Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Mở đường cùng đồng bào thoát nghèo

Vũ Mừng - 11:30, 18/08/2024

Ai có dịp lên Hà Giang, tới thăm Cột cờ Quốc gia Lũng Cú, khi đi qua địa phận thôn Khía Lía, xã Thài Phìn Tủng, huyện Đồng Văn sẽ thấy màu xanh ngút ngàn của những vườn lê, những nương gừng nối nhau chạy dài giữa mênh mông đá xám. Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, với hơn 10 năm miệt mài trong hành trình “bắt đá nở hoa”, anh Vừ Dúng Tủa - Chủ nhân của mô hình phát triển kinh tế ấy được đồng bào dân tộc Mông nơi đây trân trọng gọi là “người mở đường”.

Thôn Khía Lía, xã Thài Phìn Tủng đang ngày một đổi thay với sự hiện diện của những ngồi nhà gạch kiên cố
Thôn Khía Lía, xã Thài Phìn Tủng đang ngày một đổi thay với sự hiện diện của những ngôi nhà gạch kiên cố

Đầu tháng 7, trời Đồng Văn trong xanh, thỉnh thoảng sau những khúc cua trên con đường dẫn về Khía Lía lại nghe vang vang tiếng xe tải leo dốc, oa oa báo còi. Mỗi chuyến xe vút qua để lại mùi thơm thoang thoảng của lê chín quyện vào áo người đi đường. Đó là những chuyến xe của thương lái chuyên thu mua lê chuyển về các tỉnh miền xuôi.

14 năm trước, ở tuổi 28, chàng trai người Mông Vừ Dúng Tủa một mực quả quyết: “Dù có đất tốt, có nương rộng thì cây ngô cũng không thể giúp người Mông ở Khía Lía làm giàu được. Phải tìm ra loại cây trồng đem lại lợi ích kinh tế lớn hơn thôi”. Đắn đo suy tính, lặn lội đi tìm hiểu mô hình trong tỉnh và tham khảo ý kiến cán bộ nông nghiệp huyện, Vừ Dúng Tủa chuyển đổi toàn bộ diện tích trồng ngô của gia đình sang trồng cây lê với niềm tin chắc chắn: “Cây lê phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu của địa phương và cho giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần so với ngô, lúa… Chưa có ai làm thì ta làm thử”.

Làm kinh tế giỏi nên năm 2021 người dân tín nhiệm bầu anh Vừ Dúng Tủa làm Trưởng thôn, tới năm 2022 anh trở thành Người có uy tín trong cộng đồng. Gắn bó với công tác chính quyền khiến Vừ Dúng Tủa hiểu thêm về đời sống kinh tế của người dân, ước mơ xóa nghèo cho Khía Lía càng thêm cháy bỏng.

Vừ Dúng Tủa say mê giới thiệu: “Lê là cây ăn quả ôn đới, phải trồng ở những nơi đủ lạnh mới phân hóa mầm hoa và ra quả. Hiện nay vườn nhà chủ yếu là giống lê Tai Nung 6 (VH6) đã được cán bộ nghiên cứu khảo nghiệm tại Trại rau quả Bắc Hà từ tháng 8/2002. Đây là giống lê sinh trưởng mạnh, phân cành nhiều, phù hợp khí hậu Đồng Văn. Giống lê này cho quả hình tròn dẹt, vỏ vàng nhạt, mịn và mỏng. Khối lượng từ 200 - 300g/quả. Cuối tháng 6 quả bắt đầu chín, thu hoạch vào đầu tháng 7”.

Nhớ lại quãng thời gian đầu học làm vườn, anh tâm sự: “Ngày ấy dành nhiều công chăm sóc mà cây lê cứ còi cọc. Biết mình làm chưa đúng kỹ thuật, nên phải mua sách nông nghiệp về đọc, chỗ nào không hiểu thì đọc đi đọc lại hàng chục lần”. Vừ Dúng Tủa kết luận: “Mình trồng nó lên rồi phải biết áp dụng đúng kỹ thuật canh tác, từ vin cành, tạo tán, ngắt hoa trái vụ đến tỉa quả, bọc quả thì năng suất mới cao được”. Năm nay, 200 gốc lê được trồng trên diện tích 1,8ha của anh Tủa cho thu hoạch gần 4 tấn quả. Thương lái mua tại vườn giá 12.000 đồng/kg.

