Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Mùa tựu trường “đặc biệt” ở vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thúy Hồng và nhóm phóng viên - 12:03, 05/09/2021

Lễ khai giảng năm học mới 2021 - 2022 diễn ra trong thời điểm dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Bên cạnh những địa phương bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh phải khai giảng trực tuyến thì có nhiều địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi may mắn hơn khi dịch bệnh đã được kiểm soát, các em học sinh có thể đến trường để chào đón năm học mới. Tuy nhiên, Lễ khai giảng cũng được diễn ra nhanh gọn, đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh.

Thầy và trò vùng đồng bào DTTS và miền núi bước vào năm học mới. (Ảnh: Trọng Bảo)
Thầy và trò vùng đồng bào DTTS và miền núi bước vào năm học mới. (Ảnh: Trọng Bảo)

Ngày khai giảng đặc biệt

Một năm học mới đã bắt đầu, tất cả các thầy cô giáo và toàn thể các em học sinh rộn ràng để chào đón năm học mới sau một kỳ nghỉ hè dài. Đây là năm học đặc biệt trong lịch sử giáo dục nước nhà. Trong ngày toàn dân đưa trẻ đến trường 5/9 vắng bóng học sinh nơi sân trường, lớp học.

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 không ít địa phương bắt đầu năm học mới không bằng lễ khai giảng truyền thống. Nhiều trường học tại các địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi phải tổ chức khai giảng cho các em học sinh qua các kênh trực tuyến, hoặc theo dõi trên truyền hình.

Tại tỉnh miền núi Sơn La, trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, UBND tỉnh Sơn La đã quyết định tổ chức Lễ Khai giảng năm học 2021 - 2022 theo hình thức trực tuyến toàn tỉnh, được truyền hình trực tiếp trên kênh STV (Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Sơn La).

Các trường học tổ chức dự khai giảng tại trường gọn nhẹ, treo cờ, băng zôn, khẩu hiệu về ngày khai giảng và thành phần không quá 30 người. Riêng với huyện Phù Yên, địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội, để phòng, chống dịch Covid-19, các em học sinh phải theo dõi khai giảng tại, qua kênh truyền hình.

Ông Cầm Văn Thạnh, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Phù Yên cho biết: Theo chỉ đạo của UBND tỉnh và Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La, để bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh, các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh các cấp học, phụ huynh học sinh theo dõi Lễ Khai giảng trực tuyến qua kênh STV tại nhà.

Học sinh DTTS theo dõi Lễ Khai giảng trực tuyến tại lớp học. (Ảnh: Trọng Bảo)
Học sinh DTTS theo dõi Lễ Khai giảng trực tuyến tại lớp học. (Ảnh: Trọng Bảo)

Còn đối với huyện miền núi biên giới Văn Lãng của tỉnh Lạng Sơn cũng đang thực hiện giãn cách xã hội do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên các trường học trên địa bàn phải tổ chức khai giảng bằng hình thức trực tuyến, hoặc theo dõi khai giảng qua kênh truyền hình. Đây là một buổi Lễ Khai giảng rất “đặc biệt”, để lại cảm giác bùi ngùi, xúc động cho giáo viên, phụ huynh và học sinh tại huyện miền núi biên giới này.

Em Nguyễn Thị Thảo, học sinh lớp 7A Trường THCS Lũng Vài, huyện Văn Lãng cho biết: “Em rất háo hức chờ đón khai giảng năm học mới, nhưng khi nhà trường thông báo không thể tổ chức khai giảng đầu năm học do dịch bệnh, nên em cũng hơi buồn. Do nhà trường không tổ chức khai giảng trực tuyến, nên em chỉ có thể theo dõi khai giảng qua tivi. Đây thực sự là ngày khai giảng đáng nhớ của em".

Cô giáo Hứa Thị Lan Hương, Hiệu trưởng Trường THCS Lũng Vài, huyện Văn Lãng cho biết: “Mặc dù đã chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho Lễ Khai giảng đầu năm học cách đây 1 tháng, nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh, toàn huyện bị giãn cách xã hội nên nhà trường không thể tổ chức khai giảng tại trường. Thiệt thòi hơn cho các em học sinh, do trường thiếu thốn trang thiết bị, gia đình các em học sinh phần lớn là học sinh DTTS cũng không có đủ phương tiện, nên nhà trường không thể tổ chức khai giảng trực tuyến. Sau giãn cách xã hội, nhà trường sẽ có phương án chào đón năm học mới cho các em học sinh”.

