Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Miền đất “ngọt”

PV - 09:47, 19/03/2021

Vườn dâu tây giữa đại ngàn của chị Giàng Thị Sao, tổ 5, thị trấn Na Hang, tỉnh Tuyên Quang đang thu hút đông đảo khách du lịch, cộng đồng mạng xã hội quan tâm. Đến đây, du khách được tham quan, trải nghiệm, có thể tự tay hái và thưởng thức những trái dâu tây ngọt lịm ngay tại vườn. Đây là mô hình kinh tế du lịch nông trại mới nổi trên địa bàn, góp phần tạo hướng đi mới cho phát triển nông nghiệp gắn với du lịch của huyện Na Hang.


Chị Giàng Thị Sao (bên trái) thu hái dâu tây.
Chị Giàng Thị Sao (bên trái) thu hái dâu tây.

Bản Luộc thuộc tổ 5 thị trấn Na Hang nhưng lại nằm ở vị trí độc lập, từ trung tâm thị trấn men theo khe núi chừng 2 km rồi xuống một cái dốc dài là đến bản. Bản Luộc là thung lũng nhỏ bốn bên đều là những dãy núi cao bao bọc. Ở đây có những thửa ruộng thoai thoải, những quả đồi thấp lúp xúp, từ trên cao nhìn xuống bản giống một ốc đảo nằm lọt giữa các dãy núi. Mùa xuân này, khách đến bản chỉ cần đi xuống tới chân dốc đã có thể cảm nhận mùi hương hoa ngào ngạt của cỏ cây, hoa lá. Đứng trên con đường ở giữa bản sẽ thấy Bản Luộc đẹp như một bức tranh, xa xa chân núi là những vườn cam, bưởi, lại gần hơn là những thửa ruộng bậc thang, những mảnh vườn cây trái, không gian thật thoáng đãng, trong lành.

Người dân thị trấn Na Hang đều cho rằng những thứ quả cây được trồng ở Bản Luộc ngon, ngọt hơn hẳn ở những nơi khác, bởi thế mà hoa trái ở bản Luộc đắt hơn những loại hoa quả bán ngoài chợ là điều đương nhiên. Anh Hà Vĩnh Dương, người dân Bản Luộc cũng khẳng định như vậy. Vạt dưa hấu nhà anh trồng chẳng cần phải mang ra chợ bán mà khách tự tìm vào mua. Giá dưa ngoài chợ 15.000 đồng/kg thì dưa của gia đình anh chẳng cần phát giá, khách tự trả 25.000 đồng/kg. Những năm gần đây, bà con trong bản cũng đã trồng nhiều cam, nhưng cứ nói đến cam Bản Luộc thì bao nhiêu cũng hết, chẳng phải tiêu thụ đâu xa, chỉ phục vụ người dân thị trấn cũng đã đủ.

Có một cánh đồng ở trung tâm bản là một điểm nhấn đặc biệt không chỉ nổi tiếng toàn huyện mà rất nhiều du khách thập phương tìm đến, đó là cánh đồng dâu tây của chị Giàng Thị Sao. Đặc biệt là bởi dâu tây là thứ cây thường chỉ được trồng ở vùng có khí hậu ôn đới nhưng khi được trồng ở Bản Luộc lại phát triển rất tốt, cho quả rất ngọt, ngon hơn hẳn, ai ăn cũng phải tấm tắc khen. Chị chủ vườn dâu tây cũng là người khá đặc biệt, đó là một cô gái người dân tộc Mông trình độ học vấn cao, rất năng động được bà con trong bản hết sức cảm phục.

Chị Sao chia sẻ, mình sinh ra ở Bản Luộc, sau này lớn lên đi học Khoa Sư phạm Trường Đại học Tây Bắc, lấy bằng Thạc sỹ rồi đi dạy học ở Hà Nội nhưng luôn ước mơ trở thành một người nông dân, được trồng những thứ cây mình thích. Chị lý giải, có lẽ không gian, cây cỏ ở mảnh đất Bản Luộc đã thấm đẫm trong tâm trí mình từ bé nên mình luôn đau đáu một điều sẽ trở về đây để sống để được trồng cây làm trang trại. Và rồi chị Sao đã dứt bỏ tất cả những thứ phồn hoa nơi phố thị để trở về quê thực hiện ước mơ cho mình.

Những quả dâu tây ngọt lịm được thu hái tại vườn của chị Giàng Thị Sao.
Những quả dâu tây ngọt lịm được thu hái tại vườn của chị Giàng Thị Sao.

