Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Chương trình 1719

Một lần được “tình tự” tại chợ Khâu Vai

Vũ Mừng - 08:33, 06/05/2024

Khâu Vai không chỉ đẹp bỡi phong cảnh núi non hoang sơ, trùng điệp, kết với màu xanh óng ánh của lớp lớp những nương ngô ẩn hiện trong nền mây thấp, mà còn đẹp bởi ở đây có phiên chợ phong lưu.

Chợ tình Khâu Vai ẩn hiện trong sương sớm
Chợ phong lưu Khâu Vai ẩn hiện trong sương sớm

Sau bao nỗ lực dựng xây của chính quyền, cán bộ và đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang, con đường từ Mèo Vạc qua Cán Chu Phìn, Lũng Pù để vào Khâu Vai dài 22 cây số, lượn dưới chân dãy núi Sán Séo Tỉ ngất trời, băng qua những rừng đá, nương đá, nhấp nhô, đã được mở rộng thênh thang và trải nhựa từ nhiều năm về trước. Để hôm nay, tôi - một người khách từ phương xa tới được băng băng lái xe thu vào tầm mắt khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ giữa mênh mông đá xám. Và cũng được “nghiện” luôn cái không khí chộn rộn, náo nức của người đi chơi chợ. Dù rằng còn những một ngày, một đêm nữa, phiên chợ đặc biệt miền biên ải ấy mới chính thức khai mạc!

Bâng khuâng nhớ mấy câu hát: “Người ơi xuống núi cùng em, hãy mang theo ngựa và đi một mình, em đây tuy chẳng còn xinh, có ô che nắng chợ tình phong lưu” mà tự nhiên trong lòng cũng thấy rộn ràng như thể có người năm xưa đang khẩn thiết chờ đợi. Mà kể có thật đi chăng nữa thì cũng biết tìm đâu giữa trăm hồng nghìn tía Khâu Vai lúc này!

Dòng người tấp nập đổ về phiên chợ
Dòng người tấp nập đổ về phiên chợ

Thế rồi, đợi chờ mãi thì phiên chợ cũng tới. Đi chợ phong lưu lần đầu không mấy ai phải hỏi đường. Vào đến Khâu Vai rồi cứ nơi nào có tiếng khèn, tiếng hát, tiếng cười đùa mà bước tới. Ai ở miền xuôi mà biết và yêu đất Hà Giang thì cũng coi đây như là một địa danh nhất định phải tới ít nhất một lần! Cũng có khi, giới ưa xê dịch gọi đó là “Chợ tình Khâu Vai”. Nhớ ngày nghe cái cụm từ đầy chất thơ ấy, tôi đã phải lần hồi dò hỏi tại sao lại là “chợ tình”? Và hiểu thế nào đây về chữ “tình” trong phiên chợ?

Ngồi chuyện trò cùng Trưởng phòng dân tộc huyện Mèo Vạc Nông Văn Ngay, anh thủ thỉ, bản chất thứ nhất, đầu tiên và bao trùm của chợ là mua bán, trao đổi hàng hóa, thứ đến mới là giao lưu. Người già đến đó để tâm tình, người trẻ chưa có vợ, có chồng thì coi đó là nơi, là dịp để tìm hiểu nhau. Còn một điểm rất giàu giá trị nhân bản, như ở Khâu Vai, những người thời trẻ yêu nhau nhưng không lấy được nhau, đến chợ gặp nhau để tâm sự, hỏi thăm giờ sống ra sao, có hạnh phúc không… Nếu hạnh phúc thì chúc mừng, nếu éo le thì an ủi. Người chồng, người vợ của mình cũng thông cảm mà không ghen tị. Ý nghĩa nhân văn đó nói lên cái đẹp, cái tình của người đến chợ vậy.