Tại Nghệ An: 8 em đại diện cho 850.000 học sinh toàn tỉnh dự lễ khai giảng tại Trường Chuyên Phan Bội Châu. Đây là Lễ Khai giảng đặc biệt chưa từng có trong tiền lệ. Bởi năm học này do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nên các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và 16.

Còn tại tỉnh Kon Tum, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngành Giáo dục Kon Tum tổ chức Lễ Khai giảng tại Trường THPT Duy Tân. Giáo viên, phụ huynh, học sinh theo dõi buổi lễ qua sóng của Đài Phát thanh và Truyền hình Kon Tum. Để bảo đảm an toàn trong điều kiện dịch bệnh, Lễ Khai giảng với sự tham dự của lãnh đạo UBND tỉnh, Sở GD&ĐT Kon Tum và 40 học sinh đại diện của 4 trường trên địa bàn.

Năm học 2021 - 2022, toàn tỉnh có 135 trường mầm non, 97 trường tiểu học, 51 trường tiểu học - THCS, 62 trường THCS và 28 trường THPT. Trong năm học mới, toàn tỉnh có 164.300 trẻ mầm non và học sinh phổ thông. Trong đó học sinh DTTS khoảng 92.400 em. Vào ngày 6/9, tất cả học sinh trên địa bàn toàn tỉnh Kon Tum sẽ bước vào năm học mới, các trường tiểu học, THCS, THPT tổ chức dạy học theo hình thức trực tuyến. Tổ chức dạy học theo hình thức học tập có hướng dẫn đối với những học sinh không có đủ điều kiện để tham gia các lớp học trực tuyến. Riêng, các trường Phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) chức dạy học theo hình thức trực tiếp.

Tại hai tỉnh có đông đồng bào Khmer sinh sống nhất khu vực Tây Nam Bộ là Trà Vinh và Sóc Trăng thì phải lùi ngày khai giảng năm học mới để đảm bảo công tác phòng, chống dịch.

Tỉnh Sóc Trăng sẽ dựa vào cấp độ nguy cơ của từng vùng, từng địa phương mà triển khai khai giảng. Dự kiến Lễ Khai giảng sẽ tổ chức vào ngày 10/9 (thời gian khai giảng không kéo dài quá 60 phút) đối với “vùng xanh”, “vùng vàng”; còn “vùng cam”, “vùng đỏ” không tổ chức khai giảng. Từ ngày 11 - 14/9, ổn định nề nếp, sắp xếp tổ chức lớp, tạo điều kiện cho học sinh đầu cấp làm quen với trường lớp, nhất là trẻ mầm non và học sinh lớp 1.

Tại Trà Vinh, UBND tỉnh đã ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2021 - 2022 đối với các cấp học trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các bậc giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh sẽ tựu trường từ ngày 15 -17/9 và tổ chức Lễ Khai giảng năm học mới vào ngày 20/9.

Các em học sinh Trường PTDTNT Lào Cai trong ngày khai giảng. (Ảnh: Trọng Bảo)
Các em học sinh Trường PTDTNT Lào Cai trong ngày khai giảng. (Ảnh: Trọng Bảo)

Đảm bảo nghiêm quy định phòng chống dịch

Bên cạnh những địa phương bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh phải khai giảng trực tuyến, thì có nhiều địa phương may mắn hơn khi dịch bệnh đã được kiểm soát, các em học sinh có thể đến trường để chào đón năm học mới. Tuy nhiên Lễ Khai giảng cũng được diễn ra nhanh gọn, bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh.

Sáng ngày 5/9, hơn 227.000 học sinh ở các cấp học trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã bước vào năm học mới 2021 - 2022.

Tại Trường PTDTNT tỉnh Lào Cai, để bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh, chỉ có học sinh khối 10 tham gia trực tiếp buổi Lễ Khai giảng, còn học sinh khối 11, 12 theo dõi buổi lễ trực tuyến tại các lớp học.

