Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Na Rì (Bắc Kạn): Nhiều dấu hiệu sai phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản

Nguyễn Kiều - 17:06, 22/06/2022

Công ty Cổ phần Xây dựng Thương mại Hiền Dung (Công ty Hiền Dung) được UBND tỉnh Bắc Kạn cấp giấy phép số 2212/GP-UBND về việc khai thác tận thu khoáng sản tại khu vực thôn Hợp Thành - Hát Lài, xã Sơn Thành, huyện Na Rì (Bắc Kạn). Trong quá trình khai thác, người dân phản ánh doanh nghiệp có nhiều dấu hiệu sai phạm như: Xả thải trực tiếp gây ô nhiễm môi trường, khai thác ngoài phạm vi cấp phép, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây sạt lở ven bờ dòng sông, ảnh hưởng đến đời sống người dân nơi đây.

Khu vực thôn Hát Lài 02 chiếc máy xúc đang “ngăn sông, đắp đập” đào xới nham nhở dòng sông để tìm kiếm khoáng sản.
Khu vực thôn Hát Lài 02 chiếc máy xúc đang “ngăn sông, đắp đập” đào xới nham nhở dòng sông để tìm kiếm khoáng sản

Khai thác theo kiểu “sống gấp”

Trao đổi với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, một người dân sinh sống gần khu vực khai thác khoáng sản thôn Hợp Thành, Hát Lài phản ánh: “Trước đây khu vực này là mỏ khai thác cát tận thu vàng, nhưng do giấy phép hết hạn nên họ đã dừng hoạt động. Từ năm 2019, Công ty Hiền Dung về đây khai thác tận thu cát, còn có tận thu vàng hay không thì tôi không rõ (!?) Lúc đầu họ hoạt động với quy mô nhỏ chỉ có 02 chiếc máy xúc cùng phương tiện máy móc, nhưng thời gian gần đây, họ mở rộng khu vực khai thác xuống dòng sông nên đầu tư thêm nhiều máy xúc và trang thiết bị hiện đại khác để khai thác. Tôi sợ rằng nếu họ cứ tiếp tục khai thác, đào xới dòng sông như vậy chả mấy mà ven bờ ròng sông sẽ bị sạt lở”.

Sáng ngày 12/6/2022, theo như ghi nhận của phóng viên tại thực địa, khu thôn Hát Lài, Hợp Thành, xã Sơn Thành, có khoảng 04 chiếc máy xúc cùng nhiều ô tô và trang thiết bị hiện đại phục vụ cho việc khai thác cát sỏi dưới dòng sông và ven bờ dòng sông.

Tại khu vực thôn Hợp Thành, 02 chiếc máy xúc đang gầm mình múc, ngoạm, bổ xuống, “moi gan, móc mật” đào xới dòng sông tìm kiếm khoáng sản. Phía trên bờ những chiếc ô tô nối đuôi nhau liên tục lưu thông vào lấy hàng rồi vận chuyển về nơi tuyển rửa. Từ khu vực tuyển rửa nước thải Công ty này, xả thẳng xuống dòng sông mà không hề qua bể lắng.

Tại khu vực thôn Hợp Thành, 02 chiếc máy xúc đang gầm mình múc, ngoạm, bổ xuống, “moi gan, móc mật” đào xới dòng sông tìm kiếm khoáng sản.
Các thiết bị đang đào xới dòng sông tại khu vực thôn Hợp Thành

Trong Báo cáo Kỹ thuật phương án xử lý nước thải đã nêu rõ; Việc xây dựng đê bao chắn nước sẽ bao gồm 4 khu, với tổng chiều dài lên tới 815m, cùng hệ thống ao lắng trước khi thải ra sông, hồ. Tổng thể tích ao lắng là 4600 m3, kết cấu 3 ngăn, xử lý triệt để. Thế nhưng, khu vực Công ty Hiền Dung tuyển rửa không hề có ao lắng, mà Doanh nghiệp này vô tư xả thải trực tiếp ra dòng sông.