Làm kinh tế giỏi nên năm 2021 người dân tín nhiệm bầu anh làm Trưởng thôn, tới năm 2022 anh trở thành Người có uy tín trong cộng đồng. Gắn bó với công tác chính quyền khiến Vừ Dúng Tủa hiểu thêm về đời sống kinh tế của người dân, ước mơ xóa nghèo cho Khía Lía càng thêm cháy bỏng.

Ngay từ năm 2021, anh Tủa vận động người dân cùng trồng gừng xen kẽ trong vườn lê. Anh phân tích, gừng là loại ít sâu bệnh, dễ trồng, dễ chăm sóc, ưa đất ẩm, thích bóng râm, khi sinh trưởng góp phần giúp đất tơi xốp, giữ được độ phì nhiêu và người trồng lê không phải băn khoăn về việc cỏ dại khiến cây lê sinh bệnh. Lợi ích nhìn thấy đã rõ, nhưng các hộ dân trong thôn vẫn ngần ngại thử nghiệm. Một lần nữa anh lại tiên phong làm “người mở đường”!

Anh Vừ Dúng Tủa được người dân trong thôn trân trọng gọi là “Người mở đường”
Anh Vừ Dúng Tủa được người dân trong thôn trân trọng gọi là “Người mở đường”

Những số liệu canh tác hằng năm được anh ghi lại cẩn thận: Năm 2021, trồng 228kg giống, thu hoạch 2,7 tấn củ; Năm 2022 trồng 1,3 tấn giống, thu hoạch 21 tấn củ; Năm 2023 trồng 1,6 tấn giống, thu hoạch 27 tấn củ; Giá bán 13.000 đồng/kg; Tạo việc làm ổn định cho 5 người.

Trong cuộc họp thôn cuối năm 2023, người dân Khía Lía trầm trồ: “Cán bộ Tủa làm kinh tế giỏi đấy, cán bộ Tủa cũng là người đầu tiên xây nhà gạch, mua ô tô, Khía Lía mình phải học cán bộ Tủa”. Tới đầu năm 2024, toàn thôn Khía Lía có 10/71 hộ gia đình trồng gừng với diện tích 13ha. Trò chuyện cùng tôi, anh khẳng khái: “Khía Lía mình rồi sẽ phải đổi khác, sinh ra đã lửng lơ trên triền núi đá như thế này thì phải mạnh dạn làm giàu. Nếu có mô hình phát triển kinh tế hay mà chưa ai làm thì ta lại là người làm thử”.

Tôi kể lại tỉ mỉ chuyến đi thăm mô hình làm kinh tế giỏi của Trưởng thôn Vừ Dúng Tủa với Chủ tịch UBND xã Thài Phìn Tủng Thào Mí Páo. Chăm chú lắng nghe rồi anh Páo tâm sự: “Trồng cây theo hình thức đa tầng là hướng đi đúng đắn, phù hợp của người dân địa phương. Trong đó, trồng lê xen gừng là cách làm hiệu quả mà nhiều hộ đang triển khai sau một thời gian chọn lọc. Việc trồng xen canh không chỉ tạo thêm thu nhập cho người dân mà còn giảm thiểu rủi ro về giá cả trước những biến động của thị trường. Nhằm giúp người dân thuận tiện trong sản xuất, xã đã cử cán bộ chuyên môn theo dõi sát về tình hình sâu bệnh để kịp thời xử lý, khắc phục. Thài Phìn Tủng dẫu còn nhiều khó khăn nhưng nếu người dân có ý chí lao động vươn lên làm giàu thì đói nghèo tự khắc sẽ bị đẩy lùi”.

Tin cùng chuyên mục
Vĩnh Long: Phát huy vai trò của Người có uy tín trong vận động đồng bào DTTS thực hiện Chương trình MTQG 1719

Vĩnh Long: Phát huy vai trò của Người có uy tín trong vận động đồng bào DTTS thực hiện Chương trình MTQG 1719

Toàn tỉnh Vĩnh Long hiện có 46 Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS. Thời gian qua, đội ngũ Người có uy tín đã phát huy vai trò tiên phong của mình trong việc vận động đồng bào DTTS tham gia thực hiện có hiệu quả các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719). Nhờ vậy, trong việc triển khai thực hiện các Chương trình MTQG luôn nhận được sự đồng thuận của đồng bào trong vùng thực hiện dự án, từ đó đời sống bà con ngày càng ấm no, diện mạo nông thôn cũng thay đổi tích cực.