Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Mở rộng tri thức cho học trò nghèo từ thư viện

Hoài Dương - 11:50, 09/06/2020

“Từ ngày có thư viện, các em học sinh đi học chuyên cần và ở lại trường nhiều hơn, ngay cả vào các ngày cuối tuần”. Đó là chia sẻ của thầy giáo Bùi Văn Phi, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) THCS xã Nậm Chà, huyện Nậm Nhùn (Lai Châu).

Thư viện đã tạo được thói quen đọc sách cho các em học sinh DTTS tại Trường PTDTBT THCS xã Nậm Chà, huyện Nậm Nhùn (Lai Châu)
Thư viện đã tạo được thói quen đọc sách cho các em học sinh DTTS tại Trường PTDTBT THCS xã Nậm Chà, huyện Nậm Nhùn (Lai Châu)

Từ Hà Nội, vượt qua hơn 700km những cung đường uốn lượn, chúng tôi đến với thầy trò Trường PTDTBT THCS xã Nậm Chà, là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Nậm Nhùn. Đây là ngôi trường có 100% học sinh là người DTTS Cống, Mông, Dao; cuộc sống còn rất nhiều khó khăn.

Dõi theo những em học sinh đua nhau chạy đến một căn phòng trên tầng 2 của dãy phòng học 2 tầng khang trang, thầy giáo Bùi Văn Phi cho hay, từ ngày trường có thư viện, học sinh thích đến trường lắm. Cuối tuần cũng không còn mong ngóng về nhà như trước, nhiều em còn xin ở lại để lên thư viện đọc truyện.

Đúng như lời thầy Phi, ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi bước vào thư viện là kho tàng sách báo rất phong phú, các giá sách kín cả căn phòng. Rất nhiều em học sinh đang chăm chú đọc sách, một nhóm khác đang tìm những quyển sách phù hợp với mình.

Bắt chuyện với em Lý Thị Kiều, học sinh lớp 6B, dân tộc Cống, bản Táng Ngá, em chia sẻ, sau giờ học trên lớp hoặc các ngày nghỉ cuối tuần em không còn thường xuyên về nhà nữa, mà cùng một số bạn đến thư viện tìm những cuốn truyện tranh và sách tham khảo để đọc.

“Trước đây, chúng em chỉ biết đến sách giáo khoa được nhà trường phát để học, không có cơ hội biết nhiều loại sách như thế này. Em thích nhất là truyện tranh, bởi vì truyện tranh vừa có hình ảnh đẹp, vừa có những câu chuyện hay, giúp em hiểu hơn về cuộc sống, về các nghề nghiệp trong xã hội, từ đó em mơ ước trở thành một cô giáo trong tương lai”, Kiều cho biết.

Được biết, thư viện của Trường được xây dựng từ tháng 9/2018, do Ngân hàng Bưu điện Liên Việt tài trợ. Từ những ngày đầu tiên thư viện đi vào hoạt động, các thầy, cô đã mất 1 - 2 tuần đầu hướng dẫn các em vị trí để các loại sách, báo, truyện tranh, hướng dẫn cách lấy, mượn và để lại sách sau khi đọc. Để thư viện hoạt động hiệu quả, nhà trường chú trọng nhất là công tác tuyên truyền, vận động và đưa ra các quy định bắt buộc học sinh mỗi lớp phải lên thư viện đọc sách ít nhất 1 lần/tuần.

Cách trường Nậm Chà không xa, thư viện The Morning VIII tại Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Chà, nơi có 523 em học sinh Cống, Dao, Mông cũng đã phát huy tốt hiệu quả hoạt động.

Theo thầy Lê Đình Chuyền, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Chà, Thư viện The Morning VIII của trường được Hệ thống Giáo dục Ban Mai, quận Hà Đông (Hà Nội) tài trợ xây dựng trên diện tích 60m2, với đầy đủ bàn ghế, hệ thống giá sách, máy tính, máy in, biển bảng cùng hơn 2.500 đầu sách. Thư viện đi vào hoạt động hơn 1 năm, đã mang lại một ý nghĩa rất thiết thực khi đã tạo được trong các em không khí vui tươi, niềm đam mê đọc sách.

Toàn huyện Nậm Nhùn hiện có 20 trường tiểu học và THCS thì đến nay, các trường đều đã có thư viện. Khẳng định giá trị và ý nghĩa mà thư viện mang lại, ông Vũ Tiến Hóa, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Nhùn vẫn đang trăn trở, bởi hơn một nửa số trường trong toàn huyện chưa được xây dựng thư viện riêng, mà phải tận dụng các lớp học hoặc bố trí không gian ngoài trời ảnh hưởng rất lớn tới công tác giảng dạy, cũng như chất lượng hoạt động và bảo quản các đầu sách. Cùng với đó, tình trạng thiếu nhân viên phụ trách thư viện cũng là một khó khăn mà phần lớn các trường đang gặp phải.