Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Một năm thực hiện Nghị quyết 128: "Làn gió" giúp nghệ thuật hồi phục

PV - 17:28, 13/10/2022

Sau một thời gian các hoạt động nghệ thuật “đóng băng” do dịch COVID-19, thì sự ra đời của Nghị quyết 128/NQ-CP đã thực sự như làn gió mát lành, tiếp sức cho các đơn vị nghệ thuật, các nghệ sĩ.

Một cảnh trong vở cải lương Nợ nước non. (Nguồn: Nhà hát Cải lương Việt Nam)
Một cảnh trong vở cải lương Nợ nước non. (Nguồn: Nhà hát Cải lương Việt Nam)

Sau 1 năm thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, cùng với chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, các hoạt động văn hóa giải trí, nghệ thuật biểu diễn chuyên nghiệp trên khắp mọi miền đất nước cũng từng bước được mở cửa trở lại, phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân trong nước và du khách quốc tế trong bối cảnh mới.

Nghệ thuật biểu diễn “nở hoa”

Cách đây 1 năm, ngày 11/10/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Hướng dẫn tạm thời thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch. Hướng dẫn đã quy định cụ thể đối với từng hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch theo từng cấp độ cụ thể.

Đối với hoạt động của thư viện, rạp chiếu phim, địa điểm biểu diễn văn hóa, nghệ thuật giảm 50% lượng khách, khán giả, độc giả phục vụ; địa bàn có dịch cấp độ 3 giảm 70%, cấp độ 4 thì dừng các hoạt động.

Các hoạt động di tích, bảo tàng, ở nơi dịch cấp độ 2 chỉ đón tiếp, phục vụ các đoàn tham quan không quá 20 người, nơi dịch có cấp độ 3 thì đón không quá 10 người và đảm bảo tuân thủ các yêu cầu phòng, chống dịch theo quy định…

Ngay sau đó, từ ngày 21-27/10/2021, với phương châm phải cố gắng nối lại “mạch đập kịch trường” để các sân khấu hàng đêm được sáng đèn, nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng..., Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức Tuần lễ kỷ niệm 100 năm sân khấu kịch nói Việt Nam tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Trong tuần lễ sân khấu này, các đơn vị nghệ thuật đã biểu diễn những vở kịch nổi tiếng, cùng với gala "Tinh hoa hội tụ 100 năm sân khấu kịch nói Việt Nam" do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và Hội Nghệ sĩ Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức đã để lại nhiều ấn tượng với khán giả.

Tiếp theo đó, hàng loạt sự kiện lớn của ngành sân khấu đã diễn ra ở cả 3 miền Bắc- Trung-Nam. Có thể kể đến Liên hoan kịch nói toàn quốc năm 2021 diễn ra tại thành phố Hải Phòng từ ngày 5-16/11/2021 với sự tham gia của 14 đơn vị, 20 vở diễn với hơn 600 nghệ sĩ, diễn viên của các đơn vị nghệ thuật Trung ương và địa phương.

Liên hoan ca, múa, nhạc toàn quốc 2021 đợt 1 từ ngày 18-28/11/2021 tại thành phố Hải Phòng với sự tham gia của 19 đơn vị ca, múa, nhạc chuyên nghiệp trên toàn quốc; Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021 diễn ra từ ngày 3-17/1/2022 tại Thành phố Hồ Chí Minh với sự tham dự của 20 đơn vị sân khấu tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam với 26 vở diễn và gần 800 nghệ sĩ, diễn viên tham gia.

Gần đây nhất, Liên hoan sân khấu Thủ đô lần thứ V, năm 2022 diễn ra từ ngày 25/9 đến ngày 2/10/2022 với sự tham dự của 13 đơn vị nghệ thuật với 13 vở diễn về đề tài Hà Nội đã để lại ấn tượng tốt đẹp, mang đến cho công chúng Thủ đô nhiều cung bậc cảm xúc.

