Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Mâm cơm tri ân ngày Giỗ Tổ

PV - 11:30, 10/04/2022

Với tấm lòng thành kính, ngày Giỗ Tổ HùngVương hàng năm đã trở thành dịp để người dân thành phố Việt Trì chuẩn bị mâm cơm đoàn viên, thắp hương tri ân công ơn các Vua Hùng đã có công dựng nước. Đây cũng là nét đẹp văn hóa ngày càng được nhân rộng ở các địa phương.

Gia đình ông Triệu Khánh Nghị ở khu 2, xã Hy Cương sửa soạn mâm cơm dâng cúng tổ tiên và các vua Hùng
Gia đình ông Triệu Khánh Nghị ở khu 2, xã Hy Cương sửa soạn mâm cơm dâng cúng tổ tiên và các vua Hùng

Trong dòng chảy sâu thẳm tâm linh của người Việt Nam, thờ cúng tổ tiên với những lễ vật và nghi lễ cụ thể, trong đó có việc làm mâm cơm cúng dâng lên tổ tiên trong dịp lễ trọng là nét đẹp văn hóa đặc trưng, rõ nét nhất của quá trình thực hành Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Mỗi năm nhân dịp Giỗ tổ Hùng Vương, nhiều gia đình có những ước nguyện tốt đẹp đó là sự phù hộ độ trì của tổ tiên dành cho gia đình, con cháu. Đó là động lực giúp người dân Đất Tổ luôn sự lạc quan vươn lên trong cuộc sống, hướng tới những giá trị cốt lõi của chân-thiện-mỹ.

Với người dân ở các xã gần Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, việc sửa soạn mâm cỗ tri ân các Vua Hùng đã trở thành nét đẹp truyền thống được duy trì qua nhiều năm. Cứ đến chiều mùng 9/3 âm lịch, các gia đình lại sửa soạn và lau dọn bàn thờ. Mâm cỗ cúng gồm các món ăn truyền thống nhưng không thể thiếu một số món quan trọng như: Bánh chưng, bánh giầy, dưa hấu. Mỗi địa phương sẽ có những cách thức chuẩn bị, lựa chọn các món và bày biện khác nhau, nhưng có điểm chung là món bánh chưng, bánh giầy không thể thiếu trong mâm cơm cúng để dâng lên tổ tiên, bởi đây là hai sản vật gắn liền với sự tích về lòng hiếu thảo của hoàng tử Lang Liêu vào đời vua Hùng thứ 6. Tất cả đều thể hiện lòng thành dâng lên tổ tiên với mong muốn cầu cho mùa màng tươi tốt, vạn vật sinh sôi nảy nở; gia đình dòng tộc anh em cùng đoàn kết, phấn đấu học tập, lao động tiến bộ, yêu thương nhau.

Mâm cơm tri ân công ơn các vua Hùng nhân dịp Giỗ Tổ Hùng Vương tại các gia đình thể hiện lòng thành kính tri ân
Mâm cơm tri ân công ơn các vua Hùng nhân dịp Giỗ Tổ Hùng Vương tại các gia đình thể hiện lòng thành kính tri ân

Theo truyền thống, vào ngày chính lễ Giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10 -3 hằng năm, từ sáng sớm gia đình ông Triệu Khánh Nghị và bà Trần Thị Hồng ở Khu 2 xã Hy Cương chuẩn bị lễ vật để thắp hương tại Đình Cổ Tích, ngôi đình thờ Thành Hoàng làng xin phép mời các Vua Hùng về gia đình hưởng thụ lễ vật dâng cúng. Lễ vật tại Đình là thủ lợn, ván xôi, hoa quả; còn tại gia đình, có mâm cơm được chuẩn bị chu đáo với tấm lòng thành kính dâng lên tổ tiên và các Vua Hùng. Dưới căn nhà gỗ đã nhuốm màu thời gian, không như mọi năm anh em dòng họ gặp mặt ăn bữa cơm đoàn viên, Giỗ Tổ năm nay vợ chồng ông Nghị chỉ làm mâm cỗ cúng để cùng gia đình các con quây quần. Theo truyền thống gia đình để lại, việc thờ cúng xuất phát từ tâm của mỗi thành viên trong gia đình vì vậy bản thân ông Nghị luôn ý thức rằng thờ cúng tổ tiên là nét đẹp văn hóa, phong tục tập quán của cha ông. Từ những sản vật sẵn có của địa phương, ông Nghị đã chuẩn bị mâm cơm cúng giản dị nhưng trang nghiêm, đủ đầy các món ăn truyền thống của người Việt, thể hiện lòng thành kính dâng cúng tổ tiên với ý nghĩa tri ân, tưởng nhớ công ơn Vua Hùng.

Đồng chí Phạm Văn Mến - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc thành phố Việt Trì cho biết: “Ủy ban Mặt trậntổ quốc đã đẩy mạnh tuyên truyền trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là nâng cao vai trò của người cao tuổi trong việc thực hiện mâm cỗ tri ân các vua Hùng vào ngày Giỗ Tổ. Qua đó, giáo dục thế hệ trẻ hiểu hơn về truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, khẳng định khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng bền chặt. Đồng thời nhắc nhở con cháu đời sau lòng thành kính, biết ơn đối với các bậc tiền nhân đã có công dựng nước”.

Từ năm 2019, thành phố Việt Trì triển khai, tuyêntruyền để người dân trên các địa phương làm mâm cỗ tri ân vào ngày Giỗ Tổ. Tuy nhiên, với những người con làng Cổ Tích và những xã lân cận khu Di tích lịch sử Đền Hùng thì đây đã là nét đẹp truyền thống đã được duy trì nhiều đời nay. Việc khuyến khích, động viên các gia đình làm mâm cơm tri ân ngày Giỗ Tổ đã phát huy vai trò của cộng đồng trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Tất cả những giá trị văn hoá tâm linh, những tư tưởng hướng về cội nguồn tổ tiên và văn hoá thờ cúng tổ tiên đã tạo nên giá trị cốt lõi, phẩm hạnh của người Việt là ý nghĩa quan trọng trong ngày đoàn viên của mỗi người dânViệt Nam mãi mãi trường tồn với thời gian.