Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Nâng vai trò của báo chí cách mạng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Hoàng Quý - 07:20, 13/11/2024

Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của ngành Báo chí trong giai đoạn bùng nổ về truyền thông trên mạng xã hội hiện nay, đặc biệt là vai trò của báo chí cách mạng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội là nội dung quan trọng được đại biểu Quốc hội quan tâm, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn về lĩnh vực thông tin, truyền thông, trong Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên)
Đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên)

Làm sao để báo chí truyền thống có thể cạnh tranh và tồn tại?

Tham gia chất vấn, đại biểu Tạ Thị Yên - Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Điện Biên, đặt câu hỏi, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa báo chí truyền thống và internet, mạng xã hội, ngoài việc tăng cường chất lượng, đẩy mạnh số hóa báo chí thì bài toán kinh tế báo chí, mô hình kinh doanh báo chí sẽ phải giải quyết như thế nào để báo chí truyền thống có thể cạnh tranh và tồn tại, làm tốt vai trò người lính xung kích trên mặt trận văn hóa, tư tưởng, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước?

Trả lời chất vấn của đại biểu Tạ Thị Yên, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, khi kinh tế thị trường phát triển, các doanh nghiệp bắt buộc phải quảng cáo để bán hàng, vì thế chi khá nhiều tiền cho quảng cáo, khi đó quảng cáo chủ yếu trên báo chí. Các cơ quan báo chí cũng mong muốn được tự chủ tài chính, nhưng sau đó mạng xã hội xuất hiện, 80% quảng cáo trực tuyến, như vậy nguồn thu của báo chí, nhất là các cơ quan báo chí tự chủ tài chính đã giảm đáng kể nguồn thu.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, số lượng cơ quan báo chí ra đời nhiều (880 cơ quan báo chí) nhưng nguồn thu giảm. Trong chỉ thị Thủ tướng Chính phủ ban hành về truyền thông chính sách có yêu cầu các bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp phải coi truyền thông là việc của mình. Ngoài chủ động đưa thông tin, có kế hoạch đưa thông tin, có bộ máy đưa thông tin, có ngân sách hằng năm để chi cho truyền thông chính sách và dùng đến ngân sách để đặt hàng báo chí. Đây là một thay đổi, thực tế cho thấy, từ năm ngoái, các cơ quan, chính quyền các cấp bắt đầu tăng ngân sách cho báo chí.

Trong kế hoạch sửa Luật Báo chí sắp tới, cũng có một mục đề cập đến kinh tế báo chí, trong đó cho phép một số cơ quan báo chí lớn được kinh doanh về nội dung, kinh doanh xung quanh lĩnh vực truyền thông, nhưng kinh doanh để làm báo.

Bộ trưởng cũng lưu ý, nếu báo chí chạy theo mạng xã hội, chúng ta sẽ đứng ở phía sau, do vậy phải có sự khác biệt với mạng xã hội, là dùng công nghệ số để lấy lại trận địa, tăng số lượng độc giả, từ đó quảng cáo cũng sẽ tăng lên. Đặc biệt, trong quy hoạch báo chí, có một nội dung rất quan trọng, là Nhà nước tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho 6 cơ quan báo chí chủ lực để trở thành sức mạnh truyền thông; đồng thời trong quá trình sửa luật theo hướng, Chính phủ sẽ xây dựng cơ chế đặc thù về kinh tế báo chí cho các cơ quan báo chí chủ lực.

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên)
Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên)

Truyền thông là lối mở để báo chí tăng nguồn thu

Đề cập về nguồn thu của các cơ quan báo chí, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên) cho biết, nguồn thu thông qua quảng cáo giảm tới 80% vì sự xuất hiện của các nền tảng mạng xã hội nên các cơ quan báo chí hoạt động gặp nhiều khó khăn. Do vậy, đại biểu quan tâm đến cách thức để hỗ trợ cơ quan báo chí. Đại biểu nhấn mạnh đến công tác truyền thông chính sách như một lối mở để báo chí tăng nguồn thu.

Đối với vấn đề liên quan đến báo chí cách mạng, Bộ trưởng cho rằng, trước đây, báo chí cách mạng hoàn toàn do cách mạng nuôi, khi xuất hiện kinh tế thị trường, các cơ quan báo chí bên cạnh ngân sách nhà nước còn có nguồn thu từ quảng cáo. Khi mạng xã hội xuất hiện, nguồn thu từ quảng cáo bị thu hẹp lại. Hiện nay, thực tế khoảng 30% chi tiêu của các cơ quan báo chí là từ ngân sách. 