Ánh mắt tìm người bạn thân thiết giữa dòng người
Ánh mắt tìm người bạn thân thiết giữa dòng người

Trở lại truyền thuyết gắn liền với phiên chợ, với câu chuyện tình yêu đẹp mà buồn giữa chàng Ba, người dân tộc Nùng và nàng Út, người dân tộc Giáy. Dù rất yêu nhau nhưng vì gia đình ngăn cấm và tục lệ của dân tộc nên hai người đã gạt nước mắt chia tay với lời thề: Dù không lấy được nhau nhưng mỗi năm, cứ đến ngày 27/3 âm lịch họ lại lên Khâu Vai hát cho nhau nghe, kể với nhau những thầm kín ấp ủ trong lòng trong suốt một năm cách. Họ tâm tình, ca hát hết đêm rồi sáng hôm sau lại trở về với cuộc sống thường nhật. Ngày cuối cùng của cuộc đời, họ lại đến với nhau và cùng ra đi đúng vào ngày 27/3 âm lịch. Dân làng thương tiếc về mối lương duyên trắc trở này nên đã dựng lên miếu thờ Ông, thờ Bà và lấy ngày này làm ngày họp chợ cho các đôi trai gái lỡ duyên. Cũng do bản sắc ca ngợi tình yêu lứa đôi trong sáng này mà chợ phong lưu Khâu Vai giờ được tổ chức như một lễ hội, một sản phẩm du lịch cho du khách đến tham quan tìm hiểu văn hóa.

Đoàn rước dâng hương miếu Ông, miếu Bà
Đoàn rước dâng hương miếu Ông, miếu Bà

Trong khuôn khổ lễ hội chợ phong lưu Khâu Vai năm 2024, du khách sẽ được tham gia trải nghiệm nhiều hoạt động đặc sắc, hấp dẫn mang đậm bản sắc như: Lễ dâng hương miếu Ông, miếu Bà; Lễ cầu duyên, cầu an; Trình diễn, giao lưu thổi Khèn Mông; Nghe hát dân ca dân tộc Nùng, dân tộc Giáy; Dự hội múa trống đồng, múa nhảy lửa của dân tộc Lô Lô… Và tham quan những gian hàng triển lãm, trưng bày các sản phẩm du lịch địa phương. Thế nên, dịp này cũng là ngày hội thực sự của cộng đồng các dân tộc anh em cùng sinh sống tại Mèo Vạc nói riêng và mảnh đất Hà Giang nói chung.

Nụ cười duyên của cô gái Mông
Nụ cười duyên của cô gái Mông

Trong phiên chợ, ta sẽ bắt gặp cô gái Lô Lô tìm về từ các bản làng của xã Xín Cái bốn mùa chìm trong mây trắng tinh như bông gòn, các bà, các mẹ người Dao rảo bước đi bộ từ Sủng Máng cách đó hơn chục cây số. Duyên dáng hơn là những cô gái người Mông ở Pả Vi rủ nhau tới chợ để khoe bộ váy vừa thêu xong vẫn còn nguyên nếp hồ hay chàng trai Khâu Vai khoe điệu khèn tình tứ. Thắng cố, rượu ngô là thứ được nhiều người thích nhất. Chảo bắc như chạm vào đỉnh núi, chóe rượu xếp trần thung, như ruộng dưa hấu dưới đồng bằng. Hay để chắc cái bụng hơn thì ăn một bát xôi bảy màu dẻo thơm mùi thảo mộc, ăn một lần sẽ nhớ mãi.

Người ta đi chợ để chơi, để xem, để tìm nhau, hò hẹn nhau, giao đãi nhau…
Người ta đi chợ để chơi, để xem, để tìm nhau, hò hẹn nhau, giao đãi nhau…

Trải khắp một không gian rộng lớn trên đồi, dưới thung là những đám quay, ném pao, múa khèn… Tách ra, rải rác đó đây trên những vạt rừng thưa thoáng là những tay ô, những tiếng kèn lá, đàn môi, những tiếng hát rủ nhau, chài nhau, đuổi nhau vang vọng.

Vậy đó, người ta đi chợ để chơi, để xem, để tìm nhau, hò hẹn nhau, giao đãi nhau… Có người đi chợ mang hàng về. Có người đi chợ mang “vợ” về! Giống như nhà thơ Trương Hữu Thiêm từng tình tự: Có vợ đem theo vợ/ Có chồng rủ cả chồng/ Không có cứ đến chợ/ Sẽ gặp người đi không…