Từ vị trí khai thác, tuyển rửa trên, nhóm phóng viên chúng tôi đi dọc theo dòng sông xuống khoảng 2km là khu vực thôn Hát Lài. Tại đây, chúng tôi được “mục sở thị” 02 chiếc máy xúc đang “ngăn sông, đắp đập” đào xới nham nhở dòng sông để tìm kiếm khoáng sản. Trên bờ là lán trại được dựng bằng tôn cùng nhiều công nhân ăn ở sinh hoạt. Việc Doanh nghiệp sẵn sàng bất chấp các quy định của nhà nước, chăm chăm tối đa vào lợi nhuận, khai thác theo kiểu “sống gấp”, không chỉ tàn phá môi trường mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây sạt lở, lũ lụt ảnh hưởng tới người dân nơi đây.

Dấu hiệu khai thác ngoài chỉ giới được cấp phép

Ngày 13/06/2022, trao đổi với chúng tôi đại diện phía Công ty Hiền Dung-ông Nguyên Văn Thăng cho biết: “Công ty đang khai thác tận thu cát, sỏi, cuội tại bãi thải đóng của mỏ Thôn Hát Lài, Hợp Thành với diện tích 1,7ha, trong thời hạn 03 năm, từ năm 2019 đến 2022”. 

Khi phóng viên yêu cầu được tiếp cận hồ sơ, thì đơn vị này chỉ cung cấp được chủ trương đầu tư, Giấy phép hoạt động, còn Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và các biên bản làm việc gần nhất với các Sở, ngành thì đơn vị này chưa cung cấp được.

Về phía chính quyền địa phương, ông Triệu Đức Tân, Chủ tịch UBND xã Sơn Thành cho biết: “Công ty Hiền Dung khai thác cát, sỏi khu vực thôn Hợp Thành, Hát Lài, từ năm 2019 nhưng chưa cung cấp hồ sơ giấy tờ gì cho chính quyền địa phương. Chúng tôi chỉ nghe cấp trên nói họ được hoạt động khai thác khoáng sản, còn hồ sơ giấy tờ họ không cung cấp nên UBND xã chúng tôi cũng không nắm được”.

Để rõ hơn về nội dung trên, phóng viên của Báo Dân tộc và Phát triển đã liên hệ và có buổi làm việc với Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Na Rì, ông Hoàng Văn Trường cho biết: “Trên địa bàn xã Sơn Thành hiện có 04 điểm mỏ, trong đó có 02 mỏ khai thác cát và 02 mỏ khai thác đá. Điểm khai thác cát thôn Hát Lài và Hợp Thành là khu vực Công ty Hiền Dung đang khai thác.

 Khi được hỏi gần đây phòng có tổ chức đi kiểm tra và làm việc với điểm mỏ này không? Ông Trường cho hay vào khoảng tháng 3/2022 có đi kiểm tra. Tuy nhiên, khi phóng viên yêu cầu được tiếp cận biên bản kiểm tra, thì phòng chuyên môn này không cung cấp được. Phải chăng trong Biên bản đó có điều gì “khuất tất” nên phòng chuyên môn này ngại cung cấp cho phóng viên?

Theo giấy phép số 2212/GP-UBND của tỉnh Bắc Kạn, Công ty Cổ phần Xây dựng Thương mại Hiền Dung chỉ được khai thác tận thu cát, cuội, sỏi bằng phương pháp lộ thiên tại bãi thải đã đóng cửa mỏ khu vực thôn Hợp Thành - Hát Lài, xã Sơn Thành.

Giấy phép trên chỉ rõ, Công ty Hiền Dung chỉ được cấp phép tận thu cát sỏi với diện tích 1,7ha, thế nhưng theo ghi nhận của phóng viên từ vị trí khai thác tại thôn Hợp Thành đi dọc dòng sông về thôn Hát Lài có thể lên đến 2km. Như vậy cho thấy doanh nghiệp này đang có dấu hiệu khai thác ngoài phạm vi được cấp phép.

Giấy phép số 2212/GP-UBND của tỉnh Bắc Kạn chỉ rõ, Công ty Hiền Dung chỉ được khai thác tận thu cát, sỏi ở khu vực bãi thải đã đóng cửa mỏ, nhưng không hiểu sao doanh nghiệp này lại có thể ngang nhiên đưa máy móc ra giữa dòng sông để khai thác?

Thiết nghĩ, chính quyền tỉnh Bắc Kạn khẩn trương vào cuộc làm rõ sự việc, không để doanh nghiệp tự do xả thải gây ô nhiễm môi trường, thất thoát tài nguyên khoáng sản quốc gia.

Báo Dân tộc và Phát triển sẽ tiếp tục theo dõi và thông tin tới bạn đọc.