Bộ trưởng cho rằng cần cân nhắc, nếu báo chí 100% dựa vào thị trường, thì có trở thành báo chí thị trường hay không? Nhà nước làm truyền thông thì có chi trả, đặt hàng cơ quan báo chí không? Bộ trưởng cho rằng không nên có quan niệm cực đoan, cần dựa trên cả nguồn ngân sách, đặt hàng của Nhà nước, đồng thời cũng cần bám sát thị trường, độc giả, để giữ vị thế của báo chí cách mạng.

 Đại biểu Nguyễn Hải Anh (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp)
Đại biểu Nguyễn Hải Anh (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp)

Giải pháp để báo chí phát huy hiệu quả là kênh lan tỏa giá trị nhân ái?

Tham gia chất vấn, đại biểu Nguyễn Hải Anh (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) đề nghị Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết giải pháp để báo chí phát huy vai trò là kênh truyền tải hiệu quả những tấm gương người tốt, việc thiện, lan tỏa giá trị nhân ái, kết nối cộng đồng, truyền cảm hứng tích cực trong xã hội? Đồng thời cho biết chiến lược và giải pháp cụ thể để các cơ quan báo chí duy trì chất lượng, sự trung thực trong thông tin, hạn chế lệ thuộc vào quảng cáo nhưng vẫn bảo đảm tài chính ổn định, phát triển bền vững?

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Hải Anh, Bộ trưởng cho biết, có tình trạng doanh nghiệp sử dụng phương thức hỗ trợ truyền thông tác động vào cơ quan báo chí để thông tin theo hướng có lợi cho doanh nghiệp. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng phát hiện, rà soát, đánh giá. xử lý; đồng thời cũng ban hành các quy định về bảo hộ truyền thông giữa doanh nghiệp và cơ quan báo chí để thực hiện đúng, tránh lợi dụng thông tin.

Để lan tỏa tấm gương, các thông tin tốt, để lan tỏa năng lượng tích cực, Bộ trưởng khẳng định: Thở bằng không khí, mà không khí ô nhiễm thì ảnh hưởng đến phổi, nhưng não chúng ta thì có loại không khí chính là tin tức và tin tức ô nhiễm thì não bị ô nhiễm. Bộ trưởng cho biết, có thuận lợi là các loại báo chí có trên không gian mạng, chúng ta có rất nhiều công nghệ mới có thể rà quét. 

Bộ cũng có tiêu chuẩn, tiêu chí để xác định tiêu cực, tích cực, trong đó thông tin trên báo chí tích cực trên 60%, thông tin trung tính 25%, thông tin tiêu cực khoảng 15% và đang cố gắng hạ thấp xuống bằng cánh đánh giá hằng ngày đối với các cơ quan báo chí. Ngoài ra, có thuận lợi là người dùng trên không gian mạng chán nản với những thông tin tiêu cực và quay trở lại với những thông tin tích cực nhiều hơn.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)
Đại biểu Nguyễn Thị Yến (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)

Giải pháp nâng cao vị thế báo chí Việt Nam trên quốc tế?

Tham gia chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Yến (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông biết thực trạng, trách nhiệm giải pháp để nâng cao chất lượng và vị thế của báo chí Việt Nam trên trường quốc tế trong thời gian tới?

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Yến về hợp tác quốc tế báo chí, Bộ trưởng nêu rõ, không nhiều quốc gia quản lý báo chí, hiện có hợp tác quốc tế với các nước có quản lý báo chí. Chúng ta cũng có chia sẻ kinh nghiệm với các quốc gia không có luật về báo chí, nhưng ở các quốc gia này có quy định ở mức dưới luật liên quan đến hoạt động báo chí. Bộ trưởng khẳng định, luôn coi trọng thông tin truyền thông, trong rất nhiều chính sách mà Bộ Thông tin và truyền thông đề xuất đều có tham vấn trong kinh nghiệm quốc tế.

Tin cùng chuyên mục
Sóc Trăng: Huyện có 100% xã đặc biệt khó khăn về đích nông thôn mới

Sóc Trăng: Huyện có 100% xã đặc biệt khó khăn về đích nông thôn mới

Ngày 31/12, tại huyện Châu Thành, UBND tỉnh Sóc Trăng long trọng tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và đón nhận Bằng công nhận huyện Châu Thành (Sóc Trăng) đạt Chuẩn Nông thôn mới. Đến dự có ông Lâm Văn Mẫn - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; bà Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; cùng các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh, Mẹ Việt Nam Anh hùng và đông đảo đồng bào trên địa bàn huyện Châu Thành đến tham dự.