Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam: 29 năm nỗ lực vì Nhân dân phục vụ và đảm bảo an sinh xã hội đất nước

Hồng Phúc - 17:27, 16/02/2024

Trải qua 29 năm xây dựng và trưởng thành (16/2/1995 - 16/2/2024), với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và tinh thần đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm cao của tập thể công chức, viên chức (CCVC), người lao động (NLĐ), qua nhiều thế hệ, BHXH Việt Nam đã không ngừng phát triển và đạt được các thành tích quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội (ASXH) của Đảng và Nhà nước, góp phần tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội để phát triển đất nước.


Ngành BHXH Việt Nam: 29 năm nỗ lực vì Nhân dân phục vụ và đảm bảo an sinh xã hội đất nước

Phát triển theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả

Ngày 16/2/1995, Chính phủ ban hành Nghị định số 19-CP thành lập BHXH Việt Nam trên cơ sở thống nhất các tổ chức BHXH ở Trung ương và địa phương thuộc hệ thống Lao động-Thương binh và Xã hội và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. BHXH Việt Nam ra đời, tạo dấu mốc cải cách quan trọng nhằm thu gọn đầu mối tổ chức, thực hiện chính sách BHXH theo hướng tập trung, thống nhất trong phạm vi toàn quốc.

Hệ thống tổ chức của BHXH Việt Nam gồm 3 cấp: Trung ương, cấp tỉnh và cấp huyện. Qua từng thời kỳ, tổ chức bộ máy đã từng bước được kiện toàn theo hướng linh hoạt, hiệu quả, chuyên nghiệp, hiện đại, giảm đầu mối; giảm chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ; phù hợp với tinh thần Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp (DN). Qua đó, tạo điều kiện để ngành BHXH Việt Nam thực hiện hiệu quả, hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Trong quá trình hình thành và phát triển, ngành BHXH Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm sâu sát của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng. Sự quan tâm này thể hiện cụ thể thông qua các Chỉ thị, Nghị quyết, trong đó đặc biệt như: Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22-11-2012 của Bộ Chính trị, về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020; Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về cải cách chính sách BHXH… Đây là những định hướng quan trọng, làm nền tảng cho sự phát triển bền vững của hệ thống BHXH, BHYT nói chung và BHXH Việt Nam nói riêng.

Cán bộ BHXH tới từng thôn, bản tuyên truyền BHXH, BHYT tại Thanh Hóa.
Cán bộ BHXH tới từng thôn, bản tuyên truyền BHXH, BHYT tại Thanh Hóa.

Lưới an sinh xã hội không ngừng mở rộng

Thực hiện mục tiêu xuyên suốt phát triển BHXH, BHYT theo hướng bao phủ toàn dân, những năm qua, số người tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tiếp tục tăng qua các năm và đã tập trung vào nhóm yếu thế. Đặc biệt, tỷ lệ người tham gia BHYT phát triển bền vững, vượt mục tiêu được Đảng và Chính phủ giao.

Số người tham gia BHXH: Hiện khoảng 18,26 triệu người tham gia, đạt 39,25% lực lượng lao động (LLLĐ) trong độ tuổi, trong đó, số người tham gia BHXH tự nguyện: khoảng 1,83 triệu người, đạt 3,92% LLLĐ trong độ tuổi, tăng 305 lần so với năm 2008 – năm đầu tiên thực hiện chính sách BHXH tự nguyện (tăng từ 6 nghìn người lên 1,83 triệu người); số người tham gia BHTN: khoảng 14,7 triệu người, đạt gần 31,6% LLLĐ trong độ tuổi, tăng gần 2,5 lần so với năm 2009 – năm đầu tiên thực hiện chính sách BHTN (tăng từ 6 triệu người lên 14,7 triệu người).

Số người tham gia BHYT: Hiện khoảng hơn 93,3 triệu người tham gia, đạt 93,35% dân số, tăng 13,1 lần so với năm 2015 (tăng từ 7,1 triệu người lên 93,3 triệu người), tiệm cận mục tiêu BHYT toàn dân.

Diện bao phủ BHXH, BHYT, BHTN tăng, góp phần mở rộng hiệu quả lưới ASXH tới mọi người dân, NLĐ, củng cố vững chắc nền ASXH của đất nước.

Quyền lợi của người tham gia, thụ hưởng chính sách ngày càng tăng

Công tác giải quyết, chi trả chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN được thực hiện kịp thời, đúng quy định; đặc biệt chuyển đổi hiệu quả phương thức quản lý từ thủ công sang hiện đại, đảm bảo nguyên tắc đóng - hưởng. Phương thức hoạt động của hệ thống ngành BHXH Việt Nam được đổi mới theo hướng phục vụ, đẩy mạnh giao dịch điện tử, tăng cường sử dụng các dịch vụ công ích, rút ngắn thời gian giải quyết, tạo thuận lợi và đảm bảo quyền lợi cho NLĐ và Nhân dân.

Từ năm 1995 đến hết năm 2023, toàn Ngành đã giải quyết khoảng hơn 144,8 triệu lượt người hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe; từ năm 2010 đến hết năm 2022 phối hợp giải quyết gần 9,7 triệu người hưởng các chế độ BHTN; hiện, tổng số người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng hơn 3,3 triệu người. 

