Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Nét đẹp văn hóa Lễ hội Đền Lục Giáp

Nguyễn Đình Hưng - 07:17, 10/06/2024

Lễ hội Đền Lục Giáp ở phường Đắc Sơn, thành phố Phổ Yên là một trong những lễ hội tiêu biểu của tỉnh Thái Nguyên. Lễ hội gắn với di tích Đền Lục Giáp, một di tích đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia từ năm 1993. Đặc biệt, ngày 01/4/2024, Bộ VHTTDL đã có Quyết định số 857/QĐ-BVHTTDL đưa Lễ hội truyền thống Đền Lục Giáp vào Danh mục Di sản văn hóa vật thể quốc gia, làm tăng thêm giá trị cho quần thể di tích lịch sử, văn hóa này.

Lễ hội Đền Lục Giáp - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2024
Lễ hội Đền Lục Giáp - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Đền Lục Giáp có tên chữ là Sơn Cốt Lục Giáp linh từ. Thời xa xưa, Đền chỉ là một ngôi miếu nhỏ. Qua quá trình lịch sử được Nhân dân địa phương trùng tu, tôn tạo mở rộng thành ngôi đền Lục Giáp như ngày nay.

Đền Lục Giáp là tâm điểm tiêu biểu kết nối với các di tích xung quanh, tạo nên quần thể di tích thuộc phường Đắc Sơn bao gồm: Chùa Phung - Đền Lục Giáp - Đình Sơn Cốt - Chùa Long Sơn - Đình Bến thuộc làng Lục Giáp xưa (6 giáp gồm: Dương, Thượng, Hạ, Đấp, Đinh và Mũn) thuộc 2 xã: Sơn Cốt, Cốt Ngạnh (Tổng Hoàng Đàm). Ngày nay thuộc đất phường Đắc Sơn và một phần phường Ba Hàng, thành phố Phổ Yên.

Đền Lục Giáp thờ 8 vị thần: Ngộ Lão Linh ứng đại vương, Duyên Bình công chúa, Đại La công chúa, Nhất Lang Đô Ty đại vương, Nhị Lang Đại Liệu đại vương, Duyên Giang Quý Minh đại vương, Quý Minh đại vương và Tiến sỹ Đỗ Cận - đại thần nhà Lê (thế kỷ XV). Các vị thần được thờ ở Đền được coi là các vị tối linh thiêng, thường ban phúc lành, phù trợ cho Nhân dân được bình yên, hạnh phúc.

Tục lệ Tế lễ mở đầu khai hội ở Đền Lục Giáp
Tục lệ Tế lễ mở đầu khai hội ở Đền Lục Giáp

Đền Lục Giáp còn có tên là Miếu Vật, tương truyền gắn với một sự tích có vị tướng khi qua vùng này đã cho tổ chức đấu vật tại đền để tuyển lính tòng quân giết giặc. Được thần âm phù hộ nên khi vị tướng này mang quân đi chiến đấu đều dành chiến thắng. Xưa, Đền có 19 đạo sắc phong, sớm nhất là từ đời vua Đức Long thứ 2 (1630), muộn nhất là đời vua Khải Định thứ 9 (1924). Ngày lễ hội, Nhân dân 6 giáp trong vùng cùng nhau vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khuôn viên của Đền, chuẩn bị thực phẩm làm cỗ cúng, bao sái đồ thờ, tu sửa bộ kiệu, đồ tế khí, cờ hội, chọn chủ tế, những người khiêng kiệu, tập dượt các nghi thức rước kiệu, tế lễ, soạn thảo chúc văn.

Ngày 14 tháng Ba, các xóm bắt tay làm cỗ lễ. Thịt lợn được chế biến thành giò lụa, giò thủ, nem, chả, thịt áp chao. Gà trống thiến được buộc cánh tiên đem luộc. Đặc biệt, trong lễ hội không thể thiếu món xôi nện - xôi trắng đồ bằng gạo nếp cái hoa vàng chín đổ ra mẹt, dùng đoạn tre tươi nện nhuyễn thành phên rồi đóng thành oản, bày ra mâm để làm lễ cúng. Buổi tối, cuộc tế nhập tịch được tổ chức, đông đủ Nhân dân mặc trang phục truyền thống, tập trung tại Đền.

