Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Mất mạng vì chủ quan khi bị chó dại cắn

Minh Thứ - 11:04, 27/05/2020

Nhiều người dân, nhất là ở khu vực miền núi của tỉnh Nghệ An vẫn còn chủ quan khi chó dại cắn. Nhiều nạn nhân đã tử vong vì sự thiếu hiểu biết này.

Tiêm vắc xin phòng bệnh cho vật nuôi là biện pháp để phòng ngừa bệnh dại
Tiêm vắc xin phòng bệnh cho vật nuôi là biện pháp để phòng ngừa bệnh dại

Tháng 7/2019, em Lương Thái S., sinh năm 2007, học sinh lớp 6, trú tại bản Xiềng Nứa, xã Yên Na (huyện Tương Dương) bị chó dại cắn. Nhưng S. không báo cho người nhà biết để đưa đi khám và tiêm phòng.

Hai tháng sau, S. bị sốt cao, được gia đình đưa đi chữa trị. Tại cơ sở y tế huyện Tương Dương, sau đó được chuyển đến một bệnh viện ở TP. Vinh nhưng không qua khỏi, S. đã tử vong.

Vụ việc mới nhất xảy ra hồi tháng 2/2020, bé trai 7 tuổi ở xã Mã Thành (huyện Yên Thành) trong lúc nô đùa với 1 con chó lạ đã vô tình bị cắn nhẹ vào tay và chân. Vì chủ quan, gia đình đã không đưa đi tiêm phòng, sau khi bé có một số biểu hiện bất thường, gia đình lại mang đến thầy lang cứu chữa. Sau khi được chuyển đến Bệnh viện Sản Nhi thì bệnh nhân đã vô phương cứu chữa.

Theo bác sĩ Hoàng Ngọc Đàn, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An, hiện nhiều người vẫn rất chủ quan khi bị chó dại cắn không mang đi tiêm phòng. Ngoài yếu tố chủ quan thì chi phí cao cũng là một nguyên nhân khiến người dân không đi tiêm phòng. 

“Chi phí để tiêm vắcxin phòng bệnh dại là 1,5 triệu đồng/người, chưa kể tiêm huyết thanh với số tiền hơn 1 triệu đồng cho 1 người lớn và khoảng 500.000 đồng cho trẻ em. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh chỉ có gần 5.000 người được tiêm phòng”, bác sĩ Đàn cho biết.

Theo bác sĩ Đàn, bệnh dại thường gia tăng vào mùa Hè. Thời gian ủ bệnh kéo dài, sớm nhất là nửa tháng, đa số vài ba tháng, có người đến vài năm. Thời gian phát bệnh phụ thuộc vào vị trí bị chó cắn. Nơi bị chó cắn càng gần thần kinh trung ương thì nạn nhân càng phát bệnh nhanh. 

“Tốt hơn hết nên tiêm vắcxin ngay sau bị chó cắn. Phải tiêm phòng đủ liều theo quy định, liều lượng, kỹ thuật và tiêm đúng khoảng cách giữa các mũi tiêm theo hướng dẫn”, bác sĩ Đàn khuyến cáo.