Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Ngày hội kết nối, vun đắp tình đoàn kết giữa các dân tộc

Tào Đạt - 04:56, 26/11/2023

Ngày 25/11, tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Lễ bế mạc Ngày hội trình diễn cây Nêu và giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc Việt Nam lần thứ II năm 2023. Ngoài ý nghĩa tôn vinh, phát huy và giữ gìn giá trị văn hóa, sự kiện là sợi dây kết nối, vun đắp tình đoàn kết giữa các dân tộc.

 Ban tổ chức trao bằng khen của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng các địa phương tham gia ngày hội.
Ban tổ chức trao bằng khen của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng các địa phương tham gia ngày hội

Theo Ban tổ chức, tham gia Ngày hội có gần 500 nghệ nhân, diễn viên thuộc 6 tỉnh, thành phố: Sơn La, Lai Châu, Thanh Hóa, Quảng Nam, Đắk Lắk, Đà Nẵng. Bên cạnh tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, Ngày hội còn là cầu nối giao lưu, gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm của các nghệ nhân, diễn viên - chủ thể văn hóa trong việc giữ gìn và phát huy các nghi lễ, tín ngưỡng, các loại hình nghệ thuật truyền thống dân ca, dân vũ các dân tộc; khơi dậy ý thức trách nhiệm trong việc giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Đến Ngày hội trình diễn cây Nêu, người dân và du khách đã được chứng kiến, mãn nhãn với hoạt động trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thực sinh hoạt văn hóa truyền thống của các dân tộc và thực hành các nghi lễ liên quan đến phong tục dựng cây Nêu của các dân tộc thiểu số Việt Nam.

Các đoàn đã đem đến hình ảnh cây Nêu rực rỡ sắc màu, đậm đà bản sắc dân tộc các họa tiết trang trí trên cây Nêu đều thể hiện tính linh thiêng, lòng tôn kính đối với thần linh, ông bà đã khuất. Phần nghi lễ diễn ra trang trọng, đúng phong tục nhằm tạ ơn trời đất, tổ tiên, cầu mong an lành, hạnh phúc, mùa màng tươi tốt, như một sự minh chứng về sự phong phú, đa dạng và nét đẹp văn hoá truyền thống của các dân tộc, các di sản văn hóa được trao truyền, gìn giữ từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Ban tổ chức tặng cờ lưu niệm cho các đoàn tham gia hoạt động thi đấu thể thao trong ngày hội.
Ban tổ chức tặng cờ lưu niệm cho các đoàn tham gia hoạt động thi đấu thể thao trong ngày hội

Bên cạnh đó, Liên hoan Nghệ thuật quần chúng với gần 30 tiết mục đem đến sự đa dạng, phong phú cả nội dung và hình thức với các làn điệu dân ca mượt mà trầm lắng của các dân tộc Thái, Mường, Khơ Mú, Dao, Hà Nhì… từ miền núi phía Bắc và dân nhạc, cồng chiêng sôi động, âm vang của cổng, chiêng, khi trầm khi bỗng, lúc khoan thai, lúc dồn dập do các nghệ nhân các dân tộc Cơ Tu, Ê Đê, người Ca Dong từ Trường Sơn - Tây Nguyên. Các tiết mục biểu diễn đều chứa đựng đặc trưng văn hóa các dân tộc, được các nghệ nhân sáng tạo và biểu diễn chứa đựng tình cảm, tình yêu cuộc sống, yêu lao động, yêu thiên nhiên đất nước, yêu Đảng, yêu Bác Hồ, đoàn kết xây dựng quê hương, đất nước, xây dựng gia đình, tình làng, nghĩa xóm, niềm tin vào cuộc sống sẽ ngày càng trở lên ẩm no, hạnh phúc.

Sự kiện trình diễn trang phục truyền thống của người Thái, Mường, Hà Nhì, Ê Đê, Xơ Đăng, Cơ Tu, Ca Dong... như một bức tranh đa sắc màu đã tạo nên sự hấp dẫn, thu hút người dân và du khách. Các bộ trang phục với kiểu dáng, họa tiết, sắc màu đa dạng thể hiện sự sáng tạo, sự tinh tế thông qua bàn tay khéo léo của người phụ nữ các dân tộc.

Văn nghệ chào mừng thành công của Ngày hội
Văn nghệ chào mừng thành công của Ngày hội

Không gian trưng bày triển lãm với hình ảnh, hiện vật như cồng chiêng, nhạc cụ, dược liệu, nông sản truyền thống của các tỉnh tham gia ngày hội, phản ánh những nét đặc trưng văn hóa của từng địa phương, góp phần làm cho không gian lễ hội thêm phong phú về màu sắc văn hóa.

Trong khuôn khổ Ngày hội cũng đã diễn ra hoạt động thi đấu thể thao và các trò chơi dân gian dân tộc. Theo Ban tổ chức Ngày hội, tham dự các hoạt động thi đấu thể thao có trên 100 huấn luyện viên, vận động viên quần chúng là đồng bào các dân tộc thuộc 5 tỉnh gồm: Đắk Lắk, Quảng Nam, Đà Nẵng, Sơn La và Lai Châu. Các vận động viên tranh tài ở 4 môn thể thao dân tộc: Đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ, bắn ná. Sau 3 ngày thi đấu sôi nổi, quyết liệt trên tinh thần thể thao đoàn kết, trung thực, cao thượng với sự cổ vũ nhiệt tình của đông đảo khán giả, các hoạt động thi đấu thể thao kết thúc tốt đẹp. Ban tổ chức đã trao 39 bộ huy chương vàng, bạc, đồng cho các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc các nội dung thi đấu. 

Ngày hội cũng là hoạt động nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.

Phát biểu tại Lễ bế mạc, bà Nguyễn Thị Hải Nhung, Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh: “Ngày hội diễn ra theo đúng kế hoạch, thực hiện đầy đủ các nội dung, đảm bảo an toàn về mọi phương diện, tạo được không khí phấn khởi đoàn kết, lòng tự hào về các giá trị văn hóa truyền thống để đồng bào các dân tộc nâng cao hiểu biết và ý thức trách nhiệm trong việc giữ gìn di sản văn hóa quý báu của dân tộc mình. Các hoạt động hấp dẫn giàu bản sắc văn hóa trong ngày hội là sợi dây kết nối tình đoàn kết giữa các địa phương, các đoàn nghệ nhân, đồng bào dân tộc của các tỉnh”.