Tiếp theo đây, Liên hoan Chèo toàn quốc năm 2022 sẽ diễn ra từ ngày 12-28/10 tại tỉnh Hà Nam, quy tụ hàng ngàn diễn viên với 27 vở diễn đặc sắc.

Cùng với các sự kiện sân khấu lớn với sự tham gia của hàng chục đơn vị nghệ thuật, các nhà hát ở cả hai miền Nam-Bắc, các nhà hát cũng liên tục ra mắt vở diễn mới để phục vụ công chúng ngay khi Nghị quyết 128/NQ-CP ban hành.

Nhà hát Kịch Việt Nam mở màn với việc ra mắt vở kịch nói "Thiên mệnh" - vở kịch lịch sử về cuộc đời của Thái sư Trần Thủ Độ vào tối 3/11/2021. Tiếp đó, đến tháng 3/2022, Nhà hát Kịch Việt Nam biểu diễn vở hài kịch “Nghêu, Sò, Ốc, Hến” và vở "Bệnh sỹ" phục vụ công chúng.

Vở kịch Dế Mèn dựa trên tác phẩm bất hủ Dế Mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài. (Ảnh: Sân khấu Lệ Ngọc)
Vở kịch Dế Mèn dựa trên tác phẩm bất hủ Dế Mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài. (Ảnh: Sân khấu Lệ Ngọc)

Tháng 4/2022, Nhà hát đã cho ra mắt chương trình nghệ thuật “Hồ Chí Minh - Tên Người sáng mãi” với 3 vở kịch ngắn “Đôi mắt sáng”, “Đoàn kết là sức mạnh”, “Bác Hồ và mùa xuân năm ấy.”

Gần đây nhất, tháng 9/2022, Nhà hát Kịch Việt Nam ra mắt vở “Người yêu hoa hậu” và hai vở diễn phục vụ khán giả thiếu nhi nhân dịp mùa Trung thu là “Ăn quả trả vàng,” “Huc - Cuộc chiến thuyền trưởng.” Đầu tháng 10/2022, Nhà hát ra mắt vở nhạc kịch dành cho giới trẻ “Alice ở xứ sở diệu kỳ"

Nhà hát Múa rối Việt Nam cũng ra mắt hàng loạt chương trình, vở diễn, có thể kể đến loạt tác phẩm múa rối mừng Xuân Nhâm Dần , chương trình “Múa rối du xuân với 5K”.

Khi các hoạt động du lịch được mở cửa trở lại, Nhà hát múa rối Việt Nam đã cho ra mắt chương trình nghệ thuật đặc biệt phục vụ khán giả trong nước và quốc tế mang tên “Âm vang đồng quê,” có sự kết hợp hài hòa giữa múa rối cạn và múa rối nước, âm nhạc, vũ đạo truyền thống với đương đại giúp công chúng khám phá vẻ đẹp, đặc trưng văn hóa của các dân tộc, vùng miền trên đất nước Việt Nam.

Chương trình diễn ra thường kỳ vào thứ 7 hàng tuần tại Nhà hát múa rối Việt Nam. Gần đây nhất, Nhà hát Múa rối Việt Nam liên tục “cháy” vé khi biểu diễn các chương trình nghệ thuật phục vụ Trung thu chủ đề “Trung thu cho em,” “Vui hội đêm Rằm.”

Nhà hát Cải lương Việt Nam ra mắt vở cải lương “Nguyễn cầm ca - Kiều” vào cuối tháng 11/2021; phối hợp với Liên đoàn Xiếc Việt Nam ra mắt vở “Thượng Thiên Thánh Mẫu (1/2022). Tháng 5/2022, Nhà hát Cải lương Việt Nam phối hợp với Đoàn nghệ thuật UNESCO di sản dân ca xứ Nghệ công diễn vở sân khấu “Nợ nước non” tại Hà Nội, sau đó tiếp tục đi biểu diễn ở một số địa phương như Nghệ An, Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Huế (Thừa Thiên-Huế), thành phố Phan Thiết (Bình Thuận) và một số nơi khác.

