Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Nelson Mandela - Biểu tượng về sự đấu tranh chống phân biệt chủng tộc

Duy Ly (biên dịch theo Nationalgeographic) - 20:43, 20/07/2021

Nelson Mandela - Cố Tổng thống Nam Phi, một biểu tượng vĩ đại về tình yêu thương con người, về tinh thần tự do và bình đẳng. Nhân Ngày quốc tế Nelson Mandela (18/7), cùng nhìn lại dấu ấn của vị anh hùng của dân tộc Nam Phi trong cuộc đấu tranh chống nạn phân biệt chủng tộc hà khắc nhất lịch sử Apartheid (A pác thai).


Chân dung cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela
Chân dung cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela

Huyền thoại của Nam Phi

Mandela bắt đầu cuộc đời mình dưới một cái tên khác: Rolihlahla Dalibhunga Mandela. Ông sinh ngày 18/7/1918, trong gia đình hoàng tộc Xhosa.

Mẹ của ông là Nonqaphi Nosekeni, người cha là Nkosi Mphakanyiswa Gadla Mandel, tộc trưởng của người Thembu, một nhóm nhỏ của người Xhosa, nhưng lại là những người tạo nên nhóm văn hóa lớn thứ hai của Nam Phi. Sau khi chống lại một quan tòa người Anh, cha của Mandela đã bị tước bỏ quyền thủ lĩnh, tước vị và đất đai. Ông qua đời khi Mandela mới 12 tuổi.

Nhà lãnh đạo Nelson Mandela đã được trao hơn 250 giải thưởng cao quý, trong đó tiêu biểu là Giải thưởng Nobel Hòa bình năm 1993, giải thưởng Lenin của Liên Xô và giải thưởng Tự do của Mỹ… Tháng 11/2009, Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 64 đã thống nhất lấy ngày 18/7 hằng năm là “Ngày quốc tế Nelson Mandela”.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Fort Hare và Đại học Witwatersrand chuyên ngành Luật, Nelson Mandela đã tham gia Đại hội Dân tộc Phi (ANC) vào năm 1943 và sau đó thành lập Liên đoàn thanh niên của ANC. 

Năm 1948, khi Đảng Dân tộc, với đa số là người Nam Phi gốc châu Âu, giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử, Mandela bắt đầu tham gia phong trào chống chính sách phân biệt chủng tộc của đảng này.

Cuộc đời đấu tranh chống phân biệt chủng tộc mà nhà hoạt động chính trị kiệt xuất Nelson Mandela theo đuổi, gắn với những năm tháng bị chính quyền A pác thai truy đuổi và cầm tù. Năm 1964, ông bị chính quyền kết án tù chung thân và bị giam giữ suốt 27 năm qua nhiều nhà tù. 

Suốt thời gian ấy, kiên định với mục tiêu vì quyền con người, nhiều lần từ chối các điều kiện trả tự do của nhà cầm quyền, Nelson Mandela đã trở thành biểu tượng, thành nguồn cảm hứng cho cuộc đấu tranh xóa bỏ chế độ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi.

Năm 1990, dưới sức ép của cộng đồng quốc tế, nhà cầm quyền Nam Phi đã phải trả tự do cho ông. Với cương vị Chủ tịch ANC, Nelson lại tiếp tục dẫn dắt nhân dân Nam Phi thoát khỏi xiềng xích của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Chế độ A pác thai đã bị xóa bỏ ở Nam Phi năm 1993, đánh dấu sự chấm hết của chế độ phân biệt chủng tộc hà khắc bậc nhất trong lịch sử.

Sau đó, với cuộc bầu cử dân chủ năm 1994, "người tù chính trị" nổi tiếng nhất thế kỷ XX, đã trở thành Tổng thống da màu đầu tiên của Nam Phi. Chiến thắng này là kết tinh của hơn 4 thập niên đấu tranh của những người da màu dưới sự lãnh đạo của đảng ANC.

Tem phát hành tại Việt Nam nhân kỷ niệm 100 ngày sinh Nelson Mandela
Tem phát hành tại Việt Nam nhân kỷ niệm 100 ngày sinh Nelson Mandela

Việt Nam đối với Nelson Mandela

Việt Nam có quan hệ từ lâu với Đại hội Dân tộc Phi (ANC) và Đảng Cộng sản Nam Phi. Việt Nam luôn ủng hộ cuộc đấu tranh của Nhân dân Nam Phi chống chế độ phân biệt chủng tộc do ông Nelson Mandela sáng lập.

Tháng 5/1994, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình dự lễ nhậm chức của Tổng thống Nelson Mandela.

Chính huyền thoại Nelson Mandela là người đã đóng góp rất lớn trong việc xây đắp mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Nam Phi từ trong quá khứ và cho đến ngày nay. 

Tổng thống Mandela đã từng phát biểu trong buổi tiếp Đại sứ Việt Nam trình thư ủy nhiệm vào ngày 22/7/1997 rằng: "Việt Nam luôn ở trong trái tim tôi. Hồ Chí Minh và đường mòn Hồ Chí Minh cùng sự nghiệp giải phóng đất nước Việt Nam luôn là ấn tượng sâu sắc đối với tôi".

Nhân kỷ niệm 100 năm năm ngày sinh Nelson Mandela, vào ngày 5/12/2018, Bộ Thông tin và Truyền thông nước ta đã từng phát hành bộ tem “Nelson Mandela 1918 - 2013” nhằm tôn vinh ông - một biểu tượng về thông điệp tự do, tôn trọng và quyền con người. Bộ tem có 1 mẫu, giá mặt 4.000 đồng, do họa sĩ Nguyễn Du thiết kế.