Bước đầu chị Sao đem 10 gốc dâu tây trồng thử nghiệm ở vườn nhà, sau 3 tháng thấy ra nhiều quả ngon, ngọt, thơm. Từ đó chị quyết định đầu tư mua giống, ni lông che phủ và hệ thống tưới tự động, mở rộng quy mô vườn dâu tây. Chị Sao chia sẻ, ban đầu chị cũng gặp nhiều khó khăn khi chưa biết cách chăm sóc, cây chết nhiều nên lỡ thời vụ. Rồi cứ mày mò nghiên cứu kỹ thuật trồng, chăm sóc cây dâu tây trên mạng và các hội nhóm trồng dâu tây, chị thấy dâu tây cũng dễ trồng, dễ chăm sóc mà hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với các loại cây trồng khác. 

Đây là loại cây trồng không đòi hỏi khắt khe về kỹ thuật nhưng phải là người chịu khó, chuyên cần thì mới thành công được. Chị tiết lộ khâu đặc biệt quan trọng, quyết định đến sự phát triển của dâu tây là chọn giống. Cây giống phải là những cây khỏe mạnh, khi trồng mới có khả năng kháng bệnh cao. Khi làm đất phải đảm bảo độ tơi xốp, đất đã làm sạch, bón phân đúng liều lượng theo từng giai đoạn phát triển của dâu tây... Tùy theo thời tiết mà điều chỉnh lượng nước tưới cũng như lần tưới phù hợp. Đặc biệt là không dùng phân hóa học bón cho dâu tây.

Sau 4 vụ, đến nay, vườn dâu của chị Sao đã mở rộng trên 4.000 m2. Dâu tây cho thu hoạch từ tháng 1 đến tháng 3. Khi quả chín đỏ sẫm màu là có thể thu hoạch, mỗi ngày thu hái từ 10 đến 17 kg quả. Giá quả tùy chất lượng quả từ 200 - 350 nghìn đồng/kg. Chị Sao ước tính với diện tích hiện có năm nay có thể thu được gần 2 tấn quả, như vậy chỉ với 4.000 m2 đã có thể cho doanh thu lên đến trên 400 triệu đồng. Ngoài giá trị về kinh tế, mô hình trồng dâu tây của chị Sao còn thu hút lượng lớn khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm. Hằng ngày, khách du lịch đến Na Hang sau khi trải nghiệm, tham quan vùng lòng hồ, rất nhiều du khách đã đến vườn dâu tây của chị tự mình hái quả, mua dâu tây tươi luôn tại vườn, chụp ảnh cùng vườn dâu tây. Có thể nói vườn dâu tây của chị Sao đã “gây sốt” trên mạng xã hội trong thời gian gần đây.

Chị Nguyễn Phương Dung, một du khách đến từ Bắc Ninh chia sẻ, chị biết đến mô hình Farmstay (loại hình du lịch nông trại) qua mạng xã hội và chị đã đến đây để được trải nghiệm. Không chỉ được trải nghiệm cách trồng, chăm sóc, thu hái dâu tây mà chị cảm thấy thật thích thú vì khí hậu, không gian, cảnh vật nơi đây. Đến đây như được trút bỏ những ưu tư phiền muộn để hòa mình cùng thiên nhiên và con người vùng đất Na Hang.

Ông Chẩu Văn Thành, Bí thư Chi bộ tổ 5 thị trấn Na Hang cho biết, Bản Luộc giàu tiềm năng phát triển du lịch. Tuy nhiên đó vẫn chỉ là tiềm năng chưa được khai thác. Từ khi chị Giàng Thị Sao đầu tư mô hình trồng dâu tây tại đây đã thu hút rất nhiều du khách, nhiều người biết đến Bản Luộc. Đây là mô hình kinh tế độc đáo, mới lạ góp phần tạo hướng đi mới cho phát triển nông nghiệp gắn với du lịch, đúng với chủ trương, định hướng phát triển của huyện Na Hang mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đã đề ra.

Về hướng đi phát triển cho mình trong thời gian tới, chị Sao chia sẻ, chị muốn đứng ra thành lập một hợp tác xã về lĩnh vực nông nghiệp kết hợp với du lịch để có thêm nhiều hộ dân cùng tham gia, đồng thời mở rộng thêm các sản phẩm nông nghiệp độc đáo khác theo mô hình Farmstay. Bước tiếp theo nữa có thể đầu tư trồng dâu tây, các loài hoa ôn đới như oải hương trên đất Khau Tinh, bởi chị nhận thấy khí hậu ở đó rất thích hợp. Nếu đạt được mục tiêu sẽ góp phần để thu hút thêm khách du lịch đến với Na Hang.