Tháng 9/2022, Nhà hát Cải lương Việt Nam tại tiếp tục ra mắt vở “Bất tử với Thăng Long” được công chúng yêu nghệ thuật đánh giá cao.

Liên đoàn Xiếc Việt Nam biểu diễn chương trình “Ngũ hổ đón Xuân,” tiếp theo đó là nhiều chương trình xiếc đặc biệt biểu diễn phục vụ các ngày lễ lớn như “Quê hương ba miền”; chào mừng ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6, chương trình Trung thu với các vở diễn “Chúa tể rừng xanh”, “Biệt đội Anh hùng”

Nhà hát Tuổi trẻ cũng sáng đèn trở lại với vở nhạc kịch “Sóng”“Trại hoa vàng” vào tháng 3/2022, các đêm diễn đã thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng.

Đặc biệt, vào mùa hè 2022, Nhà hát Tuổi trẻ tổ chức dự án nghệ thuật đặc biệt “Mùa hè yêu thương” với 3 tác phẩm sân khấu dành cho thiếu nhi. Đó là nhạc kịch “Bầy chim thiên nga,”2 vở kịch là “Cuộc chiến Virus” cùng “Vaxilixa và phù thủy độc ác.”

Mới đây, trong tháng 9/2022, Nhà hát Tuổi trẻ ra mắt vở nhạc kịch "Rồi tôi sẽ lớn," vở “Hedda Gabler”… thu hút đông đảo khán giả đến xem.

Sân khấu Kịch Lệ Ngọc cũng đã có một chuỗi hàng chục đêm diễn thành công tại Nhà hát Lớn Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 2-3/2022 với các vở “Làm vua,” “Nước mắt của mẹ”, “Vụ án người đốt đền.”

Đầu tháng 4/2022, Sân khấu Lệ Ngọc ra mắt vở kịch “Vang bóng một thời” và nhận được sự yêu mến của đông đảo công chúng. Mùa thu 2022, Sân khấu Lệ Ngọc mang đến cho khán giả chương trình kịch nghệ với chủ đề “Hoài niệm Hà Nội - Nỗi nhớ theo người đi xa” với 2 tác phẩm kịch lịch sử "Huyền tích chùa Một Cột""Lá đơn thứ 72"

Tiếp sức cho các đơn vị nghệ thuật và nghệ sĩ

Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam chia sẻ sau 2 năm sân khấu gần như “đóng băng” vì COVID-19, giữa lúc các đơn vị nghệ thuật, nghệ sĩ gặp rất nhiều khó khăn thì Nghị quyết 128/NQ-CP ra đời rất đúng lúc, kịp thời và phù hợp với mong mỏi chung của những người làm văn hóa nghệ thuật. Các nhà hát vui mừng vì được mở cửa trở lại, nghệ sĩ hạnh phúc vì vừa được làm nghề, biểu diễn để phục vụ công chúng và có thêm thu nhập.

Ảnh minh họa. (Nguồn: nhahatmuaroivietnam.vn)
Ảnh minh họa. (Nguồn: nhahatmuaroivietnam.vn)

Từ thực tiễn của Nhà hát Múa rối Việt Nam, kể từ khi Nghị quyết 128/NQ-CP được ban hành và đi vào đời sống, hoạt động biểu diễn của Nhà hát khởi sắc mạnh mẽ, nhiều chương trình nghệ thuật, vở diễn ra mắt, thu hút đông đảo công chúng. Từ đầu năm 2022 đến nay, Nhà hát đã có trên 200 buổi biểu diễn ở trong nước và quốc tế, phục vụ hàng chục ngàn lượt khán giả.

“Tôi tin rằng, không chỉ riêng Nhà hát Múa rối Việt Nam, mà hầu hết các đơn vị nghệ thuật biểu diễn, các nghệ sỹ, mà người dân cả nước đều rất vui mừng khi Nghị quyết 128/NQ-CP ra đời. Bởi hoạt động nghệ thuật biểu diễn nói riêng, hoạt động văn hóa, nghệ thuật nói chung đều rất quan trọng đối với đời sống tinh thần của người dân,” Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Tiến Dũng bày tỏ.