Rước kiệu trong lễ hội Đền Lục Giáp
Rước kiệu trong lễ hội Đền Lục Giáp

Lễ hội chính vào ngày rằm tháng Ba âm lịch - ngày khánh hạ của vị thần Ngộ Lão linh ứng Đại vương. Từ sáng sớm, dân làng Lục Giáp tổ chức rước kiệu lễ chay từ Đền Lục Giáp lần theo bờ sông Công (tức sông Giã, sông Mão) rồi lội qua sông, nghỉ ở Bến Gánh Nước để rửa chân, sau đó rước lễ lên chùa Phung để cầu đảo, cầu trời Phật cho mưa xuống để mùa màng bội thu.

Vốn là vùng bán sơn địa, đồng đất cao, trong lễ hội xưa, Nhân dân làng Lục Giáp rước lễ chay lên chùa Phung để cầu đảo, đó là nghi thức cầu mưa để làm nông nghiệp. Khi rước kiệu từ chùa xuống đồng cạnh đó, người ta cắm một số là cờ 3 màu: đỏ, vàng, xanh, người cầm cờ hú lên: “Huây, huây, hòa, hòa huây…” như muốn bảo: “Hãy theo những gợi ý của chúng tôi đây, gọi mây về làm mưa, gieo nước ngọt cho đời”.

Tại Đền Lục Giáp, Nhân dân thụ lộc (nước) một phần, còn lại một phần lại rước về đình Sơn Cốt, chùa Long Sơn và Đình Bến để “quân phần” Nhân dân đều được thụ lộc. Do vậy, lễ hội truyền thống Đền Lục Giáp liên quan đến cả quần thể di tích làng Lục Giáp.

Lễ đại tế được cử hành long trọng tại nhà Tiền tế của ngôi đền. Sau 3 hồi chiêng, trống vang lên, dàn bát âm hòa tấu bắt đầu cho buổi tế lễ. Tiếng chiêng, trống vang vang như báo hiệu với trời đất, cầu cho mưa thuận, gió hòa. Vị chủ tế tuyên đọc Chúc văn, nội dung tỏ lòng biết ơn đến các vị thần năm qua đã phù hộ, độ trì cho dân làng được nhân khang, vật thịnh, mùa màng được tươi tốt, bội thu. Sau lễ đọc Văn tế, dân làng bắt đầu đưa lễ vào dâng thánh. Các mâm lễ được chuẩn bị rất đẹp, tạo nên không khí trang nghiêm, trầm mặc và thành kính.

Đấu vật trong Lễ hội ở Đền Lục Giáp
Đấu vật trong Lễ hội ở Đền Lục Giáp

Sau tế lễ kết thúc, 3 chiếc chiếu điều được trải trước cửa đền để các đô vật biểu diễn tiết mục đấu vật truyền thống. Vật ba keo xong, các đô vật của các giáp cùng du khách thập phương vào lễ trong Đền. Lễ cúng xong, mẫm lễ của các giáp được hạ xuống đưa ra sân để chấm thi cỗ đẹp. Chấm xong, cỗ được giao lại cho các giáp mang về thụ lộc.

Xong phần lễ, tại hai bên cánh gà của sân Đền diễn ra các trò chơi dân gian như đấu vật, cờ người, đánh đu, kéo co, trò chơi bắt vịt, bắt phỗng và dồi mỏ... Đến chiều tà, lễ tế giã diễn ra tại Đền để kính cáo với các vị thần linh kết thúc lễ hội.

PGS. TS. Trần Lâm Biền đánh giá: Lễ hội Đền Lục Giáp là lễ hội cổ truyền còn in đậm dấu vết thờ cúng dân gian, cụ thể là tín ngưỡng thờ Tứ pháp (mây, mưa, sấm, chớp). Lễ hội Đền Lục Giáp là một biểu tượng văn hóa có tính độc đáo trong ý thức cầu mưa để làm nông nghiệp của Nhân dân địa phương. Lễ hội mang đậm tinh thần thượng võ, ca ngợi những công đức lớn lao của các vị thần đã bảo vệ đất nước, che chở cho Nhân dân được bình yên, hạnh phúc.