Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Mỗi người dân là một chiến sĩ chống dịch

Thanh Hải - 12:52, 07/09/2021

Không chỉ có lực lượng thường trực như y bác sỹ, quân đội, công an... những chiến sĩ trên trận tuyến chống dịch hôm nay còn có thêm những sinh viên, nông dân, tăng ni... và bao người dân bình thường khác. Tất cả chung nhau một ý chí, một quyết tâm, một trách nhiệm: Phòng chống và đẩy lùi dịch bệnh.

Thanh niên tình nguyện làm nhiệm vụ đo thân nhiệt tại chốt kiểm soát dịch bệnh
Thanh niên tình nguyện làm nhiệm vụ đo thân nhiệt tại chốt kiểm soát dịch bệnh

Nhớ lại thời kỳ kháng chiến giành độc lập dân tộc, khẩu hiệu “mỗi người dân là chiến sĩ” đã là "sợi chỉ đỏ" trong hành trang cứu nước của mỗi người. "Sợi chỉ đỏ" ấy đã biến thành hành động dũng cảm, thành ý chí kiên cường, thành khát vọng chính đáng để chúng ta đánh bại các thế lực thù địch, giữ vững chủ quyền quốc gia.

Hôm nay đây, khi cả nước đang đối mặt với làn sóng đại dịch Covid-19 thứ 4 đầy phức tạp, nguy hiểm, “hao người tốn của”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến vào cuối tháng 8/2021 với các tỉnh phía Nam rằng: “Các xã, phường phải là pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ”.

Còn nhớ, trong lời kêu gọi cả nước chống dịch, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng đã phát đi thông điệp: “Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh”.

Rõ ràng, “mỗi người dân là một chiến sĩ chống dịch” đã là khẩu hiệu xuyên suốt trong những tháng ngày đã qua và sẽ lại là những ngày kế tiếp, khi cả nước cùng đối phó với Sars-Cov-2. 

Không chỉ là đội ngũ thường trực với quân đội, công an, y bác sỹ... những chiến sĩ trên trận tuyến với kẻ thù Sars-Cov-2 hôm nay đã có thêm những học sinh, sinh viên, nông dân, tăng ni, phật tử, nghệ sĩ... và bao người dân bình thường khác. Tất cả họ cùng chung một ý chí, một quyết tâm, một trách nhiệm... phòng chống và đẩy lùi dịch bệnh.

Tinh thần “chống dịch như chống giặc”, “cả nước chung tay chống dịch”… đã như là mệnh lệnh thúc giục con tim bao người tự nguyện xông pha trên trận tuyến chống Covid-19. Khắp từ Bắc chí Nam, đã xuất hiện hàng ngàn bếp ăn thiện nguyện hỗ trợ người dân vùng dịch, nhiều người đã tự nguyện đứng ra kêu gọi đóng góp tiền, hiện vật hỗ trợ những lực lượng làm nhiệm vụ chống dịch…

Những tình nguyện viên góp sức tại bếp ăn nghĩa tình trong mùa dịch
Những tình nguyện viên góp sức tại bếp ăn nghĩa tình trong mùa dịch

Hoa hậu H'Hen Niê - một người con của buôn làng Tây Nguyên, đã từng tham gia nhiều hoạt động tình nguyện phòng, chống dịch Covid-19. Trong chương trình “Triệu túi an sinh” hỗ trợ người dân vùng dịch do cô làm Đại sứ, H'Hen Niê đã rất xúc động và tin rằng, với sự ảnh hưởng nhất định của bản thân với công chúng, cô sẽ cùng mọi người kêu gọi được nhiều phần quà hỗ trợ người dân bị dịch bệnh bủa vây. H'Hen Niê nhấn mạnh: H'Hen và các bạn hãy tham gia ủng hộ Chương trình để khẩn trương mang hàng triệu túi an sinh gửi đến cho đồng bào cả nước nhé. “Triệu túi an sinh” là triệu câu chuyện, triệu niềm hy vọng được thắp lên, để không ai bị bỏ lại phía sau.

