Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Ngăn chặn bệnh tay-chân-miệng ở trẻ em

PV - 10:53, 08/10/2018

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 53.500 trường hợp mắc bệnh tay-chân-miệng, trong đó gần một nửa số bệnh nhân phải nhập viện và đã có 6 ca tử vong tại 5 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Các tỉnh có số mắc cao và gia tăng nhanh trong những tuần gần đây là TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp, Bà Rịa- Vùng Tàu, Long An, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Tây Ninh, Hà Nội.

bệnh chân tay miệng ở trẻ em Hướng dẫn cho trẻ rửa tay bằng xà phòng hàng ngày để phòng, tránh dịch bệnh.

Tại TP. Hồ Chí Minh, theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, số ca bệnh nhập viện hiện là 3.200 ca và 15.500 ca điều trị ngoại trú. Trong 2 tuần giữa tháng 9, số ca bệnh tay-chân-miệng có hiện tượng tăng nhanh.

Lý giải nguyên nhân dịch bệnh tay-chân-miệng tăng cao và có nguy cơ quay trở lại như năm 2011, PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh cho rằng, qua điều tra dịch tễ, năm 2018 có sự phổ biến của chủng virus Enterovirus 71 (Ev71), chiếm 25% tổng ca mắc.

Virus này khiến bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng nặng hơn, tác động lên hệ thần kinh, tim mạch và hô hấp, có thể gây tử vong. Đặc biệt, có sự biến đổi chủng gien của Ev71 từ C5 sang C4. Đây cũng là chủng gien virus gây nên dịch bệnh tay-chân-miệng ở nước ta vào năm 2011, với 70.000 người mắc và 145 người tử vong.

Còn tại tỉnh Đồng Nai, từ đầu năm đến nay, đã ghi nhận hơn 4.000 ca mắc tay-chân-miệng, chủ yếu là trẻ em dưới 3 tuổi. Khoảng 2 tháng trở lại đây, số ca mắc bệnh này tăng đột biến.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, có những tuần Bệnh viện tiếp nhận tới 500 ca mắc. Nhiều trường hợp bệnh biến chứng nặng, có ca ngừng tim, ngừng thở nhưng may mắn được các bác sĩ cấp cứu kịp thời. Sở Y tế tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu, tuyến y tế cơ sở, các đơn vị trực thuộc tăng cường phòng, chống dịch bệnh, đồng thời thực hiện nhiều biện pháp hạn chế bệnh lây lan.

Dự báo dịch bệnh này có xu hướng gia tăng trong thời gian tới, nhất là tại các trường học dành cho trẻ dưới 6 tuổi. Do vậy, Bộ Y tế đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố tham mưu với chính quyền địa phương tăng cường phòng chống dịch bệnh tay-chân-miệng. Ngành Y tế phối hợp với ngành Giáo dục tại địa phương tuyên truyền sâu rộng tới các trường học, nhà trẻ, trường mẫu giáo về thực hiện ăn uống sạch, ở sạch, bàn tay sạch và đồ chơi sạch; phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh; giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh và tổ chức tốt việc thu dung, điều trị bệnh nhân. Chú ý bệnh nhân nặng, hạn chế thấp nhất các trường hợp biến chứng gây tử vong. Ngoài ra, thực hiện tốt phòng tránh lây nhiễm chéo giữa bệnh tay-chân-miệng với bệnh sởi, viêm phổi, viêm đường hô hấp.

Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da, chủ yếu ở dạng phỏng nước lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não-màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong.

Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân và cộng đồng cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng với nước sạch nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt là trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

Các trường học cần bảo đảm có xà phòng rửa tay, làm sạch bề mặt và đồ chơi hằng ngày của trẻ. Cần phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại các cơ sở giáo dục phải thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để tổ chức khám, điều trị và xử lý ổ dịch kịp thời.

NHƯ Ý