Là nơi đào tạo văn hóa cho con em đồng bào các dân tộc trong tỉnh, trong những năm qua trường PTDTNT tỉnh Lào Cai luôn cố gắng nâng cao chất lượng dạy và học. Hàng năm, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT của nhà trường luôn đạt 100%, tỷ lệ học sinh khá, giỏi luôn đứng trong tốp đầu khối các trường THPT trong tỉnh… Năm học 2021 - 2022, nhà trường có 525 học sinh. Với chủ đề của năm học: “Vì học sinh thân yêu; xây dựng trường học hạnh phúc; đổi mới và hội nhập”, thầy và trò nhà trường quyết tâm giành nhiều kết quả cao hơn nữa trong năm học mới, xứng đáng là cái “nôi” đào tạo nguồn cán bộ DTTS của tỉnh. Đồng thời, nêu cao tinh thần phòng, chống dịch bệnh để mỗi trường học là một “pháo đài” mỗi thầy cô giáo, học sinh là một “chiến sĩ” chung tay để đẩy lùi dịch bệnh, để cuộc sống sinh hoạt học tập được sớm trở lại bình thường.

Còn tại Trường Mầm non Pú Hồng, huyện Điện Biên Đông (Điện Biên) - nơi học tập của phần lớn con em đồng bào DTTS, Lễ Khai giảng năm nay tổ chức tại điểm trung tâm, với gần 20 trẻ 5 tuổi. Số trẻ này sẽ tham dự chung với 2 cấp tiểu học và THCS. Hay tại Lễ Khai giảng của thầy và trò điểm bản Nậm Pó, thuộc Trường Tiểu học số 1 Na Sang, huyện Mường Chà (Điện Biên) hết sức đơn giản nhưng đầy ấm cúng. Không trống, không hoa, nhưng thầy giáo và 41 học sinh lớp 1, 2 cùng hướng về bảng đen, phấn trắng và lá cờ Tổ quốc hát vang bài Quốc ca đầy tự hào.

Tại tỉnh Bắc Giang, sáng 5/9, ông Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bắc Giang đến dự lễ khai giảng năm học 2021 - 2022 tại Trường Tiểu học thị trấn Cao Thượng, huyện Tân Yên (Bắc Giang).

Với phương châm “Học sinh tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học”, “dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt”, cùng với các đơn vị giáo dục khác trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, Trường Tiểu học thị trấn Cao Thượng đã xây dựng kế hoạch tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp với dạy học trực tuyến. Năm nay, Trường có khoảng 1.000 học sinh với 50 cán bộ, giáo viên. Trước tình hình dịch bệnh có nhiều diễn biến khó lường, nhà trường đã xây dựng và thực hiện linh hoạt, sáng tạo kế hoạch giáo dục để sẵn sàng ứng phó với dịch Covid-19, với 3 phương án tổ chức dạy học.

Không khí khai giảng tại Trường Tiểu học Tình Húc, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh (Ảnh: Nghĩa Hiệp)
Không khí khai giảng tại Trường Tiểu học Tình Húc, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh (Ảnh: Nghĩa Hiệp)

Còn tại Quảng Ninh, do kiểm soát tốt dịch bệnh nên toàn bộ các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đều khai giảng trực tiếp tại trường. Năm học này, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 646 cơ sở giáo dục, với 10.453 lớp, trên 321.000 học sinh, trẻ mầm non. Huyện miền núi Bình Liêu có 24 trường, 1 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên, với hơn 8.000 học sinh. 

25 địa phương khai giảng trực tuyến hoặc trên truyền hình, 6 địa phương không tổ chức khai giảng.

Một số tỉnh, thành phố không tổ chức khai giảng năm học mới 2021 - 2022 là TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Hậu Giang… Một số địa phương như Hà Nội, Bắc Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế… tổ chức lễ khai giảng tại 1 trường học duy nhất và buổi lễ được phát trên sóng truyền hình.

Những địa phương không ghi nhận các ca mắc Covid-19 mới hoặc không có ca lây nhiễm thứ phát trong 14 ngày vừa qua như Phú Thọ, Thái Bình, Yên Bái, Hà Giang… chọn hình thức khai giảng trực tiếp, hoặc trực tuyến tùy theo điều kiện cụ thể của từng trường. Bên cạnh đó, một số tỉnh phải lùi ngày khai giảng do dịch bệnh còn phức tạp (Trà Vinh, Sóc Trăng...).