Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHUYÊN TRANG
CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA
CHƯƠNG TRÌNH 1719 * NÔNG THÔN MỚI * GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Lục Nam, Bắc Giang: Hoàn thành tốt Quyết tâm thư trước thềm Đại hội

PV - 11:13, 16/08/2019

Những ngày này tại Lục Nam, công tác chuẩn bị cho Đại hội Đại biểu các DTTS cấp huyện lần thứ III năm 2019 đã được địa phương cơ bản hoàn thành, sẵn sàng cho ngày hội của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) chính thức diễn ra. Nhìn lại quá trình 5 năm, kể từ khi diễn ra Đại hội lần II (2014-2018) đến nay, Lục Nam đã có nhiều sự thay đổi rõ rệt về kinh tế-xã hội vùng DTTS. Qua đó, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc, đem lại niềm tin, sự phấn khởi kỳ vọng vào tương lai tươi sáng cho đồng bào nơi đây…

Là huyện miền núi của tỉnh Bắc Giang, với 16 dân tộc cùng chung sống, trong đó có 9.138 hộ đồng bào DTTS. Nhờ được thụ hưởng nhiều dự án, chính sách hỗ trợ như: Chương trình 135 và Chương trình xây dựng Nông thôn mới, Chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất… cùng với ý chí phấn đấu vươn lên của người dân, kinh tế-xã hội của huyện đã có bước phát triển mạnh mẽ, đời sống Nhân dân được nâng cao.

Về Lục Nam hôm nay, có thể cảm nhận được sự ấm no, yên bình đang hiện hữu trên từng thôn, xóm. Được hưởng lợi từ nhiều chương trình, dự án nên hạ tầng cơ sở của huyện rất khang trang, giao thông thuận lợi đến từng thôn bản; những mái nhà ngói, nhà cao tầng khang trang trong các thôn, bản. Đặc biệt, từ nguồn vốn vay ưu đãi thuộc các chương trình, dự án đã tạo thêm cơ hội cho nhiều hộ dân đầu tư phát triển sản xuất vươn lên thoát nghèo.

Ông Vy Văn Ba, dân tộc Nùng, thôn Đồng Cống, xã Bảo Sơn cho biết: Nhờ được vay vốn phát triển sản xuất với lãi suất ưu đãi, ông đã mạnh dạn đầu tư vào chăn nuôi gà và trồng cây dứa đã mang lại hiệu quả cao. Mỗi năm gia đình ông xuất bán được khoảng 2.000 con gà và 1ha dứa, trừ hết chi phí gia đình ông thu lãi khoảng 100 triệu đồng/năm.

Người dân ở thôn Đồng Cống phát triển cây dứa mang lại giá trị kinh tế cao. Người dân ở thôn Đồng Cống phát triển cây dứa mang lại giá trị kinh tế cao.

Hiện, thôn Đồng Cống có 270 hộ dân, trong đó đồng bào DTTS chiếm 70%. Nhờ phát triển sản xuất từ cây dứa và chăn nuôi trang trại, nên cuộc sống của người dân thay đổi rất nhiều. Hiện nay, toàn thôn có 60ha dứa, tổng sản lượng khoảng 600 tấn, thu nhập bình quân khoảng 70 triệu đồng/ha, đời sống của người dân đã trở nên khấm khá.

Với quyết tâm và sức mạnh đoàn kết của chính quyền và Nhân dân huyện Lục Nam, đến nay, các tiêu chí đặt ra trong Quyết tâm thư từ Đại hội Đại biểu DTTS lần thứ II cơ bản đã đạt được. Đời sống vật chất, tinh thần của bà con các DTTS được cải thiện rõ rệt; 100% đường trục xã được nhựa hóa, bê tông hóa; 80,03% đường trục thôn được cứng hóa; các công trình thủy lợi được đầu tư đảm bảo tưới tiêu chủ động cho 85% diện tích trồng lúa nước và cây hằng năm; lao động trong độ tuổi người DTTS qua bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo đạt trên 50%, trong đó 20% được đào tạo nghề; 100% trẻ em trong độ tuổi được đến trường; 100% cán bộ công chức cấp xã đạt chuẩn theo quy định, trong đó 70% có trình độ trên chuẩn; 100% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia; các xã có điểm phục vụ bưu chính, viễn thông; Internet đến hầu hết các thôn, bản, 100% hộ gia đình được xem truyền hình.

Việc áp dụng tiến bộ khoa học trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp cũng được chính quyền và Nhân dân Lục Nam triển khai đồng bộ và phát huy được hiệu quả rõ rệt. Theo đó, tính đến hết năm 2018, Lục Nam đã xây dựng 21 nhà màng, nhà lưới với quy mô 3,6ha sản xuất hoa, rau; 8 mô hình tưới tiết kiệm nước bằng phương pháp tưới nhỏ giọt trên cây cam, bưởi, cây dưa lưới với tổng quy mô 10ha; mô hình sản xuất nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP với quy mô 100ha; 5 mô hình chăn nuôi lợn áp dụng công nghệ chuồng kín; triển khai xây dựng nhãn hiệu hàng hóa tập thể đối với các sản phẩm: Khoai sọ Khám Lạng và khoai lang Bắc Lũng, rượu Núi Huyền, Chả giã tay Lục Nam (đã gửi hồ sơ và được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận), thực hiện xây dựng chỉ dẫn địa lý Lục Nam cho sản phẩm quả na Lục Nam..).

Theo đó, đã có nhiều tấm gương nông dân là người DTTS trở thành những hộ sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu, mỗi năm cho thu nhập từ 200-500 triệu đồng, điển hình như: Bà Trương Thị Hậu dân tộc Dao xã Lục Sơn, với mô hình sản xuất chăn nuôi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, kinh doanh tạp hóa, máy xát gạo; Ông Lăng Văn An dân tộc Sán Dìu xã Đông Hưng, với mô hình sản xuất vườn rừng và chăn nuôi gia súc (trâu, bò, dê…); ông Bành Văn Thế dân tộc Hoa xã Trường Giang; ông Hoàng Tài Định dân tộc Tày xã Nghĩa Phương, với mô hình VACR và nuôi ong; ông Lý Văn Ạo dân tộc Nùng xã Tam Dị với mô hình nông lâm kết hợp: cây lâm nghiệp, cây ăn quả và trang trại chăn nuôi; ông Lục Văn Trung dân tộc Tày xã Đông Hưng với mô hình trồng cây ăn quả.

Ông Đặng Văn Nhàn, Chủ tịch UBND huyện Lục Nam cho biết: Để triển khai thực hiện chính sách dân tộc có hiệu quả chính quyền huyện Lục Nam đã căn cứ vào tình hình thực tế tại vùng DTTS và miền núi của huyện. 5 năm qua (từ 2014-2019) huyện đã thực hiện có hiệu quả trên 10 chính sách lớn đối với vùng đồng bào dân tộc và miền núi, với tổng nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ trên 534 tỷ đồng. Với việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ bằng các giải pháp đồng bộ, phù hợp, đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm chỉ còn 10,11%; Tổng giá giá trị sản xuất năm 2018 là 10.709 tỷ đồng tăng 4.796 tỷ đồng so với năm 2015...

Bước phát triển mạnh mẽ của Lục Nam trên nhiều lĩnh vực thực sự có ý nghĩa quan trọng, là đòn bẩy để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Lục Nam tiếp tục đồng lòng, tập trung thực hiện những mục tiêu mới trong phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là vùng DTTS và miền núi những năm tiếp theo.

THÚY HỒNG