Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Mang mùa Xuân đến với đồng bào DTTS

PV - 15:11, 26/01/2023

Xuân này, đồng bào DTTS đang sinh sống tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận rất phấn khởi, vì các chính sách an sinh xã hội được triển khai đồng bộ, kịp thời, qua đó góp phần giúp đồng bào DTTS và miền núi ổn định cuộc sống.

Trung tâm xã Ma Nới (Ninh Sơn) được đầu tư khang trang. (Ảnh: Ngọc Diệp)
Trung tâm xã Ma Nới (Ninh Sơn) được đầu tư khang trang. (Ảnh: Ngọc Diệp)

Thời gian qua, các chương trình, dự án, chính sách dân tộc được tỉnh Ninh Thuận tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả bảo đảm đầy đủ, kịp thời đúng mục tiêu kế hoạch đề ra. Nhờ đó, đời sống của đồng bào các dân tộc từng bước được nâng lên cả về vật chất lẫn tinh thần.

Nhằm tạo thuận lợi cho đồng bào DTTS trong phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), tỉnh Ninh Thuận đã thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với tiềm năng lợi thế của vùng. Chỉ tính riêng trong năm 2022, diện tích chuyển đổi trên toàn tỉnh đạt trên 1.330 ha. Các xã thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi đã thực hiện tốt công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phù hợp điều kiện thực tế tại các vùng sản xuất thường xuyên xảy ra tình trạng thiếu nước tưới. Đồng thời, thay đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu, hạn chế diện tích phải bỏ hoang do không đủ nước trồng lúa, vừa duy trì sản xuất ổn định theo hướng bền vững lâu dài và hiệu quả.

Đối với tiểu thủ công nghiệp, tỉnh tiếp tục hỗ trợ đầu tư, phát triển các làng nghề tiểu thủ công nghiệp trên cơ sở khôi phục các ngành nghề truyền thống, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ gắn với các làng nghề, tổ sản xuất nhằm khai thác lợi thế nguồn nguyên liệu tại chỗ. Trọng tâm là huyện Ninh Phước với làng nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, gốm Bàu Trúc; huyện Bác Ái với một số ngành nghề của đồng bào dân tộc Raglay ở xã Phước Tiến; làng nghề thủ công mỹ nghệ thôn Tập Lá thuộc xã Phước Chiến, huyện Thuận Bắc..., qua đó, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân trong các làng nghề. Gắn phát triển làng nghề với phát triển du lịch, tạo ra hướng phát triển mới đối với làng nghề ở vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Công tác phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao dân trí và chăm sóc sức khỏe Nhân dân và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc được quan tâm, đẩy mạnh. Đến nay, mạng lưới giáo dục các cấp ở vùng DTTS ngày càng mở rộng, phát triển đến tận xã, thôn đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên, tạo điều kiện cho con em đồng bào DTTS trong tỉnh thuận lợi hơn trong việc học tập. Cơ sở vật chất và trang thiết bị hỗ trợ y tế được quan tâm đầu tư; kết cấu hạ tầng điện, đường, trường, trạm, giao thông nông thôn không ngừng được phát triển.

Các tuyến đường trung tâm xã đã được trải nhựa, giao thông liên thôn, liên xã được bê tông giúp bà con đi lại, vận chuyển hàng hóa dễ dàng hơn; hệ thống thủy lợi, chợ nông thôn được đầu tư, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân, góp phần nâng cao đời sống, thúc đẩy phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Một góc trung tâm xã Phước Bình, huyện Bác Ái. (Ảnh: P.Bình)
Một góc trung tâm xã Phước Bình, huyện Bác Ái. (Ảnh: P.Bình)

Được sự tuyên truyền của chính quyền địa phương, cùng với các chương trình mục tiêu quốc gia như: Giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giúp bà con chủ động, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cây trồng hợp lý, qua đó từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, nhờ đó tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua các năm, đến nay toàn tỉnh còn khoảng 8.600 hộ nghèo DTTS.

Đồng chí Pi Năng Thị Thủy - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận cho biết: Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chương trình, chính sách, đề án thuộc lĩnh vực công tác dân tộc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ và Nhân dân về phát triển KT-XH bền vững vùng đồng bào DTTS. Củng cố hệ thống chính trị cơ sở, giữ vững khối Đại đoàn kết các dân tộc, bảo đảm ổn định quốc phòng, an ninh, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, giảm nghèo bền vững và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.