đầu tư các KCN, KKT là chủ trương đúng nhằm thay đổi tư duy sản xuất, tạo việc làm tăng thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả của các KCN, KKT là một vấn đề không thể nóng vội. Vì trên thực tế, những dự án “treo” gây lãng phí nguồn tài nguyên đất, thất thoát kinh phí đầu tư khiến cho cả DN, ngân hàng cùng phải “khóc” không còn xa lạ.

Vì vậy, đề nghị chính quyền tỉnh Nghệ An cần nghiên cứu kỹ trước khi phê duyệt chủ trương quy hoạch nhằm tạo ra sự đồng thuận và sự hiệu quả của việc quy hoạch.

Tin cùng chuyên mục