Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Nâng cao giá trị văn hóa trong sản phẩm OCOP

PV - 09:18, 16/03/2023

Ông Phương Đình Anh - Phó Chánh Văn phòng Điều phối Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia cho biết, Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã ban hành Quyết định số 148/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ bổ sung một số tiêu chí nhằm nâng cao chất lượng, giá trị và khai thác các giá trị văn hóa của sản phẩm OCOP, khuyến khích sự tham gia của phụ nữ, đồng bào DTTS.

Khách tham quan gian hàng Festival trái cây và sản phẩm OCOP năm 2022 tại Quảng trường Tây Bắc, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La. Ảnh: Quang Quyết-TTXVN
Khách tham quan gian hàng Festival trái cây và sản phẩm OCOP năm 2022 tại Quảng trường Tây Bắc, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La. Ảnh: Quang Quyết-TTXVN

Sau hơn 4 năm triển khai, Chương trình OCOP đã lan toả mạnh mẽ, được triển khai đồng bộ, rộng khắp ở tất cả 63/63 tỉnh, thành phố, huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành từ trung ương đến cơ sở, trở thành một giải pháp được ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới ở tất các các địa phương.

Chương trình đã tác động tích cực, đậm nét đến phát triển kinh tế nông thôn, góp phần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, có truy xuất nguồn gốc và theo nhu cầu thị trường; khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, lợi thế so sánh, đặc biệt là các giá trị văn hóa vùng, miền để hình thành các sản phẩm OCOP tích hợp “đa giá trị”, gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với dịch vụ, du lịch.

Thông qua chương trình OCOP, nhiều địa phương đã quy hoạch được các vùng nguyên liệu đặc sản, phát triển các ngành nghề nông thôn, đặc biệt là bảo tồn và phát triển nhiều làng nghề truyền thống; hình thành nhiều sản phẩm OCOP gắn với vai trò như một “đại sứ” chuyển tải những câu chuyện sản phẩm mang tính nhân văn của vùng, miền.

Sản phẩm OCOP đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm; có mẫu mã, bao bì đa dạng và thân thiện với môi trường, phù hợp yêu cầu của thị trường; góp phần gia tăng giá trị, giúp các chủ thể tăng quy mô sản xuất và doanh thu. Bên cạnh đó, Chương trình OCOP đã thúc đẩy hướng đi về phát triển sinh kế ở những vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đối với phụ nữ.

Tiếp tục khai thác và phát huy các giá trị trên, ông Phương Đình Anh cho biết, bộ tiêu chí mới nhấn mạnh đến yếu tố câu chuyện về sản phẩm OCOP, bởi giá trị của sản phẩm OCOP chính là câu chuyện tạo nên sản phẩm đó. Câu chuyện có thể từ của một làng, một xã và thể hiện được nét văn hóa trong sản phẩm đó. Sản phẩm OCOP đó gắn với nét đẹp truyền thống, văn hóa, sự đoàn kết của làng xã. Đây là giá trị cốt lõi, giá trị nhân văn trong sản phẩm OCOP.

Trong cơ cấu điểm, điểm số cho sản phẩm OCOP tăng thêm khi thể hiện được vai trò và sức mạnh của cộng đồng. Chẳng hạn, việc sử dụng nguyên liệu địa phương tăng từ 3 điểm lên 5 điểm; liên kết sản xuất tăng từ 2 điểm lên 3 điểm; sử dụng lao động địa phương tăng từ 1 điểm lên 3 điểm…

Tăng điểm số giá trị văn hóa, câu chuyện sản phẩm, bao bì sản phẩm, cụ thể: nguồn gốc ý tưởng sản phẩm tăng từ 3 điểm lên 5 điểm; trí tuệ/bản sắc địa phương tăng từ 3 điểm lên 5 điểm; phong cách, ghi nhãn hàng hóa tăng từ 2 điểm lên 3 điểm…

Đến nay, cả nước đã có 8.689 sản phẩm OCOP; trong đó 65,5% sản phẩm 3 sao, 33,6% sản phẩm 4 sao, 0,7% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 0,2 % sản phẩm 5 sao) của 4.479 chủ thể OCOP. Trong các chủ thể OCOP có 38,1% là hợp tác xã, 25,7% là doanh nghiệp, 33,4% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác.