Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Mường Nhé (Điện Biên): Nâng cao hiệu quả giáo dục mũi nhọn

Hồng-Phúc - 16:00, 23/10/2022

Năm học 2021-2022 đã khép lại, dù bị tác động nặng nề của dịch Covid-19, nhưng với sự quyết tâm, nỗ lực cùng nhiều giải pháp đồng bộ, sáng tạo, linh hoạt, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé đã gặt hái nhiều kết quả quan trọng. Mường Nhé đã từng bước khẳng định được chất lượng giáo dục và đào tạo ở vùng khó, nhất là chất lượng giáo dục mũi nhọn.


Thầy cô và các em học sinh Trường PTDT Bán trú Tiểu học Trần Văn Thọ trong lễ khai giảng năm học mới.
Thầy trò Trường PTDT Bán trú Tiểu học Trần Văn Thọ trong lễ khai giảng năm học 2022-2023

Kết quả đáng tự hào

Trong năm học vừa qua, toàn ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé có tổng số 35 trường học, 659 nhóm/lớp, với 16.713 học sinh. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé đã thực hiện đồng bộ, linh hoạt nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục.

Ông Phạm Thiết Chùy, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé cho biết: Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp bám sát mục tiêu giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Thực hiện đổi mới chương trình giáo dục mầm non, phổ thông, nâng cao hiệu quả giáo dục mũi nhọn, chú trọng công tác giáo dục thể chất, y tế trường học, xây dựng văn hóa học đường, giáo dục đạo đức, lối sống và kỹ năng cho học sinh.

“Trong năm học 2021-2022, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid -19 bùng phát với nhiều diễn biến phức tạp, thời gian học sinh nghỉ học trực tiếp tại trường để phòng chống dịch bệnh, nên ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé phải thực hiện song song 2 nhiệm vụ, vừa tổ chức dạy học và phòng chống dịch bệnh; đồng thời có những chỉ đạo điều chỉnh thực hiện các nhiệm vụ giáo dục theo các văn bản chỉ đạo các cấp, phù hợp với tình hình thực tiễn của huyện” ông Chuỳ cho biết.

Để nâng cao chất lượng giáo dục, triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé đã tổ chức bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên theo trường, cụm trường. Duy trì tốt nền nếp và nâng cao chất lượng thực hiện chuyên đề. Cụ thể như Đề án “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”; “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số”…

Điểm mới, sáng tạo trong công tác quản lý, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học và tổ chức các hoạt động giáo dục là phân công nhiệm vụ cho công chức, viên chức phù hợp với năng lực, giao quyền chủ động trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao. Giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho hiệu trưởng các đơn vị trường học trong việc triển khai nhiệm vụ năm học.

Thầy giáo Trịnh Văn Lập, Phó Hiệu trưởng Phụ trách Trường PTDTBT TH Chung Chải số 2 cho biết: Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé luôn quan tâm sát sao trong công tác chỉ đạo chuyên môn, chỉ đạo các nhà trường điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy cho khoa học, hiệu quả. Thường xuyên đổi mới hình thức sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học.

“Ở cấp tiểu học, chúng tôi được hướng dẫn tăng cường nâng cao chất lượng dạy và học, đặc biệt coi trọng rèn kỹ năng nghe, đọc, nói, viết cho học sinh dân tộc. Tổ chức tập huấn bồi dưỡng thường xuyên cho đội ngũ quản lý, giáo viên”, thầy Lập cho biết.

Bên cạnh đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé cũng đã triển khai việc thực hiện tốt đổi mới dạy học tự chọn, dạy buổi 2, dạy học nội dung giáo dục địa phương; giảng dạy tích hợp trong một số môn học; Thực hiện nghiêm túc chương trình nội dung các môn học theo chỉ đạo của Bộ và Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 2, lớp 6.

Ông Phạm Thiết Chuỳ, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé.
Ông Phạm Thiết Chuỳ, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé.