Chẳng thể ngồi yên khi dịch bệnh bủa vây, khi kẻ thù Sars-Cov-2 đang hoành hành, bao người dân bình thường đã tình nguyện tham gia trực chốt chống dịch, tình nguyện tham gia ship hàng miễn phí cho người dân vùng cách ly, tình nguyện tham gia tổ giám sát dịch cộng đồng… Hơn hết, họ còn là “tai mắt”, là cánh tay nối dài của hệ thống chính trị ở cơ sở trong việc giám sát, phát hiện những trường hợp vi phạm các quy định phòng dịch bệnh.

Trong cuộc chiến với dịch Covid-19 hôm nay, tôi còn bắt gặp trong đoàn quân tình nguyện chống dịch là nông dân, thanh niên… đậm chất thôn quê; là những thành viên của các tổ chức xã hội như cựu chiến binh, phụ nữ, người cao tuổi… ở mỗi thôn, bản. Mới hôm qua, hôm kia thôi, họ còn là những nông dân chân chất chỉ biết quẩn quanh với ruộng vườn, nương bãi; là những thanh niên “ăn chưa no, lo chưa tới”… mà nay đã hóa thành những chiến sĩ trên mặt trận chống dịch. Tâm thế tình nguyện ấy, khí thế cống hiến, sẻ chia ấy đang là nội lực quý giá để chúng ta sớm đẩy lùi sự lây lan của dịch bệnh.

Anh Nguyễn Bá Thống, tình nguyện viên tham gia trực chốt chống dịch tại xã Liên Thành huyện Yên Thành (Nghệ An) kể: "Dịch bệnh ập đến khiến công việc phập phù, nên tôi tình nguyện tham gia trực chốt trong những ngày địa phương thực hiện Chỉ thị 16. Tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng, mình đóng góp thêm tí công sức thì sẽ góp phần cùng mọi người ngăn chặn dịch bệnh lây lan tốt hơn".

Phải khẳng định rằng, có thêm những học sinh, sinh viên, nông dân, tăng ni, nghệ sĩ... và bao người dân bình thường khác cùng tham gia chống dịch thì những khó khăn, vất vả khi đối đầu với kẻ thù Sars-Cov-2 đã được san sẻ cho rất nhiều người. Những đôi vai của những con người bình dị, chìa lưng tự nguyện gánh thêm trách nhiệm, sẻ chia nhiệm vụ chống dịch cùng với Đảng và Chính phủ, đã tạo ra một thế trận “toàn dân chống dịch” vững chắc.

Lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta  đã chứng minh rằng: Chúng ta chưa bao giờ thất bại khi tình đoàn kết được hun đúc, được kết tinh từ lòng yêu nước nồng nàn và ý chí quyết tâm của cả dân tộc trước một kẻ thù chung.

Các nhà sư cũng nhiệt tình tham gia ủng hộ phong trào chống dịch
Các nhà sư đã nhiệt tình ủng hộ, góp phần cùng cả nước chống dịch

Covid-19 đã gây ra quá nhiều mất mát, đau thương. Nhưng đã có ai sờn lòng? Đã có ai rời bỏ trận tuyến chống dịch vì quá khó khăn, vất vả, nguy hiểm. Chắc chắn là không! Trước kẻ thù Sars-Cov-2, ai cũng có thể là chiến sĩ, ai cũng có thể góp sức mình - dù là nhỏ nhất - cùng chống lại dịch bệnh.

Chúng ta đã có những khoảng lặng không cùng trong những ngày vừa qua, khi chiến đấu với dịch Covid-19. Nhưng ai cũng tin, rồi cả nước thanh bình sẽ lại sôi động trở lại sau những ngày dài chống chọi, đẩy lùi dịch bệnh. Ngày ấy, hẳn là sẽ không còn xa!

(Nội dung thông tin, tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/MQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)