Tiến sĩ Cao Ngọc, nhà nghiên cứu lý luận, phê bình sân khấu cho rằng, Nghị quyết 128/NQ-CP ban hành đã đưa sân khấu Việt sôi động trở lại. Nhiều sự kiện lớn của ngành sân khấu đã liên tiếp diễn ra ở cả 3 miền Bắc-Trung-Nam như liên hoan kịch nói toàn quốc, liên hoan ca múa nhạc chuyên nghiệp, liên hoan sân khấu Thủ đô…

Các đơn vị nghệ thuật cũng nhanh chóng bắt tay vào tập luyện và cho ra mắt những tác phẩm sân khấu có chất lượng, một số đơn vị nghệ thuật như Sân khấu Lệ Ngọc, Nhà hát Tuổi trẻ… đã hòa nhập rất nhanh, hoạt động sôi động trở lại và thu hút đông đảo công chúng đến thưởng thức nghệ thuật. Điều đó cho thấy, sự ra đời của Nghị quyết 128/NQ-CP là đúng đắn, kịp thời, giúp các đơn vị nghệ thuật, các nghệ sĩ có động lực để tiếp tục sáng tạo và cống hiến.

Nghệ sĩ Ưu tú Quang Khải, Nhà hát Cải lương Việt Nam chia sẻ, với người nghệ sỹ không có gì hạnh phúc bằng được biểu diễn, giới thiệu sản phẩm nghệ thuật, thể hiện khả năng với khán giả. Trong 2 năm đại dịch, sân khấu phải đóng cửa, rất nhiều nghệ sĩ đã sử dụng các nền tảng mạng xã hội để biểu diễn online, giao lưu trò chuyện với khán giả như để thỏa ước mong được làm nghề.

Chính vì vậy, khi Nghị quyết 128/NQ-CP ra đời, nghệ sỹ có cơ hội được trở lại sân khấu - thánh đường nghệ thuật của chính mình và được phục vụ khán giả là niềm hạnh phúc của người làm nghệ thuật. Đây là cảm giác chung của rất nhiều nghệ sĩ.

Chị Nguyễn Thu Nga (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ suốt một thời gian dài dịch bệnh diễn biến phức tạp, gây bao đau thương, mất mát cho nhiều gia đình. Rồi cả xã hội phải giãn cách cũng là lúc người dân vô cùng căng thẳng, hoang mang, thậm chí là tổn thương tâm lý… nên chắc chắn cộng đồng người dân có nhu cần được giải trí, thưởng thức các chương trình nghệ thuật để giảm bớt cảm giác "đói" văn hóa. Vì thế, ngay khi sân khấu mở cửa, gia đình chị đã tìm hiểu các nhà hát, đưa nhau đi xem kịch, nghe nhạc… để giải trí, thư giãn, khi đó mọi thành viên đều vui vẻ, phấn khởi, hạnh phúc hơn nhiều.

Có thể nói, sau một thời gian các hoạt động nghệ thuật “đóng băng” do dịch COVID-19, thì sự ra đời của Nghị quyết 128/NQ-CP đã thực sự như làn gió mát lành, tiếp sức cho các đơn vị nghệ thuật, các nghệ sĩ.

Hàng loạt vở diễn ra đời, nhiều sự kiện sân khấu lớn được tổ chức khiến cho đời sống văn hóa, nghệ thuật sổi nổi và phong phú. Từ đó, đời sống tinh thần của người dân được nâng lên, góp phần không nhỏ vào nỗ lực phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước sau đại dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Chính phủ.

Những thực tế đó đã chứng minh, Nghị quyết 128/NQ-CP ra đời là hết sức đúng đắn, kịp thời, phù hợp, có ý nghĩa quyết định với việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, mở cửa trở lại, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.