Năm học 2021-2022, công tác giáo dục dân tộc được đặc biệt quan tâm. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé đã chỉ đạo các trường kiện toàn ban phụ trách học sinh nội trú, hướng dẫn các em học sinh nấu ăn, sinh hoạt hợp vệ sinh, đặc biệt là các em đầu các cấp học. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả hình thức bếp ăn tập thể tại các trường PTDT bán trú. Một số trường có điều kiện đã tổ chức tăng gia, sản xuất, trồng rau xanh, nuôi lợn, gà,... để phục vụ, nâng cao chất lượng bữa ăn cho học sinh bán trú, tiêu biểu như Trường PTDT bán trú Tiểu học Trần Văn Thọ, PTDT bán trú Tiểu học Nậm Vì, Trường TH Nậm Pố, Trường PTDTBT THCS Chung Chải,...

Song song với việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho khối lớp 1, lớp 2, lớp 6, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé đã tập trung chỉ đạo nâng cao hiệu quả giáo dục mũi nhọn năm học 2021-2022, chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai bồi dưỡng học sinh giỏi. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé đã tổ chức thành công cuộc thi học sinh giỏi các môn văn hóa lớp 9, có 48 em đạt giải cấp huyện, 4 em đạt giải cấp tỉnh.

Kết quả, trong năm học 2021-2022, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé luôn đảm bảo duy trì chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, đạt chuẩn phổ cập tiểu học mức độ 2, xóa mù chữ mức độ 2, phổ cập giáo dục THCS mức độ 2 trong toàn huyện. Toàn huyện có 4 trường được thẩm định công nhận đạt chuẩn quốc gia, nâng tổng số trường đạt chuẩn quốc gia toàn huyện lên 17/35 trường.

Nâng cao chất lượng giáo dục vùng khó

Trong năm học mới 2022-2023, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé tiếp tục tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch năm học 2022- 2023 đã được UBND tỉnh và UBND huyện giao; chuẩn bị tốt các phương án dạy và học trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp; chuẩn bị tốt các điều kiện thực hiện chương trình, sách giáo khoa lớp 3, lớp 7…

Theo ông Phạm Thiết Chuỳ, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé trong năm học này, để đạt được những mục tiêu đặt ra, ngành Giáo dục đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn.

Ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé tiếp tục nâng cao chất lượng thực hiện chương trình giáo dục đối với lớp 1 và triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình, sách giáo khoa mới đối với lớp 2, lớp 6; tiếp tục kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của người học; đẩy mạnh hoạt động giáo dục hướng nghiệp và phân luồng trong giáo dục phổ thông. Nâng cao chất lượng dạy và học môn tiếng Anh và môn tin học trong các nhà trường…

Cũng theo ông Chuỳ, đối với lĩnh vực giáo dục dân tộc sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn. Tổ chức tốt đời sống cho học sinh các trường PTDT bán trú. Tăng cường các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu.

Bếp ăn bán trú của Trường PTDTBT Tiểu học Chung Chải số 2, Xã Chung Chải, Huyện Mường Nhé.
Học sinh bán trú Trường PTDTBT Tiểu học Chung Chải số 2, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé trong giời ăn trưa

Tập trung rà soát, phát triển mạng lưới trường lớp, huy động học sinh trong độ tuổi ra lớp Tiếp tục ra soát, sắp xếp lại mạng lưới trường lớp học; huy động, duy trì sĩ số học sinh các cấp học, đặc biệt các lớp đầu cấp và cuối cấp đạt và vượt số lượng học sinh và các tỷ lệ huy động do UBND huyện giao.

Tăng cường tổ chức bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ giáo viên dạy lớp 1, lớp 2, lớp 3 và lớp 6, lớp 7 theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 để kịp thời giải đáp, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện. Phối hợp các cơ quan của huyện, cha mẹ học sinh để tuyên truyền, đảm bảo có đủ sách, vở cho học sinh học tập ngay từ đầu năm học. Bên cạnh đó tăng cường ứng dụng CNTT trong công tác quản lý và nâng cao chất lượng giảng dạy. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các trường nhất là đối với các trường vùng khó khăn, trường xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, để huy động các nguồn lực tu sửa nâng cấp cơ sở vật chất, làm tốt công tác khuyến học, khuyến tài…

Có thể thấy, kết quả đạt được trong phát triển giáo dục ở huyện Mường Nhé trong năm học vừa qua là sự năng động, sáng tạo của các nhà trường, của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, cùng tinh thần nỗ lực phấn đấu của các em học sinh và gia đình. Đó là cơ sở vững chắc để ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.