Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Miền núi xứ Thanh: “Giữ lửa” cho thể thao dân tộc

Quỳnh Chi - 16:25, 08/01/2020

Tỉnh Thanh Hóa có 11 huyện miền núi, với nhiều thành phần DTTS sinh sống đông như Thái, Mường, Mông, Dao, Thổ, Khơ-mú... Những năm qua, các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều hành động, việc làm cụ thể nhằm gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc hiệu quả. Trong đó, Hội thi thể thao các dân tộc được tổ chức 2 năm 1 lần là minh chứng.

Hội thi thể thao các DTTS được tổ chức 2 năm 1 lần, nhằm phát huy giá trị các di sản văn hóa truyền thống
Hội thi thể thao các DTTS được tổ chức 2 năm 1 lần, nhằm phát huy giá trị các di sản văn hóa truyền thống

Sau nhiều kỳ tổ chức, đến nay Hội thi thể thao các DTTS đã trở thành hoạt động truyền thống, góp phần thúc đẩy phong trào thể dục thể thao của đồng bào các DTTS phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Đặc biệt, mỗi kỳ hội thi là dịp củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc, là cơ hội để đồng bào các DTTS ganh sức, đua tài trong thi đấu thể thao; là dịp trao đổi, học tập kinh nghiệm gìn giữ, bảo tồn và phát triển các môn thể thao dân tộc, phát huy giá trị các di sản văn hóa truyền thống.

Mới đây, tại Hội thi lần thứ XIII, do huyện Quan Hóa đăng cai tổ chức vào tháng 11/2019, có rất nhiều môn thể thao dân gian truyền thống được đồng bào các DTTS luyện tập đua tài như: Đẩy gậy, bóng chuyền, ném còn, bắn nỏ, kéo co. Dù không nằm trong kế hoạch hay chương trình của một kỳ đại hội thể dục - thể thao (TDTT) toàn tỉnh, nhưng Hội thi thể thao các dân tộc diễn ra khá chuyên nghiệp và chất lượng, do được chuẩn bị chu đáo. 

 Ví dụ như ở huyện Quan Hóa, huyện đã dành nhiều tâm huyết để chuẩn bị cho Hội thi; xây dựng, hoàn thiện các sân tập TDTT từ cấp thôn, bản, các địa phương trên địa bàn huyện; tạo điều kiện, hỗ trợ để các đội, câu lạc bộ thể thao dân tộc ra đời và duy trì hoạt động thường xuyên. Kết quả, huyện Quan Hóa đã có hàng chục đội, CLB các môn bóng chuyền, bắn nỏ, đẩy gậy, kéo co tích cực luyện tập và giao lưu thi đấu, đã tạo nên phong trào TDTT rất sôi động tại địa phương.

Ở Hội thi thể thao dân tộc lần thứ XIII này, huyện Quan Sơn đã xuất sắc giành vị trí nhất toàn đoàn. Để có được kết quả này, huyện Quan Sơn cũng đã chú trọng phát triển phong trào TDTT có chiều sâu, đầu tư trọng điểm cho các môn thể thao dân tộc, ban hành các cơ chế hỗ trợ để nhân rộng các CLB thể thao dân tộc; tổ chức các giải đấu cấp xã, huyện hằng năm để các vận động viên có điều kiện được giao lưu, học hỏi. 

Theo ông Nguyễn Duy Tự, Phó Trưởng Phòng Quản lý TDTT, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, kỳ Hội thi thể thao các dân tộc toàn tỉnh năm 2019 đánh dấu bước phát triển rõ rệt của phong trào TDTT khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa. Các đơn vị tham gia đã dần hướng tới chuyên nghiệp hóa việc tham gia thi đấu, tranh tài. Điều này, đã cơ bản xóa bỏ tư duy, cách làm rập khuôn kiểu cũ, tham gia đều với quyết tâm giành thứ hạng cao, chứ không chỉ dừng lại ở việc tham gia hình thức. Đây cũng là những tín hiệu đáng mừng trong việc bảo tồn và phát huy các môn thể thao truyền thống của đồng bào các dân tộc tỉnh Thanh Hóa.

Tuy nhiên, theo ông Tự, qua thực tế tổ chức cho thấy, công tác xã hội hóa, huy động nguồn lực tài trợ cho các hoạt động thể dục thể thao dân tộc, cần có sự quan tâm nhiều hơn nữa từ các ngành, các huyện, các doanh nghiệp. Có thể xem sự quan tâm này là cách “giữ lửa” cho phong trào TDTT các huyện miền núi Thanh Hóa và thực hiện có hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào các DTTS tỉnh Thanh Hóa.