Bên cạnh đó, từ năm 2003 đến 2023, toàn Ngành đã phối hợp với các cơ sở y tế bảo đảm quyền lợi khám, chữa bệnh (KCB) BHYT cho trên 2.542,8 triệu lượt người; cùng tháo gỡ khó khăn, giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, kịp thời thanh toán chi phí KCB BHYT, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở KCB phục vụ người bệnh BHYT.

Đáng chú ý, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến đời sống, việc làm của người dân, NLĐ, từ năm 2020 đến năm 2022, ngành BHXH Việt Nam đã chủ động, quyết liệt tham gia cùng các Bộ, ngành tham mưu Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ daonh nghiệp, NLĐ gặp khó khăn do đại dịch. 

Đồng thời, tập trung huy động mọi nguồn lực, trên nền nguồn dữ liệu sẵn có để triển khai kịp thời các gói hỗ trợ từ quỹ BHXH, BHTN nhanh gọn, chính xác tới người hưởng, góp phần hỗ trợ hàng chục triệu NLĐ, người sử dụng lao động vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Những kết quả đạt được cho thấy, quyết tâm chính trị của toàn ngành BHXH Việt Nam trong mọi giai đoạn là luôn ưu tiên đặt công tác đảm bảo quyền lợi của người tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT làm trung tâm. Nhờ đó, quyền lợi an sinh của người tham gia, thụ hưởng luôn đảm bảo kịp thời, đúng quy định, góp phần củng cố, tạo thêm niềm tin vững chắc của mọi tầng lớp Nhân dân vào các chính sách ASXH của Đảng và Nhà nước.

Tích cực tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện.
Tích cực tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện.

Nâng cao chất lượng phục vụ vì sự hài lòng của người dân, DN

Những năm qua, BHXH Việt Nam đã tập trung mọi nguồn lực, triển khai quyết liệt nhiều giải pháp mạnh mẽ, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính (TTHC), đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số, tạo thuận lợi tối đa cho các tổ chức, cá nhân tham gia, thụ hưởng chính sách và được Chính phủ cùng cộng đồng DN, người dân ghi nhận, đánh giá cao.

TTHC về tham gia và giải quyết chế độ, chính sách BHXH, BHYT ngày càng được cải tiến, rút gọn (từ 263 TTHC năm 2009 xuống còn 25 TTHC), trong đó 100% thủ tục được cung cấp trực tuyến ở mức độ 4, thực hiện giao dịch điện tử với các tổ chức, cá nhân ở tất cả các lĩnh vực nghiệp vụ… Theo đó, gần như tất cả các hoạt động của Ngành, cũng như các giao dịch của người tham gia, đơn vị sử dụng lao động với cơ quan BHXH đã được thực hiện trên môi trường số; người dân, đơn vị có thể giao dịch với cơ quan BHXH mọi lúc, mọi nơi.

Ngành cũng tăng cường ứng dụng CNTT, chuyển đổi số. Đặc biệt, triển khai Đề án số 06 của Chính phủ, BHXH Việt Nam được ghi nhận, đánh giá là một trong những đơn vị đi đầu và vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Một số kết quả tích cực như: Trong năm 2023, Ngành đã xác thực hơn 95 triệu thông tin nhân khẩu trong cơ sở dữ liệu do BHXH Việt Nam quản lý với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trong đó có khoảng 86,6 triệu người đang tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT. Hệ thống thông tin giám định BHYT đã kết nối, liên thông giữa cơ quan BHXH với gần 13.000 cơ sở KCB BHYT trên phạm vi toàn quốc… 

Ngoài ra, Ngành đã đưa vào triển khai ứng dụng “VssID - BHXH số” trên nền tảng thiết bị di động. Đến nay, có khoảng 35 triệu người sử dụng ứng dụng để quản lý, kiểm soát quá trình tham gia, thụ hưởng chính sách; thực hiện các dịch vụ công về BHXH, BHYT; phối hợp với bộ, ngành và đơn vị liên quan triển khai KCB BHYT bằng căn cước công dân tại 100% cơ sở KCB…

Song song đó, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân, DN, ngành BHXH Việt Nam đã triển khai đồng bộ các giải pháp và đạt được những kết quả tích cực ở các mặt công tác khác như: tăng thu, giảm số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, phối hợp với các đơn vị liên quan ngăn chặn và kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về BHXH, BHYT; quản lý và sử dụng hiệu quả quỹ BHXH, BHYT an toàn, theo đúng quy định của pháp luật; kiện toàn tổ chức bộ máy BHXH các cấp; nâng cao năng lực đội ngũ CCVC trong toàn Ngành; mở rộng hợp tác quốc tế, từng bước hiện đại hoá hệ thống quản lý BHXH, BHYT…

Có thể nói, từ năm 1995 đến nay, với sự cố gắng, nỗ lực của các thế hệ CCVC, ngành BHXH Việt Nam đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức và đạt được nhiều thành quả quan trọng. Qua đó, vị thế của Ngành được nâng cao không chỉ trong hệ thống chính trị mà cả trong nhận thức của người dân, trong đánh giá của cộng đồng DN. 

Thời gian tới, để thực hiện thành công các mục tiêu về BHXH, BHYT, đặc biệt là BHXH, BHYT toàn dân, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, ngành BHXH Việt Nam tiếp tục triển khai các giải pháp với tinh thần chủ động, đồng bộ và toàn diện, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, đảm bảo ASXH, ổn định đời sống Nhân dân, trong đó ghi dấu mốc ấn tượng cho giai đoạn 30 năm xây dựng và phát triển vào năm 2025 tới đây.